Nhiều vụ ngộ độc tập thể lên tới hàng trăm người phải nhập viện điều trị đã xảy ra liên tiếp tại Nha Trang và một số địa phương trên cả nước trong thời gian qua gióng lên hồi chuông cảnh báo mất an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể nói chung và thức ăn đường phố nói riêng.
- Vụ ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu, phát hiện vi khuẩn Salmonella
- Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin vụ ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu
“Thủ phạm” được tìm thấy trong các vụ ngộ độc tập thể lớn chủ yếu do vi khuẩn Salmonella spp - nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy trên toàn cầu. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.
Thức ăn đường phố ôi thiu, nhiễm khuẩn chéo
Vụ ngộ độc tập thể lớn xảy ra gần đây nhất vào giữa tháng 3/2024 tại quán cơm gà Trâm Anh (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) khiến 369 người phải đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Bệnh nhân nhập viện đều có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng, buồn nôn, nôn, sốt, mệt lả. Tất cả các bệnh nhân này đều có điểm chung là ăn cơm gà tại quán Trâm Anh. Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hoà, quán cơm gà Trâm Anh không thực hiện kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Vi khuẩn gây ngộ độc là Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphyloccus aureus được tìm thấy trong cơm, gà xé, sốt trứng, rau dưa chua, hành phi, súp canh. Trước đó, vi khuẩn Salmonella tìm thấy trong cơm gà Trâm Anh cũng là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm vào năm 2022, trong đó 1 học sinh tử vong.
Vụ việc này chưa lắng xuống thì ngày 31/3, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang) phải nhập viện vì xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, nôn ói khi ăn cơm gà bán xung quanh trường. Hiện, vụ việc vẫn đang điều tra, mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm chưa có kết quả.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vi khuẩn Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. Tại Việt Nam, vi khuẩn này gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể lớn, mà gần đây là hơn 300 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Quảng Nam. Trong nhân bánh mì (chả heo, thịt heo xíu, rau…) tìm thấy vi khuẩn Salmonella spp.
Theo đại diện Cục ATTP (Bộ Y tế), trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động vật chứa độc tố tự nhiên, ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách, ý thức chấp hành quy định pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến còn chưa nghiêm, dẫn đến xảy ra ngộ độc hàng loạt.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Thời tiết bắt đầu nóng lên, mùa hè là nguy cơ khiến thức ăn dễ ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, thực phẩm chế biến xong nếu để ở nhiệt độ ngoài trời 37-40 độ C, vi khuẩn phát triển thuận lợi và phát triển rất mạnh. Vì vậy, không để thực phẩm ngoài trời quá lâu, nếu không được bảo quản đúng cách, thời gian kéo dài, trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo, thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn, gây nguy cơ ngộ độc rất cao. Nhưng theo phóng viên ghi nhận, trong thời tiết mùa hè, thức ăn đường phố bày bán ngoài trời có khi từ sáng tới trưa; có nơi thực phẩm sống bày lẫn với thực phẩm chín dễ bị nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo hoặc lên men, hư thối, nhiễm các loại vi khuẩn…làm tăng nguy cơ gây tổn thương về đường tiêu hoá, gây ngộ độc cấp tính.
Hà Nội đã triển khai mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được 7 năm, đến nay 100% cơ sở tham gia vào mô hình này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và cam kết bảo đảm ATTP. Thời gian qua tuy chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở tham gia vào mô hình này, nhưng vẫn còn tình trạng người chế biến thức ăn đường phố vi phạm quy định.
Theo bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát văn minh thương mại tại ngõ Đồng Xuân tập trung chủ yếu vào bán hàng ăn uống với 8 cơ sở dịch vụ ăn uống và 19 cơ sở thức ăn đường phố. Ban đầu, chỉ có một ít cơ sở đáp ứng điều kiện ATTP và điều kiện vệ sinh chưa được đảm bảo đúng mức. Sau thời gian triển khai mô hình, 19 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã cam kết đảm bảo ATTP. Ngoài ra, 8 cửa hàng ăn uống cũng đạt được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. Tuy nhiên, không phải cứ triển khai mô hình xong là “buông lỏng”, để giám sát các cơ sở này thực hiện phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngộ độc tập thể là nỗi ám ảnh của nhiều người khi đã có trường hợp tử vong. Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc trong thời gian tới, Cục ATTP khuyến cáo các địa phương chú ý ngộ độc nấm vào mùa xuân – hè và ngộ độc thuỷ hải sản có chứa độc tố như cá nóc, so biển… Sở Y tế các địa phương phải tăng cường giám sát nguy cơ mất ATTP để có biện pháp phòng chống ngộ độc, nhất là trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Để ngăn chặn các vụ ngộ độc hàng loạt, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế và cơ quan chức năng các địa phương tăng cường thanh kiểm tra bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố để giám sát, đặc biệt đối với dịch vụ nấu ăn lưu động cho các bữa liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người…
Nếu cơ sở nào không đủ điều kiện ATTP, hoạt động chui thì phải quyết liệt xử lý và đình chỉ hoạt động, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm để cảnh báo kịp thời cho người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/canh-bao-tu-cac-vu-ngo-doc-thuc-pham-tap-the-i727136/