Chuyên gia cho rằng căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine hiện nay dường như đang tái diễn lại cuộc khủng hoảng tên lưa Cuba cách đây 60 năm.

Diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine thời gian gần đây đang được đẩy lên cao trào, nguy cơ đối đầu quân sự trực diện cận kề hơn bao giờ hết. Thế nhưng, theo các phân tích, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 dường như được tái diễn trong căng thẳng quân sự Nga - Ukraine. Mỹ không tấn công Cuba năm 1962 và những năm sau đó. Nay điều đó hoàn toàn có thể lặp lại trong trường hợp của Ukraine.

Đối đầu Nga - Ukraine gia tăng

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng, cho rằng căng thẳng giữa Ukraine và Nga đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Hiện Nga tập trung hàng chục nghìn binh sĩ cách biên giới Ukraine không xa, dấy lên lo ngại Moskva có thể tấn công nước láng giềng trong thời gian ngắn tới.

Căng thẳng quân sự Nga - Ukraine: Tái diễn khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba - 1
Mỹ và đồng minh cáo buộc Nga ồ ạt điều quân áp sát biên giới Ukraine, chuẩn bị cho kế hoạch tấn công nước này.

Ảnh vệ tinh do Maxar công bố cho thấy 1.000 phương tiện cơ giới Nga, gồm xe tăng, thiết giáp chở quân, pháo tự hành, tập trung tại thị trấn Yelnya, cách biên giới Ukraine khoảng 250 km về phía bắc. Tiếp đó, Nga đưa quân tới Belarus tập trận chung, gây uy hiếp, khiến dân Ukraine biểu tình phản đối nguy cơ chiến tranh do Nga gây ra.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, Nga bắt đầu căng thẳng với Ukraine, rồi leo thang thành ngòi nổ xung đột với Mỹ và NATO. Phương Tây nhiều lần cảnh báo Nga không nên có các động thái “gây hấn” với Ukraine. Căng thẳng một lần nữa gia tăng khi trong cuộc hội đàm trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ giáng đòn kinh tế mạnh mẽ và các biện pháp khác nếu ông Putin phát động chiến dịch tấn công Ukraine.

Trước những tuyên bố từ các nước phương Tây, Nga luôn khẳng định có quyền triển khai quân đội tới bất cứ đâu trong lãnh thổ nước này để phòng thủ. Mỹ và NATO đã trả lời bằng văn bản, cơ bản bác bỏ đề xuất an ninh 8 điểm của Nga- trong đó có yêu cầu NATO rút quân khỏi các nước thành viên gia nhập liên minh sau năm 1997 và không kết nạp Ukraine vào khối.

Mỹ thúc Hội đồng Bảo an họp về vấn đề Ukraine nhưng Nga và Trung Quốc bác nội dung cuộc họp do Mỹ và các đồng minh đưa ra.

Đồng quan điểm, chia sẻ với VTC News, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia lâu năm về Nga và Liên Xô, giảng viên trường Đại học Thăng Long cho hay, căng thẳng giữa Ukraine và Nga đang ở mức cao nhất trong gần chục năm trở lại đây. Theo GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, quan điểm của Nga với phương Tây về sự hiện diện quân sự của Moskva sát biên giới Ukraine là khác nhau.

“Ukraine cho rằng, Nga không thể ngăn nước này xích lại gần NATO và không có quyền có bất kỳ tiếng nói nào trong các cuộc thảo luận liên quan, cáo buộc Moskva đang cố gắng gây bất ổn cho nước này bằng sức ép chính trị, kinh tế ngoại giao kể cả lên kế hoạch tấn công trực tiếp bằng sức mạnh quân sự khi Kiev quyết từ bỏ ảnh hưởng của Moskva và quay sang phương Tây, gia nhập NATO.

Trong khi đó, Nga không chấp nhận Mỹ và NATO lợi dụng Ukraine như mũi dao găm chọc vào nách Nga, cho rằng NATO đã phản bội cam kết không mở rộng về phía Đông như thỏa thuận ngầm ở hội nghị Budapest năm 1991. Đồng thời cáo buộc, chính phương Tây đang làm trầm trọng thêm tình hình”, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn phân tích.

