2.000 container phế liệu đã nhập cảng Cát Lái trong chỉ 15 ngày. Và giờ đây, “bãi rác” đã cao như núi với 7.000 container phế liệu ùn tắc theo đúng nghĩa đen và tắc nghẽn trong việc giải quyết.
Lời kêu cứu được Giám đốc trung tâm logistics, Công ty Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Năng Toàn đưa ra trong một tình thế ùn ứ “gây ùn tắc cục bộ tại cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng, hãng tàu và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
Phải nhấn mạnh chi tiết: Những container rác này có nguy cơ tiếp tục tồn tại lâu tại cảng. Và phải nói rõ nguyên nhân: Do Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới, ngưng nhập khẩu mặt hàng này từ EU, Mỹ và Nhật Bản trong năm nay, khiến phế liệu được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong ngành tái chế giấy chẳng hạn, Trung Quốc đang loại bỏ dần các nhà máy giấy quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường với tổng công suất hiện đã đến trên 15 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 15% tổng công suất toàn ngành giấy). Hay chẳng hạn, từ cuối năm 2017, Trung Quốc đã cấm nhập 27 mặt hàng phế liệu, trong đó có giấy phế liệu. Và từ ngày 1.1.2018, quy định tạp chất lẫn trong giấy phế liệu nhập khẩu vào Trung Quốc phải dưới 0,5%, tỷ lệ áp dụng trên thị trường thế giới là 1,5%.
Cảng Cát Lái đang tồn đọng nhiều container phế liệu Ảnh: Hải Quan. |
Những thay đổi từ nước láng giềng đang ảnh hưởng lớn tới Việt Nam.
Theo Bloomberg, ngành công nghiệp tái chế từng là một “xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc với 1,5 triệu việc làm và 64 tỉ USD được tạo ra. Một con số ấn tượng. Nhưng cũng “ấn tượng” không kém là những tác hại khôn lường với môi trường.
Cũng chính Bloomberg đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại “Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc đứng đầu ngành tái chế của thế giới?”.
Một câu hỏi mỉa mai, nhưng có lẽ xuất phát từ thực tế mà 7.000 container rác kia chỉ là một chi tiết mà thôi.
Nói thực tế, là bởi cũng chỉ vừa hôm trước, Hiệp hội Giấy và Bột giấy có văn bản gửi Bộ Công Thương cảnh báo: Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam để nhập thầu giấy bao bì và tìm cách liên doanh để sản xuất bột giấy tái chế. Sau quá trình sản xuất, bột giấy sạch được đưa về Trung Quốc còn rác ở lại Việt Nam.
Người dân được nghe nhiều về quyết tâm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”. Và giờ là lúc các tư lệnh ngành thể hiện điều đó bằng những cái lắc đầu cương quyết.
Dự án cảng hàng Quy Nhơn, tàu cá mất nơi neo đậu Gần 7.000 tàu cá ở Quy Nhơn nguy cơ mất chỗ neo đậu vì doanh nghiệp san lấp 7ha bãi sau làm cảng hàng. |
Đổ gần 1 triệu m3 bùn gây ô nhiễm khu vực cảng Chân Mây Gần 1 triệu m3 bùn nhiễm mặn xuống bãi đất trống sát các tuyến đường nội bộ dẫn vào cảng Chân Mây gây hại cho ... |