Loạt động thái căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên gần đây dấy lên nhiều quan ngại bùng phát xung đột toàn diện ở bán đảo Triều Tiên thời gian tới.
Trong bối cảnh tiến trình đối thoại bế tắc, thời gian qua, hai miền bán đảo Triều Tiên đã thực hiện các hành động leo thang căng thẳng. Hàn Quốc và Triều Tiên liên tục có những động thái đáp trả cứng rắn, “ăn miếng, trả miếng”, khiến tình hình trên bán đảo nóng hơn bao giờ hết. Quan hệ liên Triều đang rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ bùng phát cuộc xung đột ở bán đảo này ngày càng trở nên hiện hữu.
Liên tục động thái ‘ăn miếng, trả miếng’
Trong diễn biến mới nhất, truyền thông hôm 17/10 đưa tin Triều Tiên sửa đổi hiến pháp, lần đầu tiên gọi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mô tả quan hệ liên Triều là quan hệ giữa "hai quốc gia thù địch với nhau" và tuyên bố bỏ mục tiêu hòa giải hay thống nhất với Hàn Quốc. Đến tháng 1, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi sửa đổi hiến pháp, coi Hàn Quốc là "kẻ thù chính".
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố 1,4 triệu thanh niên làm đơn xin nhập ngũ. Hôm 16/10, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết: "Khoảng 1,4 triệu thanh niên, gồm cả sinh viên và quan chức đoàn thanh niên, làm đơn xin nhập ngũ hoặc tái ngũ trong tuần qua. Những thanh niên này quyết tâm tham gia cuộc chiến thiêng liêng tiêu diệt kẻ thù bằng vũ khí cách mạng".
Hình ảnh đoạn đường bộ và đường sắt đã bị phá hủy dọc theo khu vực biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên hôm 15/10. (Ảnh: Reuters)
Năm ngoái, truyền thông nước này cũng đưa tin 800.000 thanh niên tình nguyện nhập ngũ để "chống Mỹ", khi Hàn Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chung. Triều Tiên áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự, trong đó thanh niên từ 17 đến 30 tuổi được gọi nhập ngũ hai lần trong năm.
Thông tin về việc thanh niên tình nguyện đăng ký nhập ngũ thường được Triều Tiên đưa ra khi quan hệ hai miền nóng lên. Theo Global Fire Power, quân đội Triều Tiên (KPA) có khoảng 1,3 triệu lính chính quy, trên 560.000 quân nhân dự bị. Nước này còn có khoảng 5,2 triệu người đủ điều kiện nhập ngũ.
Đáng chú ý, căng thẳng trên bán đảo liên Triều tiếp tục leo thang khi Triều Tiên tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn biên giới với Hàn Quốc. Hôm 15/10, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên kích nổ mìn phá hủy nhiều đoạn thuộc tuyến đường Gyeongui và Donghae nối liền hai nước. Hai tuyến đường này vốn được coi là biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Chưa hết, cuộc chạy đua vũ trang, bao gồm cả tên lửa và hạt nhân khiến an ninh Bán đảo Triều Tiên trở nên rất khó đoán định. Trong thời gian qua, hai miền Triều Tiên cũng liên tục phô trương sức mạnh quân sự, tăng cường khả năng răn đe. Triều Tiên liên tục thực hiện các vụ thử vũ khí tên lửa. Về phần mình, Hàn Quốc tăng cường tiềm lực quân sự, củng cố liên minh với Mỹ thông qua thực hiện các biện pháp răn đe mở rộng, trong đó có việc tiến hành những tập trận chung mà Triều Tiên luôn coi là hành động "tập dượt cho một cuộc chiến tranh" nhằm vào Bình Nhưỡng.
Nguy cơ xung đột Hàn Quốc - Triều Tiên bị đẩy lên đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng đưa ra khả năng về một cuộc tấn công bằng pháo binh quy mô lớn để trả đũa việc “thiết bị bay không người lái của Hàn Quốc đã xâm nhập vào Bình Nhưỡng”. Triều Tiên công bố số lượng cụ thể là 8 lữ đoàn pháo binh được bố trí gần khu vực tiền tuyến biên giới và tuyên bố trong trạng thái “sẵn sàng khai hỏa”.