Chủ ý từ Nga hay Mỹ?

Đề cập đến nguyên nhân khiến cho quan hệ Nga - Ukraine leo thang thời gian gần đây, chuyên gia Nguyễn Hồng Quân cho rằng, lãnh đạo Nga xưa nay đều coi Kiev về cơ bản gắn bó với Moskva. Hai tổng thống đầu tiên của Ukraine đã thận trọng, không chia rẽ quá gay gắt với Moskva. Trong khi đó, Nga quan ngại mô hình dân chủ, phát triển và thịnh vượng của Ukraine có thể tác động tới xã hội nước này, truyền cảm hứng cho quá trình chuyển đổi dân chủ ở Nga.

“NATO tuy chưa kết nạp song đang tạo ra một liên minh trên thực tế với Ukraine. Lúc này Nga đang có lợi thế, khi khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng, giúp nước này củng cố vị thế như một siêu cường năng lượng. Giá năng lượng đang tăng trên toàn cầu, nhưng có lẽ không nơi nào tăng mạnh như ở châu Âu: Tăng hơn 400% vào năm 2021.

Gần đây, hầu hết các nước châu Âu đã ngừng sản xuất khí đốt nên họ phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Trong hoàn cảnh đó, EU khó trừng phạt Nga bởi có thể gây ra khủng hoảng năng lượng ở châu Âu với quy mô như khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970”, chuyên gia Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Căng thẳng quân sự Nga - Ukraine: Tái diễn khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba - 2
Căng thẳng Mỹ - Nga gia tăng liên quan đến vấn đề Ukraine.

Theo ông Quân, nhìn sâu xa, đẩy cho tình hình Nga - Ukraine trở nên căng thẳng như hiện nay là do chủ ý từ phía Nga. Nga muốn NATO dừng mở rộng về phía đông, Ukraine không gia nhập liên minh quân sự này. Chính Moskva là bên đã chủ động đưa quân đến sát biên giới Ukraine, gây sức ép với Kiev và NATO, đồng thời chủ động đưa ra các đề xuất an ninh đối với Mỹ và NATO.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, mục tiêu lớn hơn của Nga là buộc chính phủ Ukraine tuân theo các điều khoản nhằm tái thiết lập phạm vi ảnh hưởng của Moskva trên khắp Đông Âu như thời còn Liên Xô.

“Quan điểm của Ukraine là nước này muốn được tự do lựa chọn mô hình phát triển theo EU, có độc lập, có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và muốn tận dụng bảo trợ an ninh của NATO. Trong thập kỷ qua, Ukraine đã trở nên độc lập, dân chủ và thân phương Tây hơn. Tuy nhiên cũng nên nhận ra rằng, về lâu dài, là quốc gia nằm bên cạnh nước lớn, Ukraine cần có quan hệ tốt (tôn trọng) Nga; có thiện cảm hơn với Nga, giữ thái độ trung lập”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nói.

Trong những tuần gần đây, chính Ukraine đã cáo buộc phương Tây đang làm cho tình hình thêm căng thẳng. Hôm 29/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc việc một số lãnh đạo phương Tây mô tả khả năng chiến tranh sớm xảy ra chỉ khiến tình hình xấu đi và tạo ra "cơn hoảng loạn".

Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố, Ukraine sẽ không nhận được nhiều sự trợ giúp quân sự hơn, tái khẳng định sẽ không có quân đội Mỹ nào được triển khai ở đó, cũng như sẽ không có các biện pháp trừng phạt phủ đầu đối với Nga hoặc bất kỳ xúc tiến nào với NATO… Điều này có nghĩa là đôi bên đang "nắn gân" nhau còn chiến tranh vẫn còn phía trước.

Ngoài ra, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhận định, Washington là bên đứng ngoài, hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine. Nếu Moskva tấn công Kiev thì Nga cũng không thể giữ được Ukraine. Khi đó, kinh tế Nga sẽ trở nên khó khăn, thậm chí Tổng thống Putin đối mặt với sức ép từ dân chúng Nga. Điều này có thể khiến cho dự án dòng chảy phương Bắc 2 ngừng trệ, nguy cơ khủng hoảng khí đốt đối với châu Âu. Trong bối cảnh đó, Washington sẽ là "ngư ông đắc lợi”, có thêm cơ hội để mở rộng thị trường khí đốt, gia tăng ảnh hưởng với châu Âu.

