Cơ quan CSĐT - CAH Ea H’leo (Đắk Lắk) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Thanh Tuấn (SN 1989) trú tại xã Nam Chính, huyện Đức Linh, Bình Thuận để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

CAH Ea H’leo xác định Tuấn là đối tượng mới ra tù song lại có hành vi giả danh cán bộ quản giáo đang công tác tại Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai lừa đảo chiếm đoạt tiền của người nhà bạn tù.

Trước đó, Tuấn bị kết án với hai tội danh "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" và tội "Cố ý gây thương tích", chấp hành án phạt tù tại Trại giam Gia Trung. Trong thời gian chấp hành án tù tại đây, Tuấn quen biết với Lý Hữu Trung, cũng là phạm nhân, trú tại xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Thời gian này, Trung đã cho Tuấn số điện thoại của vợ mình là chị Bàn Thị Huế Na để sau này khi Tuấn ra tù đến tìm gặp người nhà Trung.

Đến cuối tháng 8-2017, sau khi chấp hành xong án tù, Tuấn vào TP.HCM hành nghề tự do kiếm sống. Tuy nhiên, vì bản tính ham chơi, lười lao động Tuấn đã nảy ý định lừa tiền của chị Na.

Ngày 18-11, Tuấn điện thoại cho chị Na, tự xưng mình tên là Phạm Ngọc Hiệp, cán bộ quản giáo ở Trại giam Gia Trung, thông báo cho chị Na biết chồng chị là Lý Hữu Trung đang chấp hành án phạt tù, nhưng tiếp tục đánh phạm nhân khác bị thương nặng nên sẽ bị phạt thêm án tù. Nếu muốn thoát án thì chị Na phải đưa Tuấn 20 triệu đồng. Lo sợ chồng sẽ bị thêm án, chị Bàn Thị Huế Na hốt hoảng vay mượn khắp nơi để đưa tiền cho Tuấn. Khi mới có 13 triệu đồng, chị Na đã đưa Tuấn để lo lót trước.

canh giac voi nhung cu dien thoai tu nhan can bo trai giam

Lấy lời khai Đặng Thanh Tuấn tại cơ quan công an

Sau khi vào tù thăm chồng, chị Na đã kể cho anh Trung sự việc. Anh Trung khẳng định mình cải tạo tốt, không đánh ai nên không thể bị tăng án. Biết bị lừa nên chị Na đã trình báo với CAH Ea H’leo. Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của chị Na, CAH Ea H’leo đã xác minh sự việc điều tra làm rõ.

Đây không phải là lần đầu tiên có đối tượng chấp hành xong án phạt tù lại giả danh cán bộ trại giam lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, vào tháng 12-2015, CAQ Nam Từ Liêm cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Tuấn Long (SN 1967) trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 9-2015, Long bị tạm giam tại nhà tạm giữ CAQ Long Biên và cùng buồng với Bùi Văn Ngũ, trú tại Sài Đồng, Long Biên. Sau đó, do được thay đổi biện pháp ngăn chặn nên Long được tại ngoại. Ngũ đã cho Long số điện thoại của vợ để trao đổi thông tin về tình hình của mình trong nhà tạm giữ.

Với số điện thoại này, Long đã tự nhận là cán bộ trại tạm giam, liên lạc với chị Hiện (vợ Ngũ) để trao đổi về chuyện của Bùi Văn Ngũ. Long nói Ngũ ở trong trại thường xuyên bị đánh đập, cuộc sống rất khổ. Nếu muốn cuộc sống của Ngũ trong trại tạm giam được tốt hơn thì chị Hiện phải đưa số tiền 8 triệu đồng để Long nói với chỉ huy các phân trại đối xử tốt với Ngũ. Thương chồng, tin “cán bộ công an” nên chị Hiện đã đưa cho Long 9 triệu đồng, trong đó ngoài số tiền 8 triệu đồng cho các cấp chỉ huy thì 1 triệu đồng là để cảm ơn riêng Long. Sau đó, Long tiếp tục gọi điện thoại và bảo chị Hiện đưa thêm 4 triệu đồng để mua quần áo, đồ ăn và người phụ nữ này tiếp tục đáp ứng đủ. Chỉ đến khi gặp chồng, chị Hiện mới phát hiện “cán bộ trại giam” là bạn tù của chồng và trình báo cơ quan công an.

Mới đây, Cơ quan CSĐT - CAH Vĩnh Bảo, Hải Phòng cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Trần Văn Hòa (SN 1973) ở số nhà 1/36, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng cũng với hành vi giả danh cán bộ trại giam lừa đảo chiếm đoạt 2,5 triệu đồng để “lo” phòng “VIP” trong trại tạm giam! Với mác cán bộ trại giam, Hòa đã đến gặp những người ở huyện Vĩnh Bảo đang chờ đi thi hành án nói muốn được giam ở phòng “VIP”, không có người nghiện và đầu gấu thì phải đưa tiền cho Hòa.

Trước thông tin về các vụ giả mạo cán bộ trại giam, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp- Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Cán bộ trại giam là những người có trách nhiệm quản lý phạm nhân, hướng dẫn cải tạo phạm nhân trở thành người lương thiện. Quy định trong công tác quản lý Nhà nước cán bộ trại giam không được tiếp xúc với người nhà phạm nhân tại nhà riêng, hoặc bên ngoài trại giam.

Do đó, nếu có bất cứ người nào tự nhận là cán bộ trại giam đến liên lạc với người nhà phạm nhân thì đó là giả mạo, người dân cần báo với cơ quan công an nơi gần nhất để tránh bị lừa dẫn đến tiền mất, tật mang.

/ http://anninhthudo.vn