Can thiệp sâu hơn vào vấn đề Triều Tiên, Nga muốn cho Mỹ thấy rằng họ có thể đóng góp hoặc cản trở chính sách đối ngoại của Washington. 

Bom hạt nhân Triều Tiên (26 tin)
cay gay va cu ca rot cua putin trong cuoc khung hoang trieu tien
Ông Putin dường như muốn can thiệp sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Ảnh minh họa: CNN.

"Họ sẵn sàng ăn cỏ, nhưng họ sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình chừng nào chưa cảm thấy an toàn", Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/9 bình luận về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, sau khi Mỹ kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận khắc nghiệt hơn với Bình Nhưỡng vì đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố này của ông Putin là dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm cách khẳng định vai trò lớn hơn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng động cơ của Tổng thống Putin đằng sau nỗ lực này không phải là nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng, mà là nhằm gia tăng tiếng tăm của Moscow và tranh đoạt ảnh hưởng khu vực từ tay Washington, theo Washington Post.

Cả Mỹ cùng các đồng minh lẫn Triều Tiên đều đang ứng phó với sự can thiệp ngày càng tăng của Nga bằng chính sách khá phức tạp. Đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, sự giúp đỡ chân thành của Nga trong vấn đề Triều Tiên sẽ được hoan nghênh, nhưng họ chưa nhìn thấy được sự chân thành đó từ phía Moscow.

"Họ muốn tham gia vào đàm phán, họ muốn có vai trò, muốn tạo được ảnh hưởng để đóng vai trò hoặc là kẻ phá bĩnh hoặc là người trung gian đàm phán", một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ nhận xét về nỗ lực của Nga. "Họ rõ ràng là rất muốn có gì đó".

Những dấu hiệu về việc Nga gia tăng can dự vào vấn đề Triều Tiên rất dễ nhận thấy. Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thành phố Hạ Môn một ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, ông Putin đã dùng những lời lẽ gay gắt để chỉ trích lệnh cấm vận Triều Tiên do Mỹ đề xuất là "vô dụng và không hiệu quả", đồng thời kêu gọi thế giới đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.

Bình luận viên Josh Rogin cho rằng những tuyên bố của ông Putin còn quyết liệt hơn cả tuyên bố của phía Trung Quốc, khi Bắc Kinh chỉ cho rằng lời đe dọa của ông Trump về việc cắt giao thương với các nước làm ăn với Bình Nhưỡng là "không thể chấp nhận được" nhưng cũng khẳng định các biện pháp cấm vận thêm với Triều Tiên sẽ được thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ba quan chức chính quyền Mỹ cho biết ngoài các tuyên bố công khai, Nga cũng đã tìm cách can thiệp sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên thông qua kênh ngoại giao bí mật. Chính quyền của Tổng thống Putin hồi đầu tháng 9 mời đại sứ Joe Yun, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách Triều Tiên, tới Nga để thảo luận về cơ hội đàm phán với Bình Nhưỡng. Ông Yun ban đầu chấp thuận lời mời, nhưng chuyến thăm sau đó bị hoãn và chưa được lên lịch lại.

Nga cũng đã mời Choe Son Hui, phó cục trưởng Cục Các vấn đề Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, tới thăm nước này vào cuối tháng 9, một quan chức Mỹ cho biết. Mục đích của chuyến thăm là thăm dò ý của Bình Nhưỡng về khả năng nối lại đối thoại Mỹ - Triều. Bản thân ông Putin hôm qua cũng đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một hội nghị đã được lên kế hoạch từ lâu ở Vlapostok.

"Điều này trao cho Nga cơ hội để họ cho Mỹ thấy rằng họ có thể đóng góp hoặc cản trở chính sách đối ngoại của Washington", Paul Saunders, giám đốc Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, nhận định. "Từ quan điểm chính sách đối ngoại của Moscow, đó là cách họ thực thi chính sách \'cây gậy và củ cà rốt\' với Washington".

Hoài nghi

cay gay va cu ca rot cua putin trong cuoc khung hoang trieu tien
Ông Putin (trái) và ông Trump trong một cuộc gặp song phương. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, nỗ lực tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên của Nga đến nay vẫn chỉ nhận được sự hoài nghi của Mỹ. Cả Washington và Seoul cho rằng đề xuất của Moscow về việc Mỹ - Hàn ngừng tập trận để đổi lấy việc Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa là không thể chấp nhận được.

Các quan chức chính quyền Mỹ khẳng định đối thoại với Triều Tiên không phải là phương án được cân nhắc vào thời điểm này, bởi Washington đang tập trung vào việc gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng và hợp tác với Bắc Kinh để thực thi nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an. Bởi vậy, Mỹ không mặn mà gì với vai trò ngoại giao của Nga trong cuộc khủng hoảng.

Khả năng phối hợp giữa Nga và Mỹ để giải quyết vấn đề Triều Tiên cũng ngày càng khó khăn hơn do cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với Moscow cũng như cuộc chiến trả đũa ngoại giao đang diễn ra giữa hai nước.

Các chuyên gia cho rằng Nga chắc chắn biết rõ điều này, thế nên nỗ lực can thiệp của Moscow thể hiện một điều rằng ông Putin chỉ quan tâm đến việc giúp nước Nga tự khẳng định mình và thể hiện vị thế trước Mỹ, hơn là tìm ra giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng.

Nếu Nga có thể xác lập được vai trò quan trọng trong vấn đề Triều Tiên, họ có thể sử dụng nó như một lá bài mặc cả trong các vấn đề khác. Putin cũng có thể biến những lời chỉ trích lệnh cấm vận của Mỹ cũng như giọng điệu cứng rắn của Trump trong vấn đề Triều Tiên để gây chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh trong khu vực như Nhật và Hàn Quốc.

"Đây là một phần trong chính sách lớn của Putin", Dimitri Simes, chủ tịch Trung tâm An ninh Quốc gia Mỹ, nói. "Quan điểm của Nga đối với Mỹ là Washington đang hành xử không thể chấp nhận được và Moscow sẽ không chịu nhún".

Theo bình luận viên Rogin, trước thực tế này, chính quyền Trump cần phải mở ra cánh cửa để Nga trở thành một phần trong giải pháp cho vấn đề Triều Tiên, bởi sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên chỉ đem lại lợi ích khi có sự phối hợp về mặt chiến lược giữa Washington và Moscow. Rõ ràng, cả Nga và Mỹ đều có chung lợi ích trong việc đảm bảo chiến tranh sẽ không nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/cay-gay-va-cu-ca-rot-cua-putin-trong-cuoc-khung-hoang-trieu-tien-3638038.html

/ VnExpress