Dù đánh giá việc cắt điện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng là đúng nhưng biện pháp này vẫn làm khó các bên vì thiếu căn cứ pháp lý.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể dùng mệnh lệnh hành chính biện minh cho việc quản lý lỏng lẻo, đẩy trách nhiệm cho đơn vị cung cấp điện.
| |
Cắt điện từng là một biện pháp được áp dụng để xử lý vi phạm xây dựng nhưng không còn hiệu lực pháp lý. |
Điện lực loay hoay trong thế mắc kẹt
Hơn hai tháng qua, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang lâm vào thế khó trước yêu cầu cắt điện công trình xây dựng vi phạm từ UBND TP.HCM. Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện, đơn vị này đã đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị bộ Xây dựng và bộ Công Thương để xem xét. Riêng với trường hợp cấp điện mới, tổng công ty Điện lực TP kiến nghị tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng ý cho phép không cấp điện cho khách hàng trong trường hợp có văn bản thông báo của chính quyền về việc xây dựng trái phép, sai phép, không phép nhằm hỗ trợ địa phương về quản lý trật tự đô thị.
Theo đó, bộ Công Thương đã có Văn bản số 4608 quy định đơn vị điện lực không thực hiện cắt điện theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước khi khách hàng vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, quy định về trình tự, thủ tục cấp điện do tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành thì không đề cập đến việc không cấp điện nếu khách hàng vi phạm trật tự xây dựng. Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, điều này dẫn đến các hạn chế trong công tác phối hợp giữa ngành điện và cơ quan quản lý Nhà nước khi xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.
Trước đó, tại hội nghị Thực trạng và giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM, lãnh đạo địa phương này đã đưa ra quyết tâm lập lại trật tự xây dựng bằng nhiều giải pháp, trong đó có cắt điện, cắt nước. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “Các đơn vị cung cấp điện, nước cho rằng không có quy định áp dụng biện pháp này. Nhưng nếu người dân xây nhà mà không được cấp phép, vi phạm thì chúng ta có quyền cắt điện, nước. Hơn thế, người nào cho các công trình, dự án xây dựng sai phép "câu nhờ" điện, nước cũng bị xếp vào đối tượng vi phạm và chịu xử lý chung”.
Đồng tình, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM khẳng định, đây là một giải pháp hiệu quả. Theo đó, ông Quang cho biết, việc cắt điện, nước công trình xây dựng vi phạm từng được quy định tại Nghị định 180 năm 2007. Tuy nhiên, luật Xây dựng năm 2014 không quy định biện pháp này. Song song, Nghị định 139 (có hiệu lực từ ngày 15/1/2015) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng không quy định cắt điện, nước của công trình xây dựng như một biện pháp xử lý sai phạm về xây dựng.
Để “khôi phục” lại kế hoạch cắt điện, nước như một giải pháp góp phần lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị điều chỉnh Nghị định 139. Theo đó, để được cấp đồng hồ điện, nước, người dân nhất định phải đáp ứng một số quy định, điều kiện về cư trú...
Thiếu cơ chế phối hợp
Giải pháp này được đặt ra trong bối cảnh sai phạm về xây dựng tại TP.HCM ngày càng tăng cao. Báo cáo của sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019; tổng số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng là 4.252 trường hợp. Đồng thời, có 2.573 trường hợp công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép trên toàn thành phố. Trong đó, phần lớn vụ việc tập trung tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức là những khu vực đô thị hóa nhanh.
Lãnh đạo UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM cũng đồng tình với việc áp dụng ngưng cung cấp điện, nước để ngăn chặn xây dựng trái phép ngay từ đầu, vừa tránh được sự cố cháy, nổ nguy hiểm đe dọa tính mạng. Tiếp đó, nếu chủ công trình cố tình vi phạm thì nên ngăn chặn mọi thủ tục về đăng bộ, mua bán nhà đất liên quan đến công trình đó. Tuy nhiên, phía điện lực yêu cầu phải có ý kiến từ phòng Cảnh sát PCCC hoặc các đơn vị khác cùng đưa ra kết luận “nguy hiểm đến tính mạng khi xảy ra cháy nổ”.
Nhìn nhận vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá: “Các công trình vi phạm an ninh quốc phòng, vi phạm pháp luật... tuy nằm ngoài yếu tố của hợp đồng cung cấp điện nhưng được cơ quan quản lý xác định là vi phạm, với mục đích hợp tác với chính quyền, nhằm gây sức ép cho đơn vị vi phạm, có thể áp dụng biện pháp cắt điện. Lưu ý là với trường hợp vi phạm pháp luật đã được cơ quan Nhà nước xác nhận, công bố. Với các công trình vi phạm như không giấy phép xây dựng, sai phép, không được phép xây cao tầng, xây quá mức được cấp phép... tức là những “tội danh” này đã được cơ quan quản lý xác nhận bằng quyết định cưỡng chế... thì điện lực hoàn toàn có quyền ngưng cung cấp điện”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) bày tỏ: “Trong quy tắc đạo đức ứng xử của doanh nghiệp hội viên HoREA, có quy tắc thượng tôn pháp luật. Nên nếu doanh nghiệp vi phạm, hiệp hội ủng hộ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của phía chính quyền như ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Tuy nhiên, cần phân biệt các loại hình vi phạm, tránh áp trừng phạt kiểu “cào bằng” trong vi phạm xây dựng”.
Bàn về quan điểm của chính quyền TP.HCM, tiến sĩ Cao Vũ Minh, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, việc cắt điện, không cấp điện đối với những công trình vi phạm xây dựng là không có cơ sở pháp lý. “Việc cắt điện, nước hoặc từ chối cấp điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Việc này cũng tương tự từ chối đăng kiểm hoặc không cho xuất cảnh người chưa đóng tiền phạt vi phạm hành chính. Nếu thấy cần thiết phải thực hiện các biện pháp trên để buộc chấp hành chế tài xử phạt hành chính thì cần phải sửa luật”.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thu Đào, đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, đề nghị ngưng cung cấp dịch vụ điện đối với công trình vi phạm như đề xuất của UBND TP.HCM là không đúng so với quy định pháp luật. “Bởi giữa công ty điện lực và khách hàng có ký kết hợp đồng giao dịch dân sự. Trong đó có các điều khoản quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ giữa bên mua và bên bán. Khi bên mua vi phạm quy định trong hợp đồng thì bên bán có quyền tạm ngừng, thậm chí chấm dứt hợp đồng. Người dân vi phạm trật tự xây dựng chứ không vi phạm hợp đồng điện nên nhà cung cấp không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng, càng không thể chấm dứt hợp đồng dân sự bằng quyết định hành chính của Nhà nước”, luật sư Thu Đào nhận định.