Ngoài việc phải qua đấu thầu, Chính phủ còn yêu cầu nâng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại các dự án cao tốc Bắc - Nam từ 10%-15% hiện nay lên 20%
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là dự án). Nghị quyết này có nhiều quy định siết chặt năng lực của các nhà đầu tư, nhất là về tài chính, để loại bỏ những nhà đầu tư kém.
Có tiền mới ký hợp đồng
Cụ thể, Nghị quyết 20 quy định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia phải đạt tỉ lệ 20% tổng vốn đầu tư dự án. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, tỉ lệ này chỉ 10%-15%.
Trong Nghị quyết 20, Chính phủ yêu cầu việc lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu thầu. Trường hợp có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
Nghị quyết 20 cũng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định: "Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp xử lý".
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) Bộ GTVT, việc tăng tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư theo Nghị quyết 20 là rất cần thiết. Dự án có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. "Việc nâng tỉ lệ vốn tối thiểu lên 20% sẽ bảo đảm cho dự án lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng đủ năng lực tài chính, đồng thời loại bỏ các nhà đầu tư yếu kém tham gia" - ông Huy nhận định.
Ông Huy cho biết pháp luật hiện hành quy định sau khi ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư đàm phán để ký hợp đồng tín dụng cho dự án. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều dự án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn tín dụng. Thậm chí, có những dự án đã ký hợp đồng BOT 1 - 2 năm nhưng nhà đầu tư không vay được vốn ngân hàng khiến công trình bị chậm tiến độ, như các cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bắc Giang - Lạng Sơn.
"Quy định tại Nghị quyết 20 buộc các nhà đầu tư phải làm việc trước với các tổ chức tín dụng. Ngay khi ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư phải đàm phán ký hợp đồng tín dụng để bảo đảm các dự án hoàn thành đồng bộ vào năm 2021" - ông Huy nói.
Doanh nghiệp trong nước đứng ngoài cuộc?
Liên quan đến quy định trên, ông Trần Văn Thế, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, cho rằng thời hạn để thu xếp vốn tín dụng cho dự án 6 tháng là quá đủ. "Thực tế, với những nhà đầu tư có tiềm năng và năng lực thực sự thì chỉ cần 2 - 3 tháng là hoàn thành công tác thu xếp vốn. Còn những nhà đầu tư yếu thì không chỉ 6 tháng mà đến 6 năm cũng chưa chắc vay được vốn tín dụng" - ông Thế khẳng định.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành - cho rằng quy định nâng tỉ lệ vốn chủ sở hữu lên 20% sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đứng ngoài cuộc. Theo ông Khôi, mỗi dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam có vốn đầu tư rất lớn, khoảng 5.000 đến hơn 10.000 tỉ đồng. Tính ra, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại mỗi dự án khoảng 1.000 - 2.000 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng cho biết nếu dự án BOT có quá 3 nhà đầu tư liên kết tham gia, họ sẽ không chấp thuận cho vay vốn tín dụng. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp giao thông sau khi cổ phần hóa, phần lớn vốn điều lệ đã được đem đi đầu tư vào các dự án khác nên khó có khả năng đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu.
Liên quan đến tình hình chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - tư vấn dự án), cho biết theo chỉ đạo của Bộ GTVT, cuối tháng 5-2018, sẽ có 7/11 dự án thành phần hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, 4 dự án còn lại hoàn thành vào tháng 7-2018.
"Dự kiến trong năm 2018, hai dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ khởi công xây dựng là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) và Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế). Các dự án khác dự kiến khởi công trong năm 2019" - ông Sơn cho hay.
Năm 2021, hoàn thành 654 km cao tốc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, gồm các đoạn: Cao Bồ - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai). Dự án có tổng chiều dài 654 km với sơ bộ tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng (vốn nhà nước 55.000 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư 63.716 tỉ đồng). Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2021 |
Không "xin-cho" khi làm cao tốc Bắc - Nam Lựa chọn các ban quản lý dự án có năng lực, uy tín qua kiểm nghiệm thực tế để giao các dự án cao tốc ... |
Bộ trưởng Giao thông đốc thúc tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam Bộ Giao thông đang khẩn trương hoàn thành thủ tục để khởi công hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La ... |
Chính phủ quyết không chỉ định thầu khi làm cao tốc Bắc - Nam Với dự án cao tốc Bắc Nam, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng ... |
Bài và ảnh: Văn Duẩn