Tái diễn khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba

Khủng hoảng tên lửa Cuba (tháng 10/1962) là sự kiện kịch tính nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từng đẩy Moskva và Washington đến bên bờ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Cuộc khủng hoảng xảy ra khi Liên Xô đáp trả việc triển khai hệ thống Jupiter của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đưa tên lửa đạn đạo tới Cuba. Cuộc khủng hoảng chỉ hạ nhiệt khi các tàu chiến Liên Xô quay đầu khi trên đường đến Cuba và Moskva sau đó nhất trí chuyển tên lửa khỏi Cuba. Đổi lại, Mỹ cam kết không xâm lược Cuba và rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

So sánh về căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, ông Nguyễn Hồng Quân cho biết có những điểm tương đồng. Theo đó, căng thẳng Nga - Mỹ và phương Tây đã biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện và cận kề tình trạng chiến tranh "nóng". Năm 1962, Mỹ giữ quan điểm đòi rút tên lửa Liên Xô khỏi Cuba. Còn năm 2022, Washington không làm tổn hại đến nguyên tắc của NATO (tôn trọng quyền của các nước muốn gia nhập NATO).

Mỹ không tấn công Cuba năm 1962 và những năm sau đó. Nay có thể lặp lại điều này trong trường hợp của Ukraine với những điểm tích cực do Nga đề xuất: Kiểm soát vũ khí (bao gồm không đặt tên lửa ở châu Âu; cách thức tăng cường tính minh bạch và ổn định).

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Quân, xung đột hiện nay đã mở rộng thành phần. Phía Mỹ có sự tham gia của EU, NATO; phía Nga có thể sự phối hợp hành động với Trung Quốc cũng như một vài nước Trung Mỹ (Nicaragua, Venezuela).

NATO đã có kế hoạch 'ngăn chặn' Nga gây hấn, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tinh thần đoàn kết 'hoàn toàn' với châu Âu để đối phó với Nga. Trong khi Mỹ viện trợ hơn 200 triệu USD, 90 tấn vũ khí mới tới Ukraine ít ngày; Mỹ, Anh hỗ trợ huấn luyện lực lượng Ukraine... NATO triển khai ở Estonia, Litva, Latvia. Mỹ đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động cao để có thể triển khai đến Đông Âu. Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan gửi hỗ trợ quân sự giúp Ukraine.

“Pháp và Đức có chung quan điểm về hồ sơ Ukraine và mối đe dọa từ Nga, cho rằng Nga sẽ phải trả giá 'rất đắt' nếu tấn công quân sự Ukraine. Thủ tướng Đức đã đi Mỹ hội đàm với Tổng thống Mỹ về vấn đề an ninh châu Âu. Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức tới Nga và Ukraine để đàm phán với các Tổng thống Putin và Zelensky, tránh để Nga - Mỹ đối đầu nhau và tránh châu Âu bị gạt ra rìa.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã từng đưa ra ý kiến đưa tên lửa tới một vài nước Trung Mỹ (Cuba, Venezuela)... Đặc biệt Nga - Trung có thể có sự phối hợp sau khi 2 nguyên thủ ra tuyên bố tại Bắc Kinh ngày 4/2/2022, trong đó kêu gọi NATO dừng mở rộng, và Moskva khẳng định ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và phản đối Đài Loan độc lập bằng bất kỳ hình thức nào. Phải chăng Nga - Trung sẽ phối hợp với nhau ở khu vực Biển Đông, Đài Loan... để Mỹ phải phân tán chú ý và đối phó?”, chuyên gia Nguyễn Hồng Quân phân tích.

Còn chuyên gia Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng, nếu năm 1962, tên lửa của Liên Xô đặt ở Cuba, có thể bay đến nơi xa nhất của nước Mỹ trong vòng chưa đầy 13 phút thì nay, nếu NATO kết nạp Ucraine và đặt tên lửa hạt nhân tại đó thì những tên lửa này bay đến nơi xa nhất của Nga như Kamchatka ít hơn 13 phút.

