BHXH Việt Nam kể, hệ thống thông tin giám định điện tử phát hiện trường hợp cắt tử cung rồi vẫn đẻ, kiểm tra phát hiện chị cho em mượn thẻ bảo hiểm y tế đi đẻ.
UB Về các vấn đề xã hội của QH sáng nay tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết cơ chế tự chủ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, không ỉ lại ngân sách.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ cũng có một số tồn tại, bất cập như tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn.
Hay tình trạng chênh lệch thu nhập, chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn.
Tăng thu thì mới có nhà vệ sinh 3 sao trở lên
Phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình giám sát, tập hợp ý kiến, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu lại bất cập giá dịch vụ y tế chưa có sự thống nhất, chỗ chưa tính đúng tính đủ, nơi thì thu thêm.
"Một lãnh đạo bệnh viện nói, giao tự chủ nhưng không biết tự chủ gì. Nhiều cơ sở phản ánh, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt về cán bộ, tài chính. Làm sao để tháo gỡ, ai có trách nhiệm, khi nào thì tháo gỡ xong...?”, ông Trí hỏi.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) |
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân một số cơ sở lạm dụng kỹ thuật cao để móc túi bệnh nhân.
Trả lời các câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận vấn đề tự chủ về biên chế, bộ máy đang khó, nhất là ở các địa phương. Vướng mắc hiện nay là phải tính đúng tính đủ các dịch vụ y tế, đủ bác sỹ, điều dưỡng để chăm sóc bệnh nhân thì giá phải cao hơn.
Hiện nay chỉ có vài bệnh viện tự chủ cả đầu tư xây dựng và tài chính. Đây là tuyến cao nhất, bệnh viện hạng đặc biệt, chỉ có bệnh nhân nặng mới vào, có khoa theo yêu cầu, cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vào khám chữa bệnh.
"Người nghèo nếu chuyển viện đúng tuyến vẫn được chữa trị. Đó là bệnh khó từ tuyến tỉnh chuyển lên. Họ cũng được hưởng như những người có điều kiện. Những trường hợp ghép gan, ghép tim vừa qua đều là bệnh nhân nghèo được hưởng bảo hiểm mà các tuyến không giải quyết được”, bà Tiến cho hay.
Nói về tình trạng lạm thu, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh: "Khi anh tự chủ thì phải có nguồn thu để chi trả tất cả và phải tăng thu hút bệnh nhân, phải tuyển người giỏi, tăng thu nhập của cán bộ để có chất luợng tốt, xây dựng mới, trang thiết bị mới, nhà vệ sinh chúng tôi yêu cầu phải ít nhất 3 sao trở lên... Muốn vậy thì các bệnh viện tự chủ phải làm sao thu nhiều".
Chính vì vậy dẫn đến có lạm dụng kỹ thuật không cần thiết, thuốc kê ngoài danh mục BHYT thanh toán rất nhiều, số ngày giường cũng tăng, số lượt khám cũng tăng.
"Đấy là tất cả nguyên nhân muốn thu nhiều", Bộ trưởng Y tế giải thích.
Theo bà, giải pháp cho việc này là có định mức, thanh tra, kiểm toán, giám sát: “Tháng trước chúng tôi mới ban hành chỉ thị chống lạm dụng, trục lợi để có giải pháp tăng cường giám sát”.
Phát hiện ra sai phạm thì bảo nhầm, xin lỗi
Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nêu thực tế cơ chế tự chủ bên cạnh một số mặt tích cực cũng tạo nên sức ép, gánh nặng cho cơ quan BHXH.
"Theo báo cáo của Bộ Y tế, chúng ta giảm được 11.000 tỉ đồng từ việc chi lương từ ngân sách nhưng toàn bộ khoản chi này được chuyển vào giá dịch vụ, chủ yếu do quỹ BHYT chi trả và chi trả một phần", ông Sơn chia sẻ.
Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn |
Mặc dù ngành BHXH rất cố gắng nhưng tới nay số thu trong năm không đáp ứng được số chi.
"Số thu tới năm 2018 xấp xỉ trên 80 ngàn tỉ, trong khi chúng ta đang chi gần 100 ngàn tỉ. Hàng năm phải bổ sung 15-20 ngàn tỉ", ông dẫn chứng.
Trả lời ĐB Lưu Bình Nhưỡng về việc làm thế nào kiểm soát chi phí, phòng chống lạm dụng, ông cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kể cả ứng dụng CNTT.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nêu vướng mắc, không phải lúc nào cũng đưa tất cả hiện tượng lạm dụng, trục lợi, gian lận này vào hình sự được.
"Cơ quan BHXH có mỗi thẩm quyền là nếu thấy vô lý thì từ chối thanh toán thôi. Nhưng từ chối mà bệnh viện không đồng ý thì cứ lằng nhằng", ông Sơn nêu khó khăn.
Ông kể, có những bệnh viện công thu gom bệnh nhân, trong đó khối y dược cổ truyền phục hồi chức năng là một điển hình.
"Trên hệ thống thông tin giám định điện tử, chúng tôi phát hiện ra trường hợp cắt tử cung rồi vẫn đẻ, vẫn thanh toán bảo hiểm tiền đẻ. Hay trường hợp mổ phaco 3 mắt cho một người. Đến khi chúng tôi yêu cầu đến giám sát, giải trình thì họ nói dữ liệu nhầm. Chỉ có trường hợp cắt tử cung vẫn đẻ thì họ nhận là chị cắt tử cung rồi nhưng cho em mượn thẻ bảo hiểm để đi đẻ", ông dẫn chứng thực tế.
Theo ông, trường hợp này nếu áp dụng theo quy định của luật Hình sự để bỏ tù cô em vì mượn thẻ của chị đi đẻ cũng khó.
Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam hứa sẽ nghiêm túc tiếp nhận thông tin của ĐBQH để chấn chỉnh công tác tạm ứng, dự toán, phân bổ kinh phí thanh quyết toán sao cho kịp thời, hợp lý.
Ông cũng mong BHXH có thêm chế tài hợp lý hơn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Mua bảo hiểm nhân thọ: Khách hàng lo bị "vắt chanh bỏ vỏ" |
Bức ảnh sinh viên Thái Lan đội mũ bảo hiểm trong phòng thi gây xôn xao |
Công ty Rạng Đông được bồi thường bảo hiểm cháy nổ khoảng 150 tỷ đồng |