Cảnh sát thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ bị luật sư tố cố ý xóa vết xăm trong ảnh chân dung để khép tội cướp ngân hàng cho thân chủ mình.
Cảnh sát thành phố Portland tình nghi Tyrone Allen (50 tuổi) là kẻ thực hiện liên tiếp bốn vụ cướp nhà băng vào tháng 4/2017, lấy đi hơn 14.000 USD.
Trên mặt của Tyrone có nhiều vết xăm, trong khi lời khai của các giao dịch viên và camera giám sát tại ngân hàng đều ghi nhận kẻ cướp không có đặc điểm này. Vì thế trước khi cho các giao dịch viên nhận dạng qua ảnh, cảnh sát thành phố Portland đã sử dụng kỹ thuật photoshop để xóa hình xăm và thay đổi màu da của Tyrone.
Ảnh tên cướp (trái), ảnh thực của Tyrone (giữa) và ảnh bị chỉnh sửa. Ảnh: Hồ sơ vụ án. |
Kết quả, hai trong bốn giao dịch viên đã nhận diện Tyrone là kẻ cướp. Một người còn khẳng định "chắc chắn 100%" và "không bao giờ quên được bộ mặt ấy". Tuy nhiên, họ chưa bao giờ được phía cảnh sát tiết lộ ảnh của Tyrone đã qua chỉnh sửa. Việc chỉnh ảnh cũng không được ghi chép trong hồ sơ vụ án.
Dựa trên lời khai nhân chứng, công tố viên sau đó truy cứu Tyrone về tội Cướp tài sản với lập luận nghi phạm có thể đã dùng đồ trang điểm để che giấu hình xăm.
Giữa tháng 8, luật sư của Tyrone đệ đơn yêu cầu thẩm phán loại bỏ lời khai của nhân chứng khi nhận dạng thân chủ mình vì cho rằng cảnh sát đã chỉnh sửa ảnh của thân chủ để "dàn xếp kết quả", vi phạm vào nguyên tắc nhận dạng nghi phạm của liên bang.
Đại diện cảnh sát cho rằng việc chỉnh sửa ảnh là có căn cứ vì không muốn hình xăm của Tyrone làm anh ta nổi bật hơn so với những người khác trong quá trình nhận diện.
Sau khi lắng nghe hai bên, thẩm phán nói sẽ ra quyết định trong thời gian sắp tới. Quyết định của tòa được cho là có thể đặt ra án lệ quan trọng đối với hoạt động nhận dạng của cảnh sát trong tương lai.
Tyrone (ảnh đầu tiên, hàng thứ hai từ trái sang) được đặt bên cạnh những người khác có ngoại hình tương tự. Ảnh: The Oregonian. |
Tại Mỹ, khi cho nhân chứng nhận dạng nghi phạm, cảnh sát phải đặt nghi phạm bên cạnh bốn người khác (được gọi là "đối tượng nhận dạng tương tự") với ngoại hình gần giống để đảm bảo khách quan.
Theo nguyên tắc nhận dạng do Bộ Tư pháp Mỹ ban hành, nếu nghi phạm có đặc điểm riêng biệt mà nhân chứng không nhìn thấy (như vết xăm trên mặt), cảnh sát không nên chỉnh sửa ảnh của nghi phạm, mà cần sao chép đặc điểm ấy lên ảnh của đối tượng tương tự để tránh làm nghi phạm nổi bật lên.
Trường hợp không sao chép được, cảnh sát cần bôi đen đặc điểm riêng trên ảnh của nghi phạm, đồng thời tô đen cùng vị trí ấy trong ảnh của đối tượng tương tự. Trong bất cứ trường hợp nào, việc chỉnh sửa ảnh nghi phạm đều phải được ghi chép lại và nói rõ lý do.
Quốc Đạt (Theo The Oregonian, The New York Times)