Đơn vị khảo sát thuộc Bộ GTVT kiến nghị mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025 với vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.
5 năm trước, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km được đưa vào sử dụng, vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Thời gian từ TP HCM đi Phan Thiết còn 3 giờ thay vì 5 giờ như trên quốc lộ 1; từ TP HCM đi Vũng Tàu còn 1,5 giờ, nhanh hơn một giờ so với quốc lộ 51.
Còn từ TP HCM đến ngã ba Dầu Giây (hướng đi miền Trung hoặc Tây Nguyên) đi theo lộ trình cũ khoảng 70 km, thời gian mất 3 giờ do thường xuyên ùn tắc. Nếu đi cao tốc sẽ rút ngắn được 20 km và thời gian chỉ còn một giờ, đồng thời giảm 20-30% chi phí vận tải.
Tuy nhiên, sau 5 năm, cao tốc đã quá tải. Theo Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, đơn vị đầu tư), lưu lượng xe qua tuyến năm 2015 khoảng 10 triệu lượt xe, năm 2019 đã tăng 16,5 triệu. Mức tăng lưu lượng xe bình quân khoảng 10% mỗi năm. Hiện nay, mỗi ngày cao tốc phục vụ khoảng 52.000 lượt xe (lễ, Tết 60.000 lượt xe), trong khi thiết kế chỉ 44.000 lượt xe.
"Những năm trước, tôi đi từ Vũng Tàu lên TP HCM thường khoảng 1,5 giờ, nay có hôm 3 giờ vẫn chưa ra khỏi cao tốc. Nhiều lúc khách phải xuống xe chạy bộ để kịp giờ bay ở Tân Sơn Nhất", tài xế Nguyễn Mạnh Lân (38 tuổi) nói và cho rằng, nếu thời gian như thế thì tương đương đi quốc lộ 51 như trước đây.
Nhằm giảm tải cho cao tốc, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc) đã khuyến cáo tài xế cần lựa chọn các lộ trình thích hợp để đi trong các khung giờ cao điểm, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết.
Theo đơn vị quản lý, từ 16h đến 19h, các ôtô từ quốc lộ 51 hướng đi về TP HCM, đổ dồn về cao tốc gây ùn tắc trước cầu Long Thành, sau đó vào trạm thu phí Long Phước. Khi xảy ra tai nạn trên cầu Long Thành, VEC E đã nhiều lần đóng đầu vào, để điều tiết giao thông. "Tuyến đường đã mãn tải (số lượng xe vượt quá khả năng đáp ứng cao tốc) nhiều năm nay khiến công tác quản lý vận hành của chúng tôi gặp khó khăn. Nhưng quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn sự phát triển của nền kinh tế", ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc VEC E nói.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND Đồng Nai cho rằng, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến chính kết nối với sân bay Long Thành. Do đó, việc mở rộng quy mô cao tốc này sẽ đảm bảo việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi sân bay đi vào khai thác giai đoạn I dự kiến năm 2025.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thường kẹt xe vào cuối tuần, lễ, Tết. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Trước sức ép lưu lượng xe qua cao tốc tăng mạnh, UBND Đồng Nai đã đề xuất tăng từ 4 lên 10 đến 12 làn đường theo quy hoạch trước đây. Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) khảo sát, nghiên cứu điều chỉnh phương án mở rộng.
Theo CIPM Cửu Long, dựa trên số liệu lưu lượng xe khảo sát sơ bộ tại trạm thu phí Long Phước năm 2017 (14,17 triệu lượt), đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) đã đưa ra dự báo về số làn xe đối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo từng giai đoạn: năm 2025 dự kiến mở rộng 5 làn xe, 2030 thành 7 làn, 2035 mở rộng 8 làn, 2038 lên 9 làn và 2040 thành 10 làn.
Từ dự báo này, CIPM Cửu Long kiến nghị đối với đoạn từ nút giao An Phú (quận 2, TP HCM) đến thị trấn Long Thành dài 24 km sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe từ năm 2025 với nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Sau năm 2040, đoạn này cần được mở rộng lên 10 làn xe. Riêng 31 km từ Long Thành đi Dầu Giây sẽ giữ nguyên quy mô 4 làn xe vì có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040.
Theo ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc CIPM Cửu Long, phương án mở rộng đường cao tốc Long Thành được đưa ra trên cơ sở kết hợp kịch bản hàng loạt dự án hạ tầng kết nối cao tốc này những năm tới như: sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch), cầu Cát Lái, đường 25C và các tuyến đường sắt...
CIPM Cửu Long đề xuất việc đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được thực hiện bằng hình thức đầu tư công nguồn vốn trong nước hoặc nguồn vốn ODA (JICA) của Nhật Bản.
Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản cũng đã gửi thư quan tâm đối với dự án mở rộng đường cao tốc này đến Bộ Giao thông vận tải. Đối với quỹ đất, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch lộ giới 120 m nên đảm bảo cho nhu cầu mở rộng cao tốc trong thời gian tới.
Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây? Liên tục ùn tắc, thường xuyên xảy ra tai nạn, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được đề xuất mở ... |
Oằn mình đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây Không chỉ chủ đầu tư mà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng lên tiếng kêu cứu thay cho đường cao tốc TP HCM - Long ... |
https://vnexpress.net/cao-toc-tp-hcm-long-thanh-se-mo-rong-nhu-the-nao-4113676.html