Telegram hiện là ứng dụng nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng được người dùng Việt Nam ưa chuộng bởi tính tiện dụng, bảo mật cao, nhưng vì thế vô tình trở thành “thiên đường” cho những kẻ phạm tội.

Giao dịch ma túy, giấy tờ giả, mua bán dâm và hàng loạt các hành vi vi phạm khác...

Tháng 6-2024, Công an quận Long Biên, Hà Nội đã triệt phá một đường dây mua bán trái phép chất ma túy với thủ đoạn hoạt động tinh vi, sử dụng nhóm kín trên mạng xã hội Telegram để “chào hàng” và trao đổi hoạt động mua bán ma túy.

Cụ thể, khoảng 23h30 ngày 10-6, tổ công tác Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy CAQ Long Biên làm nhiệm vụ tại khu vực trước cửa số nhà 249, phường Thạch Bàn, quận Long Biên phát hiện 1 xe ô tô BKS: 30E - 264.52, có biểu hiện nghi vấn, đã dừng xe để kiểm tra.

Trên xe ô tô có lái xe và Ngô Anh Tài (SN 2001) trú tại tổ 11, phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội. Lúc này, Tài đang cầm 1 gói giấy, bên trong có 1 túi nilon chứa 5 viên nén màu xám và 1 túi nilon chứa tinh thể màu trắng; 1 túi nilon khác chứa tinh thể màu trắng tại hốc cửa ghế phụ, phía trước nơi Tài ngồi. Các chất nghi là ma túy tổng hợp có tổng trọng lượng 14,656 gram.

Đỗ Anh Tài sử dụng Telegram để giao dịch trái phép chất ma túy

Đỗ Anh Tài sử dụng Telegram để giao dịch trái phép chất ma túy

Tài khai nhận số ma tuý này là Ketamine và MDMA, đang mang đi bán cho khách để kiếm lợi.

Tại cơ quan công an, Ngô Anh Tài khai khi có ý định mua ma túy để sử dụng và bán lại kiếm lợi, đã được một người quen qua mạng xã hội Facebook giới thiệu tài khoản Telegram "VI22" để liên lạc mua ma túy.

Tối 10-6, Ngô Anh Tài đặt mua 2 “đơn hàng” Ketamine qua Telegram của Đỗ Anh Tài (SN 1994) trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng với giá 14,3 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra, Đỗ Anh Tài hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý với thủ đoạn tinh vi và các giao dịch chỉ trao đổi qua Telegram. Cách giao hàng là ném ma túy tại một địa điểm được giao hẹn trước ngoài đường, để khách ra nhận. Chính vì vậy, nhiều giao dịch mua bán ma túy của Đỗ Anh Tài đều trót lọt và đối tượng mua, bán không biết mặt nhau.

CAQ Bắc Từ Liêm thu giữ nhiều giấy tờ giả trong vụ án sản xuất, kinh doanh giấy tờ giả qua mạng Telegram

CAQ Bắc Từ Liêm thu giữ nhiều giấy tờ giả trong vụ án sản xuất, kinh doanh giấy tờ giả qua mạng Telegram

Trước đó, vào tháng 2-2024, một đường dây mua bán 700kg ma túy từ Đà Nẵng về Hà Nội sử dụng mạng xã hội Telegram cũng đã bị Phòng CSĐT TP về ma túy CATP Hà Nội triệt phá.

Trong đường dây này, các đối tượng chủ mưu cầm đầu điều hành các đối tượng cấp dưới qua các ứng dụng trên không gian mạng (Telegram, Zalo, Facebook…) để trao đổi việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Hay như chuyên án xóa đường dây sản xuất, kinh doanh, sử dụng giấy tờ giả do CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội điều tra khám phá hồi tháng 7-2024 vừa qua. Trong vụ án này, các đối tượng cũng triệt để tìm nguồn cung qua các mạng xã hội trong đó có mạng Telegram. Lê Thị Hằng Nga (SN 1990) trú tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội sử dụng 2 tài khoản mạng xã hội Zalo và Telegram để liên hệ với khách hàng.

