Ùn tắc là một trong những vấn đề đáng bàn khi nói về giao thông Hà Nội. Trong điều kiện hạ tầng chật hẹp bởi tốc độ đô thị hoá, phương tiện công cộng chưa phát triển được như mong đợi, thì Cảnh sát giao thông (CSGT) là một trong những lực lượng khá vất vả với nhiệm vụ điều tiết, hướng dẫn phân luồng, giúp người dân lưu thông bớt khó khăn.

Những tháng cuối năm, tình trạng giao thông sẽ diễn biến phức tạp, lực lượng CSGT sẽ có những giải pháp gì giảm ùn tắc cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên các cung đường. Để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Thiếu tá Đào Việt Long - Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

PV: Đồng chí đánh giá thế nào về tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn Hà Nội nói chung và nội thành nói riêng ở thời điểm hiện tại và những dự báo cho những tháng cuối năm?

Cảnh sát giao thông ở Thủ đô rất áp lực -0
Thiếu tá Đào Việt Long.

Thiếu tá Đào Việt Long: Từ ngày 13/6/2022, Bộ Công an đã ra Kế hoạch 299 về tổng kiểm soát xử lý vi phạm, tập trung vào 4 hành vi, trong đó có 3 hành vi liên quan đến lĩnh vực trật tự an toàn giao thông nội bộ gồm: điều khiển phương tiện, sử dụng rượu bia; lái xe chở quá tải và cơi nới thành thùng; người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm quá tốc độ và cuối cùng là hành vi chở quá tải, vượt trên mớn nước an toàn trong lĩnh vực đường thuỷ. Thực hiện chiến dịch cao điểm, chúng tôi đã huy động lực lượng không chỉ Phòng CSGT mà cả Công an các quận, huyện thực hiện tổng kiểm tra, xử lý các hành vi nói trên. Đây là những hành vi được đánh giá là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Sau 3 tháng thực hiện cao điểm, lực lượng CSGT Hà Nội đã bố trí gần 36.000 lượt tổ tuần tra kiểm soát, xử lý hơn 76.000 trường hợp vi phạm. Đáng chú ý, qua sơ kết và tổng kết thì tình hình vi pham TTATGT trên địa bàn Thủ đô có chuyển biến rõ rệt. Tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố được kiềm chế, gỉảm cả 3 mặt so với thời gian liền kề. Toàn thành phố không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, TNGT đường thuỷ, TNGT có nguyên nhân liên quan đến nhóm hành vi vi phạm về tốc độ; quá khổ, quá tải thùng xe. Cùng đó, hành vi chở quá tải, cơi nới thành thùng xe hầu như đã không còn. 

Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan. Đối với tình hình TTATGT cuối năm, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông chắc chắn sẽ tăng đột biến, đặc biệt trong những giờ cao điểm hay những ngày cận kề lễ, Tết. Như vậy, nguy cơ mất ATGT rất dễ xảy ra.

PV: Với tình trạng giao thông như vậy, đồng chí có cảm thấy “áp lực” giao thông đang đè nặng lên lực lượng CSGT không?

Thiếu tá Đào Việt Long: Hiện Phòng CSGT Hà Nội đang quản lý gần 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu  xe ôtô; 6,5 triệu xe máy; gần 200.000 xe máy điện; ngoài ra còn quản lý 80 xe xích lô, 70 xe ôtô điện.  Cùng đó, địa bàn thành phố Hà Nội có gần 24.000km đường phố; 4.845 điểm giao cắt, trong đó có tới 558 nút giao được lắp đặt đèn tín hiệu giao thông.

Phải nói là áp lực giao thông về người và phương tiện càng tăng thì áp lực đối với lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng CSGT càng nặng. Tính trung bình, thì hiện một chiến sĩ Cảnh sát giao thông phải đảm nhiệm khoảng 20km đường. Đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Quý Mão 2023 chuẩn bị đến, lượng phương tiện từ các tỉnh khác đổ về, dự báo lưu lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục tăng đột biến.