“Các yếu tố của khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 lặp lại trong căng thẳng quan hệ Nga - Ukraine. Tuy nhiên, hiện nay, Nga chịu nguy hiểm hơn nhiều vì uy lực khủng khiếp của đầu đạn hạt nhân giờ đây lớn hơn. Tên lửa tên của Liên Xô vào năm 1962, cách đây 60 năm chỉ có tầm bắn 1.609 km và có thể bắn trúng Washington trong khoảng 13 phút”, chuyên gia Nguyễn Cảnh Toàn cho hay.

Căng thẳng quân sự Nga - Ukraine: Tái diễn khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba - 3
Nguy cơ đối đầu quân sự Nga - Ukraine ngày càng gia tăng.

Sẽ có chiến tranh?

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, giải pháp ngoại giao hiện nay bao gồm cần thực hiện cùng một lúc các bước như ngừng bắn ở phía Đông, đối thoại bộ Tứ (Pháp, Đức, Nga, Ukraina lần đầu tiên đã kết thúc và lần thứ 2 trong những ngày tới). Đồng thời NATO cần ngừng mở rộng, không bố trí tên lửa dọc theo biên giới Nga với Ukraine.

“Tuy nhiên, nếu giải pháp ngoại giao thất bại, Nga có thể công nhận/sáp nhập Donbass (Đông Ukraine) như đã công nhận Abkhazia, Nam Ossetia (Gruzia). Khi đó, Mỹ và NATO có thể triển khai quân bổ sung dọc theo sườn phía đông của NATO”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nói.

Kịch bản thứ hai được đưa ra là Nga sẽ tấn công hạn chế bằng không quân, chiếm miền Đông Ukraine và tấn công Donbass, chiếm cảng chính Mariupol ở Biển Azov, cũng như Kharkiv, chiếm Odessa (cảng quan trọng nhất) và tấn công Transnistria. Điều này sẽ làm tắc nghẽn Ukraine nhưng lại giải quyết vấn đề hậu cần lâu dài của Nga, trong đó có cung cấp nước cho Crimea. Nga sẽ phải đối mặt với chiến tranh đô thị khó khăn, kéo dài và một cuộc nổi dậy. Ukraine suy yếu, nhưng không dẫn đến tình trạng thất bại.

Về kịch bản ba, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, Nga tấn công tổng lực các hướng, chặn Ukraine tăng viện, tiến vào Kiev, tấn công các cơ quan chính phủ Ukraine, quân đội, cơ sở hạ tầng, những nơi quan trọng đối với bản sắc dân tộc và tinh thần của người Ukraine, phá hủy các nhà sản xuất vũ khí (tên lửa hành trình Neptune, tên lửa Sapsan và tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hrim-2). Điều này sẽ buộc Chính phủ Ukraine đầu hàng, biến Ukraine thành một vùng đệm.

Theo GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, con người hiện nay có ý thức cao chống chiến tranh, phản đối vũ khí hạt nhân cùng phương tiện truyền thông tiến bộ rất xa so với trước đây. Cả Nga, Mỹ, NATO và EU đều hiểu rất rõ chỉ cần một lượng nhỏ vũ khí hạt nhân của Nga đủ làm cho toàn bộ nước Mỹ, EU và đồng minh trong khoảnh khắc biến thành cát bụi và Moskva cũng có thể chịu điều tương tự. Do đó, khó xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ 3 vào lúc này và ngoại giao con thoi đang thúc đẩy. Tổng thống Pháp Emanuel Macron đang tích cực trình diễn vai trò là nhà hoà đàm, tiến hành đàm phán với Nga, Mỹ, NATO, Ukraine.

Dù các bên chưa thể hóa giải được bất đồng song "khe cửa hẹp" trong mối quan hệ Đông - Tây vẫn hé mở khi cả Nga và Mỹ, phương Tây đều thể hiện sẵn sàng tiếp tục đối thoại, nhấn mạnh tầm quan trọng của con đường ngoại giao trong giải quyết mâu thuẫn. Con đường hàn gắn rạn nứt còn chông gai, song những nỗ lực duy trì đối thoại có thể là bước đệm để tránh những bước đi sai lầm có thể đưa các bên liên quan đến bờ vực chiến tranh.

/ vtc.vn