Dù đã được cảnh báo, bão số 12 vẫn khiến nhiều tỉnh Nam Trung Bộ thiệt hại nặng nề. Người chết, người mất tích, người bị thương; nhà đổ, tốc mái; khu vực nuôi trồng thủy sản bị tàn phá... Bão đã qua nhưng những gì tiếp diễn sau bão vẫn hết sức nguy hiểm, nhất là khi các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ.
Sau bão số 12, nước lũ mấp mé tràn cầu Ia Mlah (huyện Krông Pa, Gia Lai), ngày 6/11. |
Bão số 12 đổ bộ vào miền Trung (ảnh hưởng từ Thừa Thiên-Huế cho tới Bình Thuận) khiến người ta sững sờ. Vẫn biết rằng biến đổi khí hậu đem đến nhiều hậu quả xấu, khó lường, nhưng cũng không thể hình dung trận bão muộn trong năm này lại dữ dội đến thế.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều 5/11, bão số 12 đã làm 29 người chết (Quảng Ngãi 2 người, Bình Định 3 người, Khánh Hòa 16 người, Lâm Đồng 3 người, Đăk Lắk 1 người, 4 người do sự cố tàu vận tải); 29 người mất tích (Bình Định 4 người, Phú Yên 1 người và 24 người do sự cố tàu vận tải). Nhà sập đổ: 1.015 nhà, tăng 389 nhà so với báo cáo nhanh ngay buổi sáng cùng ngày (Bình Định 81 nhà, Phú Yên 113 nhà, Khánh Hòa 691 nhà, Đăk Lắk 113 nhà, Đắk Nông 14 nhà, Lâm Đồng 3 nhà). Số nhà tốc mái, hư hỏng: 43.611 nhà, tăng 3.907 nhà so với báo cáo nhanh vào buổi sáng (Quảng Ngãi 74 nhà, Bình Định 95 nhà, Phú Yên 12.577 nhà, Khánh Hòa 29.382 nhà, Ninh Thuận 46 nhà, Gia Lai 44 nhà, Đắk Lắk 1.321 nhà, Đắk Nông 12 nhà, Lâm Đồng 69 nhà)...
Bão đi qua, chính quyền địa phương cùng người dân dốc sức khắc phục hậu quả, đã đành là thế. Nhưng hậu bão cũng không thể coi thường.
Ảnh hưởng của bão số 12 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn tại nhiều địa phương khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Mưa to trút xuống, nước những dòng sông, dòng suối dâng lên nhanh chóng, các hồ thủy điện và thủy lợi tại khu vực này đã cơ bản đầy nước. Đây lại là khu vực có nhiều hồ thủy điện nhất cả nước. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì tại khu vực này nhiều hồ đã đầy nước, nếu sự cố xảy ra sẽ là thảm họa.
Chiều 5/11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với mưa lũ và vận hành liên hồ chứa. Thông tin tại cuộc họp cho biết, bão số 12 có cường độ tương đương với bão số 10 đổ bộ vào Bắc Trung Bộ vừa qua, song lại đi thẳng vào Khánh Hòa- khu vực nhiều năm không có bão nên gây thiệt hại rất lớn về người và của.
Điều đáng nói là trước khi bão đổ bộ, dọc tuyến miền Trung đã có mưa to đến rất to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Như vậy, cùng với tốc độ gió cực lớn (lên đến cấp 15) thì khu vực này đã “ngậm” thừa nước, các hồ chứa đều đã ở mức báo động. Trong khi đó, dự báo thời tiết vẫn cảnh báo, trong các ngày 6, ngày 7 và 8/11, mưa to vẫn tiếp tục trút xuống đây khiến mực nước dồn về lớn hơn tốc độ xả.
Trước tình hình này, theo ông Trần Quang Hoài- tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai thì Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khi gửi các bản tin dự báo mưa, cần cho biết lượng mưa bình quân, kể cả dự báo lượng mưa rất lớn để có thể lên kế hoạch phòng chống. Ông Hoài cũng đề nghị Tâp đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương, các chủ hồ thường xuyên cung cấp các dữ liệu về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ban chỉ huy các địa phương, vì vận hành liên hồ đã giao Chủ tịch UBND tỉnh.
