Sáng 13-12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước”.
Đến dự tọa đàm có các đồng chí: PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân; Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tiến sĩ Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Khóa XIII; Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo, cùng dự có đại diện một số ban bộ ngành Trung ương, các đơn vị lực lượng vũ trang, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV; Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên Hội đồng thành viên; Đỗ Chí Thanh, Phó tổng giám đốc và các đồng chí nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí , lãnh đạo các Ban, Văn phòng và các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn. Đồng chí Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đồng chủ trì cuộc tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, khẳng định:
Tập đoàn Dầu khí là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Tập đoàn Dầu khí có đội ngũ lao động hùng hậu với số lượng gần 60.000 người, có trình độ cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài nước. Đáng chú ý, Tập đoàn Dầu khí là tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, PVN đang triển khai thực hiện các hoạt động dầu khí tại 14 nước trên thế giới. Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động tới sự phát triển của ngành Dầu khí và Tập đoàn Dầu khí.
Với tinh thần đó, tọa đàm đã tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề: Vị trí, vai trò và đóng góp của ngành Dầu khí đối với đất nước; cơ hội và thách thức của ngành Dầu khí trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới; những vấn đề cấp bách cần giải quyết, tháo gỡ để ngành Dầu khí tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.
Tại tọa đàm, ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu đều khẳng định vị trí, vai trò của ngành Dầu khí đối với sự phát triển của đất nước là vô cùng quan trọng, không chỉ trong giai đoạn trước, hiện nay mà cả sau này, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, trước những biến động đầy khó khăn của thị trường dầu mỏ thế giới, tình hình biển Đông, cạnh tranh quốc tế, bảo hộ thương mại…, ngành Dầu khí đang đứng trước những thách thức to lớn trong quá trình phát triển, đặc biệt là thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23-7-2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14-10-2015. Thực tế đó đòi hỏi cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho ngành Dầu khí phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Những vấn đề cấp bách được các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm:
Cần thiết ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW trong tình hình mới, trong đó nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành trong triển khai từng nhiệm vụ và giải pháp.
Cần sớm sửa đổi, ban hành Luật Dầu khí theo hướng điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dầu khí gồm 2 phần: Thượng nguồn và trung, hạ nguồn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí và nhà đầu tư vào chuỗi giá trị của ngành Dầu khí, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí; bổ sung các đối tượng dầu khí phi truyền thống (khí than, khí sét, băng cháy…) vào phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí; có điều khoản ưu đãi hợp lý để thu hút vốn đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác các đối tượng dầu khí phi truyền thống.
Cần có quy định nguyên tắc ổn định Luật Dầu khí và nguyên tắc không hồi tố trong luật và các văn bản dưới luật nhằm tránh các tranh cãi có thể xảy ra trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí của các hợp đồng dầu khí; có điều khoản quy định về mức thu hồi chi phí đối với các dự án khuyến khích đầu tư dầu khí hoặc quy định mức thu hồi chi phí trong tương quan với các yếu tố khác như mức đầu tư hoặc chi phí chưa được thu hồi; có điều khoản quy định cụ thể trong Luật Dầu khí về ưu đãi trong sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước cho các hoạt động dầu khí.
Sửa đổi Điểm 1, Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) theo hướng: “Trích tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế để lại doanh nghiệp sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp” (với mức 50% lợi nhuận sau thuế để lại, Tập đoàn Dầu khí mới có thể bảo đảm nguồn vốn đầu tư, bao gồm sử dụng cho hoạt động tìm kiếm thăm dò).
Cần sớm điều chỉnh Luật Đầu tư 2014 theo hướng quy định rõ cấp thẩm quyền quyết định các hoạt động chuyển nhượng, chuyển giai đoạn, kết thúc... dự án dầu khí đầu tư ra nước ngoài…
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng nhấn mạnh tính cấp bách phải sớm hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khí; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho Tập đoàn Dầu khí phát triển; bảo đảm nguồn vốn cho Tập đoàn Dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược; cân đối nguồn lực cho Tập đoàn Dầu khí từ các nguồn vốn hợp pháp khác trong trường hợp cần thiết để bảo đảm yêu cầu đầu tư phát triển củaTập đoàn Dầu khí …
Thanh Ngọc
8 nhóm giải pháp bảo đảm phát triển bền vững ngành Dầu khí Vừa qua, chia sẻ tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Tổng giám đốc Tập ... |
Ngành Dầu khí Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng thế giới Ngày 29/11, tại Hà Nội, chia sẻ tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Tổng ... |
Ngày truyền thống ngành dầu khí (27.11.1961 - 27.11.2018): Vững vàng trước thời cơ mới, thách thức mới Gần 60 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trở thành tập ... |
8 thành tựu nổi bật của ngành Dầu khí Việt Nam Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng mong muốn đất nước có một ngành công nghiệp dầu khí hùng mạnh. Mong ước ... |