Trong khi đó, Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ra chỉ thị cho các đơn vị tăng cường giám sát và sẵn sàng đáp trả. Hàn Quốc triển khai lực lượng pháo thiện chiến như pháo tự hành K-9, tăng cường các phương tiện trinh sát như vệ tinh và thiết bị bay không người lái để theo dõi mọi động thái di chuyển khí tài của quân đội Triều Tiên. Cùng với đó, quân đội Hàn Quốc cũng tăng cường hoạt động tập huấn chung với Mỹ tại Trường huấn luyện Yeongpyeong. Hàn Quốc nhiều lần tuyên bố chính sách của nước này là tiếp tục theo đuổi mục tiêu thống nhất hai miền nhưng sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu Triều Tiên có bất kỳ hành động gây hấn nào.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)
Nguy cơ đối đầu quân sự
Giới phân tích cho rằng, những động thái gần đây của phía Triều Tiên như cho nổ mìn phá các tuyến đường Kyungui và Tuyến Donghae cho thấy Bình Nhưỡng muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Hàn Quốc, không còn sẵn sàng đàm phán với Seoul. Đây được xem là liệu pháp sốc với Hàn Quốc, gây lo lắng trong xã hội Hàn Quốc, giống như vụ đánh bom Văn phòng liên lạc chung Bắc - Nam tại Khu công nghiệp Kaesong năm 2020. Còn trên thực tế, những tuyến đường trên đã bị đóng cửa từ lâu.
Theo giáo sư Andrey Lankov - từ Đại học Kookmin ở Seoul, việc Triều Tiên phá hủy các tuyến đường nối với Hàn Quốc không phải là một vụ việc quá nghiêm trọng để có thể dẫn tới chiến tranh. Vị này cho rằng, không có hoạt động giao thông trong những năm qua trên các tuyến đường bị Triều Tiên vừa phá hủy. Giáo sư Andrey Lankov chỉ ra, những vụ nổ như vậy mang tính biểu tượng nhiều hơn trong chiến dịch của Triều Tiên nhằm xóa bỏ khả năng thống nhất hai miền.
Trên thực tế, căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên diễn ra trong thời gian dài. Các chuyên gia cho rằng khó có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào Hàn Quốc, vì điều này sẽ dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ từ lực lượng liên minh Mỹ - Hàn.
Mối quan hệ hai bên leo thang từ năm ngoái, sau khi Seoul và Bình Nhưỡng tuyên bố hủy hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận 19/9 nhằm giảm thiểu căng thẳng quân sự liên Triều khu vực giới tuyên, được ký vào năm 2019. Sau động thái này, bán đảo Triều Tiên vẫn tránh được kịch bản xung đột khi Triều Tiên cũng không triển khai pháo tầm xa quy mô lớn với Hàn Quốc.
Giới phân tích dự đoán trong tương lai gần, hai bên sẽ tăng cường hơn nữa các động thái gây căng thẳng với nhau. Theo chuyên gia Konstantin Asmolov tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, khả năng xảy ra chiến sự quy mô lớn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tương đối thấp, song điều đó không có nghĩa là sẽ không có thêm sự leo thang.
Chuyên gia Konstantin Asmolov phân tích: "Khả năng cao là sẽ không có chiến sự. Bởi vì cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul đều không muốn chiến sự nổ ra. Bình Nhưỡng hiểu rằng chiến tranh sẽ đồng nghĩa đối đầu với Mỹ. Seoul cũng không muốn chiến tranh vì tên lửa siêu vượt âm của Bình Nhưỡng sẽ bay vào Seoul trong vòng 5 phút".
Đồng quan điểm, giáo sư Kang Dong-wan, tại Đại học Dong-a ở Busan, cũng hoài nghi về khả năng nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. "Tôi hoài nghi về khả năng tình hình sẽ leo thang đến mức chiến tranh. Triều Tiên đang lợi dụng xung đột quân sự để tăng cường sự gắn kết nội bộ", giáo sư Kang Dong-wan cho hay.
Hình ảnh pháo binh Triều Tiên tập trận vào tháng 3/2024. (Ảnh: KCNA)
Các chuyên gia về quan hệ quốc tế cho rằng, hành động “ăn miếng, trả miếng”, đáp trả qua lại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cho thấy họ đang bị mắc kẹt trong một "trò chơi" đấu trí, khi cả hai bên đều không muốn nhượng bộ trước.
Theo chuyên gia Edward Howell, từ Quỹ Hàn Quốc tại tổ chức Chatham House, dù có sự cứng rắn trong các tuyên bố được đưa ra, song sự leo thang ngày càng tăng hiện nay "là một phần trong chiến lược của Triều Tiên, đó là chiến lược bên miệng hố chiến tranh". Theo vị này, Triều Tiên thường tăng cường các hành động khiêu khích trong những năm bầu cử tổng thống tại Mỹ. "Họ muốn thử nghiệm và xem liệu Mỹ có nhượng bộ họ hay không", ông nói.
Trước tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang căng thẳng, Trung Quốc và Nga kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là Hàn Quốc, cần kiềm chế, tránh căng thẳng leo thang trong khu vực, tìm kiếm giải pháp chính trị để duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không đem lại lợi ích cho các bên”.
https://vtcnews.vn/cang-thang-dinh-diem-xung-dot-toan-dien-ban-dao-trieu-tien-bung-no-ar902512.html