Nguyên nhân gây ùn tắc cho cao tốc Long Thành - Dầu Giây có hai điểm mấu chốt, cần xử lý đúng huyệt chứ đừng xử lý bên ngoài.

Hai điểm mấu chốt

Dù dự án sân bay Long Thành vẫn chưa được xây dựng, thế nhưng, các tuyến đường ở khu vực dự án sân bay như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 đang bị ùn tắc cục bộ.

Đặc biệt là khu vực trước và sau trạm thu phí Long Phước (Q.9) vì phải chờ lấy thẻ qua trạm thu phí, nên dòng xe lúc nào cũng kéo dài gần 5km trên đường cao tốc.

Trước thực trạng trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 11/8, chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh cho biết: "Ở đây đang tồn tại hai vấn đề chính đó là trạm thu phí bằng tay thủ công và hai nút giao đường cao tốc ở An Phú, Quốc lộ 51 vẫn chưa có cách xử lý thông thoáng.

Trạm thu phí thu bằng tay thì đặt ở đâu cũng sẽ kẹt xe, tuyến đường này ngắn, nhất là đoạn từ TPHCM qua QL 51 về Vũng Tàu, nên trạm thu phí dễ bị tắc. Thời gian một xe dừng lại rồi qua trạm cũng phải mất 3-5 phút là ít nhất, cộng dồn vào vài trăm xe, lưu lượng cả ngày hàng mấy nghìn xe thì tắc là đúng.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ùn tắc

Hơn nữa, nút giao An Phú, nút giao QL51 rất quan trọng, hiện nay tình trạng kẹt xe tại đây diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng, giao thông lộn xộn như ma trận".

Cho nên, để xử lý được vấn nạn ùn tắc, theo ông Sanh, chỉ có 2 cách đơn giản nhất và sẽ hiệu quả:

Một là, thay thu phí bằng tay thủ công bằng thu phí tự động ETC đã được triển khai thí điểm tại một số trạm thu phí miền Bắc. Chủ trương thu phí không dừng Bộ GTVT có lâu rồi sao không triển khai ngay, nhất là ở tuyến cao tốc có lưu lượng xe lưu thông lớn như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây?.

Thiết nghĩ, việc chủ đầu tư Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) chưa muốn làm thu phí tự động có liên quan đến lợi ích nhóm, đến số tiền gian lận được từ thu phí thủ công, vì gian dối được số liệu.

Hai là, nên phải làm hầm chui và cầu vượt ở hai nút giao trọng điểm là An Phú và QL 51.

Cần mời các Hội KTS, Hội Xây dựng cho xin ý kiến phản biện về quy mô và phương án xây dựng, thậm chí phải tổ chức thi tuyển kiến trúc, tránh việc chỉ định thầu, rồi chất lượng kém, vô cùng tốn kém tiền của.

"Theo tôi nghĩ không cần phải làm thêm làn xe khi chưa có vốn đầu tư, 4 làn xe hiện nay là đủ rồi, chưa nhất thiết phải xây dựng 8 làn xe, điểm chính là nút giao 2 đầu. Bộ GTVT phải bỏ tiền cùng với TPHCM làm nút giao An Phú, nút giao QL51, vì toàn xe container, xe trọng tải lớn.

Đây là việc phải gấp rút, xử lý sớm ngày nào thì ùn tắc sẽ chấm dứt ngày đó. Ngày xưa khi làm đường vẫn chưa tính đến việc kết nối hai đầu xuống, lên, thì bây giờ phải nghiên cứu lại, thấy điểm sai phải sửa ngay, phải giải tỏa 2 nút trọng yếu đó.

Đương nhiên, để sửa chữa lỗi lầm trên, cần một số vốn đầu tư, thì Bộ GTVT, TPHCM, chủ đầu tư, 3 bên đều phải chịu trách nhiệm. Và khi nào Bộ GTVT chưa kiên quyết thì sẽ khó xử lý được vấn nạn này", ông Sanh nhấn mạnh.

Chỉ là ngụy biện!

VEC E đã từng đề xuất với Bộ GTVT cần giảm giá giờ thấp điểm và tăng phí đi giờ cao điểm để thu hút lượng xe đi giờ thấp điểm, giảm áp lực xe lưu thông trong giờ 
cao điểm.

Hoặc khi áp lực xe từ quốc lộ 51 đổ về đường cao tốc hướng về TP.HCM quá đông thì lực lượng giao thông nên điều tiết xe về ngã ba Vũng Tàu đi về xa lộ Hà Nội.

Ông Sanh khẳng định: "Đây là sự ngụy biện!.

Nếu áp dụng biện pháp giảm giá, tăng giá thì các tài xế sẽ canh giờ để chạy, họ sẽ tính toán, có khi còn tắc đường hơn, lại còn ùn tắc vào các khung giờ cụ thể.

Hơn nữa, lưu lượng xe chưa nhiều đến mức phải mở rộng thêm làn đường, vì kẹt xe hai đầu nút giao, kẹt ở trạm thu phí, chứ không kẹt xe trên đường, nếu kẹt trên đường thì mới phải mở rộng ra.

Còn nói chờ xây dựng vành đai 3, vành đai 4 thì còn lâu lắm, mà đợi đến lúc đó thì xe lúc nào cũng tắc. Mở ra đường cao tốc là muốn xe đi vào, giờ lại bảo cho ra đi đường xa lộ Hà Nội, xe nào chấp nhận".

Nên học nước ngoài nếu tắc phải mở cửa không thu phí

Trong khi đó, cũng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng, tắc đường trên cao tốc này là do nhiều yếu tố, trong đó có trạm thu phí thủ công, kèm theo đó là không đảm bảo vận tốc tối thiểu nên xe này kéo dài thời gian cho xe khác, mới gây ùn tắc.

Còn nguyên nhân lớn nhất gây kẹt xe tại khu vực này do cảng Trường Thọ. Bởi lượng xe container quá lớn đi và đến từ cảng này đến cảng Cát Lái - cảng lớn nhất nước - đã gây quá tải trầm trọng cho xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống.

Để xử lý vấn nạn này, ông Quản đề xuất: "Khi ùn tắc thì chủ đầu tư nên mở cửa trạm thu phí cho xe đi, giải pháp này cũng ổn định không có vấn đề gì, còn nếu không muốn thiệt thòi thì lắp trạm thu phí không dừng, ở nước ngoài hiện tại cũng đang làm như vậy".

Cũng theo ông Quản, được biết, UBND TP.HCM đề xuất đầu tư xây dựng hầm chui 2 chiều (4 làn xe) kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Sau đó, hoàn chỉnh nút giao theo quy mô được duyệt.

Về lâu dài đây là phương án quá tốt để hoàn thiện hạ tầng tại cửa ngõ phía đông thành phố, Bộ GTVT cần xem xét phương án của TPHCM để cùng xử lý.

/ Châu An/baodatviet.vn