Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, nguồn tài chính dành cho hoạt động này là một thách thức, do việc chuyển đổi nguồn lực từ nguồn viện trợ nước ngoài sang quỹ BHYT vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Tiêm chích ma túy dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Ảnh: M.QUÂN

Bệnh nhân không đủ khả năng chi trả

Hết năm 2017, các nguồn viện trợ nước ngoài về phòng chống HIV/AIDS sẽ dừng, chỉ còn hỗ trợ thuốc ARV, điều này là một khó khăn không nhỏ đối với những người nhiễm HIV, đặc biệt khi họ không có bảo hiểm y tế.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Vĩnh Long, hiện chỉ có 654/1091 bệnh nhân HIV/AIDS có tham gia BHYT, chiếm 60%. Trong số này người bệnh mua BHYT theo hộ gia đình chiếm 72%. Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh cho biết, bình quân điều trị bệnh nhân nhiễm HIV khoảng 1 triệu đồng/tháng. Với mức chi phí này, bệnh nhân không đủ khả năng chi trả, kéo theo rất nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người bệnh cũng như cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, số tích lũy nhiễm HIV của tỉnh là 2.755 người, trong đó 1.497 trường hợp chuyển sang AIDS, 782 trường hợp tử vong do AIDS. Tình hình dịch HIV trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng, nhóm đối tượng đáng chú ý là nhóm nghiện chích ma túy và vợ/chồng người nhiễm. Nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ mang thai mới phát hiện bắt đầu tăng, điều này dự báo số trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng sẽ tăng trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu cũng đang có chiều hướng tăng.

Trong các nhóm đối tượng nguy cơ, nhóm phụ nữ mang thai và nhóm thanh niên nhập ngũ được coi là nhóm nguy cơ thấp nên khi nhiễm HIV xuất hiện ở nhóm này đã chứng tỏ dịch nhiễm HIV đã bắt đầu lan rộng ra cộng đồng.

Không chỉ có tỉnh Vĩnh Long gặp phải khó khăn này, thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS cho thấy, cả nước đã có 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay, số trường hợp dương tính với HIV mới được phát hiện vào khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. Dịch HIV vẫn đang lây lan ra cộng đồng và ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉ lệ tham gia BHYT của người nhiễm mới đạt trên 50%. Người nhiễm HIV chưa chủ động mua thẻ, vì họ quen được điều trị miễn phí trong nhiều năm qua, hoặc không có giấy tờ tùy thân, sai lệch thông tin giữa giấy tờ tùy thân và thông tin bệnh nhân đang quản lý, người nhiễm HIV cố tình giấu danh tính.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân không tham gia BHYT vì sợ bị phân biệt, kỳ thị đối xử do lộ danh tính, ngại chờ đợi khi phải khám bảo hiểm. Một số bệnh nhân khác do kinh tế khó khăn không đủ nguồn tài chính mua BHYT theo hộ gia đình…

Khó khăn khi triển khai bảo hiểm y tế trong điều trị HIV

Để thực hiện Quyết định trên, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Thực hiện chỉ đạo này, nhiều địa phương đã cân đối ngân sách để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Đồng thời, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn, để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực.

Vấn đề đồng chi trả đối với thuốc ARV, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan căn cứ vào khả năng ngân sách, thực hiện thông qua quỹ khám chữa bệnh người nghèo, quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV và các quỹ khác thuộc địa phương (nếu có). Cục Phòng chống HIV/AIDS đã yêu cầu các đơn vị rà soát số lượng bệnh nhân có thẻ BHYT, chưa có thẻ BHYT và phân theo nhóm đối tượng bệnh nhân (người nghèo, cận nghèo, học sinh, người lao động…); từ đó xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá việc triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV cũng như đảm bảo kinh phí của các địa phương cho phần cùng chi trả thuốc kháng HIV.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nhiều cơ sở y tế đang gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện. Theo thống kê, tính đến tháng 6/2017, cả nước có khoảng 82% cơ sở điều trị HIV thuộc bệnh viện và trung tâm y tế 2 chức năng; 43 cơ sở điều trị thuộc trung tâm y tế 1 chức năng tại 9 tỉnh/thành phố đã ký được hợp đồng với cơ quan BHXH.

Có 9/29 trung tâm phòng chống HIV ký được hợp đồng và 5/9 trung tâm đang cung cấp dịch vụ qua BHYT. Có 43 cơ sở đào tạo thuộc trung tâm y tế một chức năng tại 9 tỉnh, thành phố và 9 tỉnh đã ký được hợp đồng với cơ quan BHYT gồm: Bạc Liêu, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế, Bắc Giang. 20 tỉnh có cơ sở điều trị chưa thực hiện ký hợp đồng với BHYT.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng, vì vậy, không ít cán bộ y tế chưa có chứng chỉ hành nghề. Theo đó, số cán bộ y tế này phải có thời gian thực hành tại bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề và những cơ sở y tế mới được cấp giấy phép khám chữa bệnh.

Cơ sở điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện nhưng hoạt động theo dự án khi chuyển sang khám chữa bệnh BHYT phải được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh HIV/AIDS mới đủ điều kiện thanh toán BHYT. Người bệnh nhiễm HIV trước đây được dự án, tổ chức quốc tế hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, đến nay nếu được thanh toán từ quỹ BHYT thì phải tham gia BHYT, mà người nhiễm HIV thường khó khăn về tài chính nếu phải mua thẻ BHYT thường xuyên, đầy đủ.

Một số địa phương hiện nay còn hiểu chưa đúng về khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh HIV/AIDS, cho rằng không cần thiết phải ký hợp đồng với cơ quan BHXH. Vì thế, điều cần thiết nhất hiện nay vẫn là vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT, như vậy mới có thể đảm bảo được mục tiêu 90 – 90 – 90 đã đề ra.

(https://laodong.vn/suc-khoe/cat-vien-tro-benh-nhan-hiv-lao-dao-khi-khong-co-bao-hiem-y-te-563186.ldo)

/ Theo Bạch Dương//Báo Lao động