Như vậy, tình hình là rất khẩn cấp, hiểm nguy.
Cũng liên quan đến các hồ chứa nước, ông Nguyễn Văn Tỉnh- tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lưu ý, ở Bắc Trung Bộ, hồ chứa lớn đã đầy 70-90%, hồ chứa nhỏ 100% đã đầy nước. Nam Trung Bộ hồ chứa cũng trong tình trạng đầy 80-100%, mực nước và lưu lượng tăng rất nhanh, 100% các hồ sắp đầy nước.
Nước trên trời trút xuống cùng với việc xả nước các hồ chứa đương nhiên sẽ gây ngập với các tỉnh phía dưới. Và, nếu vậy, những hệ lụy sẽ không thể nói trước.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa có thể lớn nhất từ trước đến nay trên toàn tuyến khi cả hồ và sông đều đầy nước. Ông Cường cho rằng, tình hình thiên tai ở miền Trung đang rất nóng bỏng. Mưa lớn trong những ngày qua đã làm tất cả hồ thủy điện lẫn hồ thủy lợi đều trong tình trạng đầy nước. Nhiều lưu vực sông đã trên mức báo động 3, một số nơi trên báo động 3, thậm chí tiếp cận mức lũ lịch sử năm 1997. Nước lũ đã làm nhiều khu vực ở hạ du Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ bị ngập lụt trên diện rộng.
“Nhiều lưu vực sông đã vượt quá sức chịu đựng, ẩn chứa thảm họa”- theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Từ đó ông Cường yêu cầu, để giảm thiểu thiệt hại xảy ra phải tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. Các ban chỉ huy ở các địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn tinh thần phòng chống úng ngập, lũ lụt. Đặc biệt phải xây dựng các kịch bản ứng phó khi xả lũ từ các hồ chứa đã bị đầy nước, kể cả kịch bản xấu nhất; chủ động sơ tán dân ở vùng hạ du xảy ra xả lũ, không để tình trạng nước đến chân mới nhảy; Huy động tổng lực lượng tham gia ứng phó với các sự cố do do xả lũ và ngập lụt.
Nam Trung Bộ cũng như Nam Bộ ít gặp bão, nên kinh nghiệm phòng chống cũng như ý thức người dân không cao. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng ở đây, vấn đề quan trọng là hậu quả sau khi bão đi qua lại được coi là “mới mẻ” với khu vực này. Không ít người, kể cả lãnh đạo chính quyền địa phương- vẫn nghĩa rằng bão qua là xong, chỉ lo khắc phục nhà sập, cây đổ, đường điện, đường tàu hỏa... mà không mấy lo đến việc mưa lớn tiếp tục rơi, và nhất là nước ở các hồ thủy lợi, thủy điện quá đầy, buộc phải xả.
Đây là khu vực tập trung nhiều hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ và vừa. Đặc biệt, Nam Trung Bộ cũng là nơi những con sông nước chảy xiết do kề núi cao và đoạn chảy từ thượng nguồn xuống hạ du ngắn. Lượng nước lớn, sức nước mạnh sẽ tạo ra sức mạnh khổng lồ. Chủ quan khi bão vào lẫn việc chủ quan sau bão tại khu vực này sẽ đưa đến hậu quả rất lớn. Vì thế, cũng rất cần cảnh báo đối với khu vực này: không thể chủ quan cho dù bão đã đi qua.
Kết thúc bài viết, xin dẫn lời ông Phan Công Ngôn- chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng: Do mưa lớn, nước về các hồ dâng nhanh, nên tất cả các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xả lũ với lưu lượng khoảng 75m3/s.
Tang thương chồng chất sau bão dữ Những nếp nhà xiêu vẹo, làng biển liên tục những xe tang, người dân chật vật đứng lên sau bão thiếu thốn đủ bề... là ... |
3 ngày sau bão, Nha Trang vẫn ngổn ngang Sau 3 ngày bão quét qua, TP Nha Trang vẫn ngổn ngang rác. Nhiều nơi chưa có điện, cuộc sống người dân vẫn chưa trở ... |
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/canh-bao-sau-bao-384979