Với chiến dịch 15 ngày giải phóng mặt bằng và phát động 500 ngày đêm hoàn thành dự án, tỉnh Quảng Ninh đã khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Từ 15h ngày 1/9, sau các nghi thức tổ chức khánh thành, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh), các phương tiện giao thông đã di chuyển thuận lợi trên tuyến và ngược lại, sau 25 tháng thi công.
Để tri ân sự đóng góp của nhân dân trong quá trình thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo chủ đầu tư không thu phí trên tuyến cao tốc này đến hết 30/9.
15 ngày giải phóng mặt bằng, 500 ngày thi công
Phát biểu tại lễ khánh thành Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ cao của người dân. Sau 15 ngày phát động, toàn bộ 1.186 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng khi điều chỉnh dự án tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công. 326 hộ phải bố trí tái định cư, 320 ngôi mộ di chuyển, với diện tích thu hồi khoảng 527 ha.
Quá trình triển khai dự án, tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án do Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Ngày 1/7/2020, tỉnh Quảng Ninh tổ chức phát động chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành dự án và càng được đẩy lên mạnh mẽ trong giai đoạn thi công nước rút khi ngày 2/9/2021 tỉnh phát động đợt thi đua cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Sau 25 tháng thi công, đến nay, Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo nên những giá trị khác biệt.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ninh đúc kết, Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là con đường của "Niềm tin, Khát Vọng, Chiến lược, Kết nối, Trách nhiệm và Thân thiện".
Cứ 1 đồng ngân sách "ăn" 8 - 9 đồng ngoài ngân sách
Theo ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - với quan điểm “giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược, tạo sức lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Từ năm 2013 đến nay, 46 dự án được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng, trong đó nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.
Nhiều công trình chiến lược, đặc biệt đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng như dự án cầu Bạch Đằng, dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án đường dẫn cầu Bắc Luân II, cầu Tình Yêu, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long…
Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 418 ngày 9/12/2018.
Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hợp đồng BOT thành 2 dự án độc lập với chiều dài toàn tuyến 80,23 km, có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h, tổng mức đầu tư của dự án trên 14.000 tỷ đồng.
Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã được xác định trong các chủ trương, quy hoạch của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh qua nhiều thời kỳ; là một hợp phần, mảnh ghép cuối cùng để cùng với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long và Hạ Long - Vân Đồn hình thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái với tổng chiều dài 281 km.
Nó liên thông với tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600 km; đưa tỷ lệ đường cao tốc Quảng Ninh chiếm gần 16,83% tổng chiều dài cao tốc hiện có của cả nước.
"Đây là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa động lực, quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh, quốc gia và khu vực; đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển và miền núi phía Bắc với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không, các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích văn hóa tâm linh… trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
Tuyến cao tốc này đưa vào khai thác sẽ tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực phát triển toàn diện của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc; giảm tải lưu lượng giao thông trên QL18; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực”, ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - chia sẻ.
Theo người đừng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ninh, quá trình triển khai thi công dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, thủy văn hết sức phức tạp.
Địa hình thi công liên tục thay đổi, khối lượng của dự án rất lớn, gần 15 triệu m3 đất đá, xây dựng 35 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 7,9 km, 4 nút giao, 3 cầu vượt nút giao (trong đó cầu Vân Tiên là cầu vượt biển, có chiều dài lớn nhất Quảng Ninh với 1.515m, lập kỷ lục mới về tiến độ thi công với 11 tháng), 17 cầu vượt, 47 hầm chui dân sinh, 291 cống các loại…
Để hoàn thành công trình đáp ứng tiến độ, các nhà thầu đã phải huy động tối đa các loại máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại bậc nhất, đòi hỏi độ chính xác cao, với trên 1.000 máy móc, thiết bị.
Công trình đã phải huy động gần 3.000 kỹ sư hàng đầu có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu cùng đội ngũ công nhân lành nghề để vừa đảm bảo chất lượng thi công, vừa đảm bảo an toàn lao động và thẩm mỹ của công trình với nhiều giải pháp thi công hiệu quả nhất.
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát, vừa phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa duy trì tổ chức thi công liên tục, trong đó nhiều đơn vị thi công, lực lượng chỉ huy, cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động ở lại lâu nhất trên công trường, liên tục xuyên qua 2 dịp Tết nguyên đán cổ truyền Canh Tý và Nhâm Dần.
Cao tốc kết nối 3 cửa khẩu lớn nhất miền Bắc
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành sáng 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Quảng Ninh đã hiện thực hóa khát vọng, khánh thành thông xe toàn tuyến để nối 3 cửa khẩu lớn nhất của miền Bắc với tổng chiều dài 571,5km. Đây là tuyến đường liên vùng dài nhất của cả nước.
Tuyến đường cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng nhấn mạnh đến 9 ý nghĩa quan trọng từ việc hoàn thành tuyến đường kết nối vùng có ý nghĩa quan trọng này góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển cơ sở hạ tầng; tạo động lực không gian phát triển vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng; thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư PPP.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, tạo ra không gian phát triển mới, mang lại đời sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân; phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công; góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có liên quan; góp phần xây dựng khu vực phòng thủ hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
"Con đường cao tốc là con đường của khát vọng và niềm tin bởi đã phá thế độc đạo về giao thông của tỉnh Quảng Ninh. Giờ đây, Quảng Ninh có cao tốc, có đường ven biển, có sân bay", Thủ tướng nói.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài hơn 80 km với tổng số vốn đầu tư gần 12.700 tỷ đồng theo hình thức BOT được thi công trong 2 năm.
Điểm đầu của cao tốc Vân Đồn - Móng cái nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân - TP. Móng Cái. Tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp.
Đây là một trong những tuyến đường sở hữu số lượng cầu vượt biển, vượt sông, suối nhiều nhất cả nước với 35 cây cầu trên tuyến chính. Nổi bật nhất là cầu Vân Tiên dài hơn 1,5 km, rộng 25,5 m, sâu 19 m là cây cầu dài nhất tại tỉnh Quảng Ninh. Cây cầu vượt biển này được thi công trong 330 ngày đêm.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được trang bị hệ thống ITS, giám sát giao thông hiện đại nhất hiện nay với gần 100 camera có tầm nhìn 2km, quan sát được tất cả các đoạn tuyến.
Tuyến cao tốc này hoàn thành và được đưa vào khai thác sau 25 tháng thi công sẽ kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với các tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600km) và Quảng Ninh là tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại (176/1.046km).
Theo quy định, tốc độ của đoạn từ nút giao Đoàn Kết đến nút giao Bình Dân (huyện Vân Đồn) dài 11,5 km tối đa 100 km/h; tối thiểu 60 km/h. Đoạn cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 79,38 km vận tốc tối đa 120 km/h; vận tốc tối thiểu 60 km/h.
Vận tốc tại các nút giao và nhánh ra vào đường cao tốc vận hành theo hệ thống báo hiệu đường bộ (theo Phương án tổ chức giao thông được duyệt tại quyết định ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh).