Lợi dụng nhu cầu của người dân đi du lịch tăng vọt trong dịp nghỉ hè và chính sách kích cầu du lịch trong nước nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau giãn cách xã hội do COVID-19, trong thời gian gần đây, trên các xã mạng hội xuất hiện nhiều đối tượng chào mời các gói du lịch giá rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.

Thành viên trên Facebook cảnh báo về một tour du lịch Nha Trang, đi về bằng máy bay và nghỉ khách sạn cao cấp chỉ có giá 1,7 triệu đồng. Ảnh: N.V

Trọn gói máy bay, khách sạn 5 sao giá… 1,7 triệu đồng

Trên mạng các xã hội như Facebook hay Zalo trong thời gian gần đây liên tục xuất hiện các thông tin mời chào mua các combo (gói) du lịch dài ngày đến các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo hay Phú Quốc với giá chỉ vài triệu đồng, bao gồm trọn bộ vé máy bay khứ hồi, ăn sáng và ngủ ở khách sạn hạng sang trong 3-4 đêm.

Một tài khoản thậm chí chào bán gói du lịch 4 ngày 3 đêm đến Nha Trang, ngủ tại khách sạn hạng sang Inter Continental và di chuyển bằng vé máy bay của Vietnam Airlines với giá bán trọn bộ gói du lịch chỉ… 1,7 triệu đồng/người. Nhiều tài khoản khác cũng chào mời các gói du lịch 4 ngày 3 đêm bao gồm ngủ tại khách sạn kèm ăn sáng và vé máy bay khứ hồi tại Nha Trang hay Đà Nẵng - Hội An với giá chỉ từ 2,6 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng/người.

Bình luận về mức giá 1,7 triệu đồng cho gói du lịch Nha Trang kèm ăn ngủ tại khách sạn hạng sang nói trên, tài khoản L.B.V cảnh báo các thành viên của một nhóm chuyên chia sẻ thông tin du lịch cần hết sức thận trọng và cảnh giá. Bởi thành viên này cho rằng, do là người làm trong ngành du lịch nên có thể khẳng định là vé máy bay lẻ muốn lấy được giá rẻ phải xuất vé luôn, đoàn muộn nhất 2 ngày trước ngày bay phải xuất vé và không có chuyện bay rồi mới trả vé về như tour du lịch nói trên quảng cáo.

“Combo 4 ngày 3 đêm Nha Trang bao gồm vé máy bay Vietnam Airlines 1700k (1,7 triệu đồng) mà em check riêng vé máy bay 1 chiều đi đã 1700k nên không hiểu bán kiểu gì” - L.B.V cảnh báo.

Trước đó, cũng chia sẻ trên Facebook, một sinh viên đại học tên N.Q.C cho biết, nhóm bạn của cô vừa mua các gói du lịch Hà Nội - Nha Trang 4 ngày 3 đêm của Phòng vé Anh Anh trên phố Núi Trúc (Hà Nội) với giá 2,65 triệu đồng/người, di chuyển bằng máy bay của hãng Vietnam Airlines và ở khách sạn cao cấp. Nhóm bạn của N.Q.C sau đó ký hợp đồng có tổng giá trị 11,4 triệu đồng và chuyển khoản cho phòng vé này.

Tương tự, một sinh viên khác tên N cho hay, nhóm bạn của cô cũng vừa mua các gói du lịch tại Phòng vé Anh Anh gồm khách sạn và vé máy bay khứ hồi đi Đà Nẵng - Hội An với giá 3,6 triệu đồng/người. Nhóm bạn của N sau đó chuyển khoản tổng cộng 18 triệu đồng cho phòng vé. Tuy nhiên, sau nhiều ngày không thấy phòng vé này liên lạc, cả N.Q.C và nhóm của N tìm đến nơi mới phát hiện chủ phòng vé “biến mất” và không liên lạc được.

Thận trọng và đừng ham giá rẻ

Liên quan đến tình trạng trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian gần đây cũng ghi nhận thông tin về việc một số đối tượng lợi dụng chính sách kích cầu du lịch và nhu cầu du lịch tăng cao của người tiêu dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó người tiêu dùng được quảng cáo hoặc được giới thiệu các gói du lịch giá rẻ, tiết kiệm chi phí lên tới 30-50% so với giá gốc. Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều người tiêu dùng phản ánh về chất lượng dịch vụ không đúng như quảng cáo, phải nộp thêm tiền phụ phí hoặc bị cắt giảm dịch vụ, sản phẩm hoặc công ty cung cấp dịch vụ trì hoãn không thực hiện các trách nhiệm cam kết trong hợp đồng giao dịch.

“Thậm chí, thời gian gần đây, có hiện tượng đối tượng lừa đảo, nhận tiền đặt cọc mua gói du lịch trị giá nhiều tỉ đồng rồi bỏ trốn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người tiêu dùng” - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.

Để tránh bị thiệt hại về chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của gia đình và bản thân, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người dân khi lựa chọn các gói du lịch cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty cung cấp dịch vụ du lịch, các chương trình khuyến mãi trước khi lựa chọn sản phẩm. Người tiêu dùng nên chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có vấn đề. Người tiêu dùng cần cân nhắc việc đơn vị du lịch đề nghị chuyển tiền để được giữ chỗ bởi đây chưa phải là khoản tiền xác nhận cung cấp dịch vụ mà chỉ là khoản đặt cọc để đơn vị du lịch kiểm tra tình trạng gói du lịch. Có trường hợp sát ngày đi, đơn vị du lịch mới báo lại không đặt được gói du lịch như cam kết, gây ảnh hưởng đến kế hoạch của người tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng lưu ý, người tiêu dùng tìm hiểu kỹ về lịch trình của gói (tour) du lịch. Trước khi đăng ký tour, người tiêu dùng cần yêu cầu công ty cung cấp chi tiết các nội dung liên quan như thời gian, các địa điểm tham quan cụ thể, phương tiện di chuyển, khách sạn, tiêu chuẩn bữa ăn, bảo hiểm du lịch.

Đồng thời phải nắm rõ các chi phí nằm trong gói du lịch và các chi phí có thể phát sinh trong quá trình du lịch như phụ phí vé máy bay, phụ phí trẻ em cũng như tìm hiểu, tham khảo các ý kiến nhận xét của người tiêu dùng từng sử dụng dịch vụ trên các diễn đàn, trang mạng xã hội để có đánh giá thực tế và chính xác khi quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ.

Liên quan đến dấu hiệu lừa đảo của Phòng vé Anh Anh trên phố Núi Trúc (Hà Nội), Sở Du lịch Hà Nội cho hay, phòng vé này không kê khai, không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực du lịch và không có thông báo, báo cáo đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch. Để bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch và môi trường kinh doanh du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị Công an TP.Hà Nội, UBND quận Ba Đình, Công an quận Ba Đình chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp chạy đua giảm giá tour: Kích cầu hay cuộc chiến giành thị phần?
Những điều nên biết khi đặt một tour du lịch
Nhiều đơn vị lữ hành giảm giá tour du lịch ngắn ngày dịp lễ Quốc khánh

 

/ laodong.vn