Qua khảo sát chúng tôi thấy, trong vòng từ 3-5 năm trở lại đây, ngoài những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 diễn ra, thì lưu lượng phương tiện vào dịp cuối năm tăng từ 2-2,5 lần so với bình thường.  Như vậy, áp lực với lực lượng làm việc trên đường là hiện hữu. Song CSGT đã được rèn luyện về công tác nghiệp vụ, về tư thế tác phong, cùng đó, chúng tôi cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân khi làm nhiệm vụ. Do đó, lực lượng CSGT chúng tôi luôn coi đó là động lực để tiếp tục phấn đấu đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn Thủ đô được diễn ra xuyên suốt.

PV: Ở nhiều nước, người ta dùng công nghệ để quản lý và điều tiết giao thông, thì lực lượng thực thi nhiệm vụ sẽ bớt khó khăn đi nhiều. Ở nước ta, CSGT dường như vẫn đang phải căng sức trên mỗi cung đường. Thế nhưng, đâu đó, ùn tắc vẫn diễn ra, nguy cơ mất an toàn vẫn còn. Đồng chí nghĩ sao về điều này?

Thiếu tá Đào Việt Long: Công tác tổ chức giao thông là công tác xương sống, giúp cho việc lưu thông trên địa bàn Thủ đô được thuận lợi. Tuy nhiên, Hà Nội là trung tâm văn hoá chính trị của cả nước nên rất nhiều hoạt động diễn ra trên địa bàn Thủ đô, có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông nhất trong cả nước.

Cùng đó có không ít công trình chậm tiến độ, quá trình xây dựng kéo dài, rào chắn lâu ngày nên đã tạo áp lực cho người tham gia giao thông. Tình trạng này cũng tạo áp lực cho người thi hành nhiệm vụ như CSGT. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới cơ quan chức năng đẩy mạnh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm để các công trình này sớm hoàn thành, lúc đó, hạ tầng giao thông Hà Nội chắc chắn có bộ mặt mới. Như vậy, áp lực cũng sẽ giảm đi, tránh tình trạng ùn tắc kéo dài.

Có thể nói trong một vài năm trở lại đây, với Công an Hà Nội chúng tôi đã áp dụng khoa học công nghệ vào trong quản lý, đặc biệt trong công tác đảm bảo ATGT. Hiện tại, Phòng CSGT có trung tâm tín hiệu đèn giao thông. Qua hệ thống camera giám sát, chúng tôi cũng giám sát được lưu lượng người tham gia giao thông trên đường, đặc biệt khi chúng tôi phát hiện ra sự cố xảy ra trên tuyến đường nào đó thì ngay lập tức sẽ bố trí lực lượng gần nhất đến làm nhiệm vụ giải quyết sự cố. 

Có nhiều yếu tố dẫn tới ùn tắc hay TNGT. Một trong số đó chính là ý thức của người tham gia giao thông. Hiện tại Phòng CSGT và Công an TP Hà Nội thường xuyên phối hợp với các sở ban ngành, đặc biệt là Sở Giáo dục để tuyên truyền về Luật giao thông cho đối tượng là học sinh, sinh viên. Việc làm này phần nào  giúp người dân nâng cao ý thức về ATGT. Theo Phòng CSGT Hà Nội, muốn giao thông thông suốt, không ùn tắc và an toàn thì cần phải đảm bảo một số yếu tố, trong đó cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Qua khảo sát, hiện tại dân số Hà Nội hơn 9 triệu dân, số lượng phương tiện là gần 8 triệu phương tiện (Phòng CSGT quản lý). Tính trung bình số lượng người và phương tiện trên diện tích giao thông của Việt Nam so với một số quốc gia phát triển khác còn hạn chế. Vấn đề nữa là ý thức của người tham gia giao thông. Cuối cùng là việc liên quan đến chỉ huy, điều hành của lực lượng đảm bảo trật tự ATGT. Nếu chúng ta làm tốt được các điểm này thì tôi tin rằng giao thông Hà Nội sẽ cải thiện được rất nhiều.

