Nhà con Hà gần nhà tôi. Ba má nó là người Quảng Trị, vào Lâm Đồng làm kinh tế mới vào năm 1988 giống nhà tôi.
cát
Khi con Hà lên 5 tuổi, má nó mất. Ba nó ở vậy nuôi 4 chị em. Tôi thích chơi với nó nhất. Con Hà đẹp, tóc đen, mắt cũng đen lại có má lúm đồng tiền. Nó làm bài kiểm tra lúc nào cũng được điểm cao nhất lớp.
Năm 16 tuổi, tôi hỏi nó: “Lớn lên mi ưng làm cái chi?”. Con Hà trả lời liền: “Tau ưng đi làm công an. Nghe nói học công an thì ông ba tau không phải gửi tiền nuôi. Anh Dũng, con bác Khanh cũng rứa đó”.
Năm 18 tuổi, con Hà đăng ký thi công an nhưng rớt ngay từ vòng gửi xe vì chiều cao không đủ. Tôi đăng ký thi báo chí, đậu cái rụp.
Hôm nhận kết quả, tôi vội chạy sang nhà nó. Con Hà không có ở nhà. Ba nó ngồi thẫn thờ ngoài hiên, bảo: “Con Hà bắt xe đi Bình Dương sáng nay rồi. Nó xin vào công ty giày dép chi đó”. “Răng nó không kể con nghe hả bác Thi?”. Bác Thi không đáp. Tôi không hỏi nữa vì khóe mắt ông đã lấp lánh nước mắt.
Vào giữa năm nhất đại học, tôi nhận được điện thoại của con Hà, nó biểu: “28 ni mày về ăn cưới tao nghe! Tau lấy thằng Quang nhà Trung Việt”. Tôi còn tưởng nó nói đùa. Vậy mà hôm 28, tôi về, thấy nhà nó dựng rạp, cổng để ảnh nó với thằng Quang mặc áo cô dâu chú rể.
2 năm sau, tôi qua nhà vợ chồng nó thấy con Hà gầy xơ xác, má tóp lại mà bụng đã to vượt mặt. Thằng cu con lớn 1 tuổi đứng bên cạnh, mũi dãi lòng thòng. Mắt con Hà in quầng thâm tròn xoe. “Thằng Quang làm mi ra ri hả, răng ngày xưa mi lấy hắn?” - tôi nói như quát. Con Hà cúi mặt đáp: “Má nó nói hai đứa lấy nhau má nó cho mảnh vườn với xây cho cái nhà như ri”.
Quả thật, hai đứa chưa một lần cầm tay. Cưới nhau về, nó mới biết thằng Quang mê bài bạc. Con Hà có bầu, cố giấu ít tiền để dành đi đẻ cũng bị thằng Quang lấy đánh bài hết. Có lần, thằng Quang về nhà nã tiền, con Hà không đưa. Trong cơn khát bạc, thằng Quang đã cả vào bụng vợ. Bữa đó, may con Hà được hàng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu, nếu không chắc thằng cu trong bụng gặp nguy. Nghe con Hà kể, tôi đau đớn thét lên không do dự: “Mi bỏ cha cái thằng vũ phu đó đi”. Con Hà sụt sịt khóc: “Mi đừng nói cho ông ba tau, ổng biết chắc ổng giết thằng Quang ”.
Con Hà không những không bỏ thằng Quang. 5 năm sau, khi tôi lấy chồng, nó đã bế đứa con thứ 3 đi đám cưới. Cưới xin xong xuôi, nó kéo tôi xuống khe suối - nơi ngày nhỏ hai đứa vẫn trốn tới chơi đồ hàng. Nó hỏi luôn: “Mi cưới có hụt tiền không tau cho vay?”. Tôi tròn mắt, hỏi dồn dập: “Mi nhiều tiền rứa. Thằng Quang hết bài bạc rồi hả? Nó còn đánh mi nữa hay thôi?”. Con Hà cười cười: “Ông Quang nay ngon lành. Thương tau rồi. Bữa ni ở nhà chăm vườn sầu riêng ghép. Vụ vừa rồi, nhà tau trúng, dư được hơn tỉ”.
Lần đầu tiên, tôi thấy con Hà không gọi chồng là thằng. Nhắc đến Quang, ánh mắt nó sáng rực, hạnh phúc. Bỗng tôi nhớ đến con Hà của ngày còn nhỏ. Cặp sách bác Thi mua, nó mang từ lớp 1 đến lớp 5 chưa chịu thay, sứt quai nó khâu lại quai, hư khóa nó sửa lại khóa. Mẩu bút chì cũng thế. Nó xài cho đến khi nào còn 1 phân mới bỏ.
Con Hà là vậy, cái gì hư hay không ưng ý thì sửa, tuyệt đối không vứt bỏ. Phẩm hạnh ấy đến lúc lấy chồng vẫn vậy, và nó đã kéo được Quang ra khỏi vũng lầy .
Ừ, hạnh phúc nào chả như nắm cát trong tay, Hà nhỉ, nhưng mày biết cầm giữ nên giờ thành nắm hạt lành.
Hiến xác cho khoa học Hiến xác cho khoa học là một tâm nguyện cao cả, đáng được mọi người tôn vinh trân trọng. Khi chúng ta chết đi, thần ... |
Lạ lùng phiên chợ \'Người yêu cũ\' ở Hà Nội Chợ phiên Người yêu cũ ở Hà Nội do một nhóm người trẻ sáng lập với tâm nguyện tạo ra một sân chơi giao lưu, ... |