Các chuyên gia chỉ ra lý do khiến đề xuất cắt lương hưu cán bộ về hưu có sai phạm khó thực hiện được.
Một trong những định mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được quan tâm là việc xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu nhưng có sai phạm từ khi còn đương chức.
Theo khoản 5 Điều 84 của luật này, mọi hành vi vi phạm của những người đã nghỉ hưu, thôi việc trong thời gian giữ các chức vụ đều xử lý theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử hình sự hoặc hành chính hoặc xử kỷ luật.
Các hình thức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo và xóa tư cách chức vụ. Đi kèm với đó là một số hệ quả pháp lý, gồm cả vật chất và tinh thần, nhưng được giao Chính phủ quy định cụ thể.
Nhắc lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc này, trong đó có ý kiến đề xuất cắt lương hưu của cán bộ về hưu có sai phạm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, lương hưu được xây dựng trên quan hệ đóng - hưởng nên không thể nào tính đến chuyện cắt.
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia hành chính công đều khẳng định, không thể cắt lương hưu của cán bộ nghỉ hưu có sai phạm từ khi còn đương chức.
Theo PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, lương hưu thực chất là phúc lợi xã hội mà mỗi người nhận được sau thời gian đã đóng tiền vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, tiền người đó tạm ứng trước để tới ngày được hưởng thì tính là tiền của người đó.
Bởi vậy, không có lý gì lại cắt lương hưu của người đó khi có sai phạm lúc đương chức.
Ngay cả ý kiến cho rằng nên cắt phần tiền mà Nhà nước (người sử dụng lao động) đã đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ sai phạm khi người đó còn đương chức, PGS.TS Võ Kim Sơn cũng cho rằng không hợp lý.
Phân tích thêm, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính cho hay, trong các hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức) thì khiển trách và cảnh cáo không đụng đến chức vụ, thậm chí khiển trách không có mấy giá trị, chỉ có tác dụng trong vòng 6 tháng theo luật định."Chẳng hạn, nếu người đó bị kỷ luật 1-2 năm, nhưng trước đó họ không bị kỷ luật thì sau này, nếu có trừ cũng chỉ có thể trừ được 1-2 năm, không đáng bao nhiêu".
Chỉ có cách chức thì có thể cắt phần lương theo chức vụ, còn lương chuyên môn ( hưởng theo ngạch, bậc) không thể cắt.
"Mong muốn của những người đưa ra đề nghị này là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu mà có sai phạm trong quá trình đương chức thì phải bị cắt lương hưu, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện được điều ấy.
Không thể trừ phần tiền bảo hiểm Nhà nước đã đóng cho cán bộ khi anh ta còn công tác vì đó là lương chuyên môn, muốn cắt chỉ có thể cắt lương chức vụ, chức vụ ấy thì cán bộ chỉ có 1-2 nhiệm kỳ, và cũng không đáng bao nhiêu. Chẳng hạn, lương chức vụ của Phó Vụ trưởng trước đây được tính 0,8, giờ chừng 1,0", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói và cho rằng, đề xuất cắt lương hưu cán bộ nghỉ hưu có sai phạm khi đương chức "chỉ nói cho vui".
Nói thêm về lương hưu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính cho biết, trước đây chưa thành lập bảo hiểm xã hội, chưa có quy định lương bảo hiểm, sau năm 1994-1995 mới thực hiện.
Do đó, mới có quy định: lương hưu của những người nghỉ hưu từ những năm 1995-2010 được tính bình quân 5 năm lương cuối cùng, người nghỉ hưu được lợi vì mức lương cao.
Tuy nhiên, theo quy định mới, người ta lấy lương bình quân 10 năm cuối, tiến tới là 15 năm cuối để làm căn cứ tính hưởng lương hưu. Căn cứ tính lương hưu cho người lao động trong doanh nghiệp là bình quân cả quá trình đóng.
Trước đó, hồi tháng 10/2019, khi góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn kinh nghiệm quốc tế cho hay, ở Đức quy định công chức đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình lúc đương chức, hình thức kỷ luật là giảm và truất lương hưu vĩnh viễn; người bị kỷ luật sẽ không còn có quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng...
"Tôi thấy quy định này logic về pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn Việt Nam", ông Hiển nói và đề nghị không nên quy định xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm của cán bộ, mà xử lý theo hướng tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân huy chương.
Thành Luân 20/12/2019 07:37
Bác sĩ 20 năm lấy lương hưu mở phòng khám miễn phí Hơn 20 năm nay, phòng khám miễn phí nằm trong UBND phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành điểm đến quen thuộc của ... |
"Hổ lớn" TQ bị cắt lương hưu, truy tố vì tham nhũng, gian dâm Bốn tháng sau khi chủ động đầu thú, cựu Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Tần Quang Vinh (Qin Guangrong), đã bị khai trừ đảng, ... |
Danh tính người hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam, 110 triệu/tháng Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, qua hệ thống giám sát, người nhận lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay do BHXH ... |