PV: Ghi nhận thực tế 10 năm qua dù có thêm nhiều cầu vượt, một số tuyến đường được mở rộng, song tình trạng giao thông của Hà Nội ngày càng ùn tắc, đặc biệt hỗn loạn khi mưa lớn, xảy ra sự cố. Tốc độ lưu thông trên nhiều tuyến đường hướng vào trung tâm Thủ đô, vành đai đều chậm hơn so với trước. Để giảm ùn tắc cũng như giao thông bớt phần phức tạp vào dịp cuối năm, lực lượng CSGT Hà Nội dự kiến sẽ triển khai những giải pháp gì? Năm nay giải pháp nào sẽ  được coi là “đột phá” hay không, thưa đồng chí?

Cảnh sát giao thông ở Thủ đô rất áp lực -0

Thiếu tá Đào Việt Long: Như tôi đã nói, lưu lượng giao thông cuối năm thường tăng 2-2,5 lần so với ngày thường. Đối với vấn đề này chúng tôi cũng đưa ra nhiều giải pháp.

Cụ thể, tại những vị trí trọng điểm chúng tôi bố trí lực lượng là 2 ca/4 kíp từ 5h30p sáng đến 22h đêm. Đến sau 22 giờ đêm, chúng tôi bố trí đội tuần tra kiểm soát liên tuyến để khép kín địa bàn, thời gian. Tại 6 tuyến đường xuyên tâm gồm tuyến đi từ QL32 lên Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Kim Mã  Nguyễn Thái Học rồi đến trung tâm; tuyến Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng rồi ra Đại lộ Thăng Long; tuyến thứ 3 là tuyến Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu đi vào Hà Đông; tuyến thứ 4 là tuyến Lê Duẩn, Giải Phòng rồi đi ra QL 1A, 1B. Tuyến thứ 5 là đường vành đai 1 bắt đầu từ Trần Nhật Duật, Âu Cơ, Xuân Diệu, Lạc Long Quân.

Cuối cùng là tuyến vành đai 2 tiếp nối Trần Nhật Duật, cầu Nhật Tân đến Võ Chí Công rồi ra đường Láng, Ngã Tư Sở; ngoài những lúc bố trí lực lượng, chúng tôi còn tổ chức phân luồng từ xa, điều tiết phương tiện đi theo một lộ trình khác trong trường hợp cần thiết. Cùng đó, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với Sở GTVT trong việc tăng cường vận tải hành khách tuyến cố định ở các bến xe, bố trí xe thuận lợi linh động cho người dân đi lại giữa các tỉnh trước trong và sau Tết, để tránh việc người dân tập trung đi vào một thời điểm, trên một tuyến, dễ gây ùn ứ từ trong bến ra đến các tuyến đường.

Với những tuyến phố chính trong nội thành thì chúng tôi bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát liên tuyến, tuần tra kiểm soát phân luồng chống ùn tắc. Ngoài ra chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền các thông điệp đảm bảo ATGT. Thông qua đó góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô cần chấp hành nghiêm về ATGT, và tuân thủ theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nói chung và CSGT nói riêng. Ngoài ra, khi có sự cố xảy ra trên các tuyến đường, chúng tôi chủ động liên hệ với kênh VOV giao thông để thông báo sớm cho những người điều khiển phương tiện biết để chuyển lộ trình, tránh đi vào chỗ ùn tắc.

Về phía lực lượng CSGT chúng tôi cũng thực hiện nghiêm công điện của Bộ trưởng trong việc chấn chỉnh tư thế, tác phong của lực lượng CSGT. Chúng tôi luôn luôn quán triệt cán bộ, chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ  thì tuân thủ theo đúng quy trình, quy định của ngành; tận tụy giúp đỡ người dân nhất là trong dịp cuối năm; đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng khác làm nhiệm vụ; đặc biệt, khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì kiên quyết đấu tranh…

https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/canh-sat-giao-thong-o-thu-do-rat-ap-luc-i673314/

Phạm Huyền / Công an nhân dân