Khi khách có nhu cầu làm giả bằng cấp, giấy tờ, tài liệu, Nga sẽ yêu cầu khách gửi cho thông tin cá nhân gồm tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ của người muốn làm giả; nếu có mẫu sẵn sẽ gửi mẫu để lấy mẫu dấu và mẫu chữ ký rồi chuyển lại thông tin cho Phạm Viết Lương (SN 1988), trú tại xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An qua mạng Telegram để làm giả.

Tội phạm tấn công Telegram cá nhân lừa đảo

Không chỉ là “môi trường” để các đối tượng tội phạm liên lạc trao đổi, Telegram còn là nơi các đối tượng lợi dụng lừa đảo người dùng, chiếm đoạt tài sản. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đã ghi nhận nhiều trường hợp bị xâm nhập tài khoản Telegram.

Người dùng nên cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội Telegram

Người dùng nên cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội Telegram

Đối tượng hay bị nhắm tới thường là những người dùng ít am hiểu về công nghệ, coi Telegram là kênh phụ, không thường xuyên quan tâm đến những biện pháp bảo mật, không biết tính năng xác thực hai bước; không kiểm tra tài khoản có bao nhiêu thiết bị đang sử dụng nên dẫn đến bị đối tượng cùng sử dụng tài khoản của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người thân mà không biết.

Thủ đoạn thường gặp là giả mạo tin nhắn của Telegram hoặc tài khoản do đối tượng chiếm đoạt được, từ đó, gửi thông báo yêu cầu “click” vào đường “link” do đối tượng cung cấp trên tin nhắn, nếu không tài khoản sẽ bị buộc hủy trong vòng 24 giờ - 48 giờ.

Khi nạn nhân truy cập vào đường “link” sẽ phải cung cấp số điện thoại và quét QR code theo hướng dẫn của đối tượng. Các đối tượng tấn công dễ dàng đăng nhập vào tài khoản nạn nhân nếu tài khoản này không xác thực hai bước.

Sau khi xâm nhập thành công, đối tượng nghiên cứu các nội dung tin nhắn của người dùng sau đó mạo danh nhắn tin với người thân để mượn tiền (chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng). Khi đối tượng nhắn tin với người thân xong sẽ xóa luôn tin nhắn trao đổi giữa đối tượng với người thân (trên máy của chủ tài khoản) nên người bị xâm nhập tài khoản không phát hiện được.

Anh H, một nạn nhân trú tại Hà Nội chia sẻ, do lo lắng bị mất tài khoản, anh đã thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng. Khi truy cập thành công vào tài khoản của anh H, đối tượng đã gửi tin nhắn cho người thân anh H vay hơn 200 triệu đồng rồi chiếm đoạt số tiền trên. Chỉ khi người thân gọi điện thoại trực tiếp cho anh H mới nhận ra mình bị chiếm đoạt số tiền.

Để bảo vệ tài khoản Telegram, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân nên bảo mật tài khoản Telegram. Cụ thể là thực hiện các thao tác như bật tính năng xác thực hai yếu tố; thường xuyên kiểm tra các thiết bị đang đăng nhập tài khoản để kiểm tra cũng như xóa ngay những thiết bị không phải do mình đang sử dụng; tắt thông báo nhận tin nhắn từ người lạ để tránh các tin nhắn lừa đảo. Nếu không cần thiết, hãy giấu số điện thoại cá nhân trên Telegram; ngăn không cho người lạ tự ý thêm mình vào các group; tắt chế độ tự động tải file từ các group để tránh tải phải những file có chứa mã độc.

Ngoài ra, người dân cần đề cao cảnh giác khi “bỗng dưng” nhận được đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, cần phải xác minh thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người vay bằng số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội Telegram, Zalo, Facebook… Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

https://www.anninhthudo.vn/canh-bao-nguy-co-toi-pham-tren-mang-xa-hoi-telegram-post587302.antd

Trường Văn / anninhthudo.vn