Nhiều bậc phụ huynh kể các câu chuyện 'tình yêu' của con nhỏ như những câu chuyện vui và thường đùa giỡn khi nghe con kể những câu chuyện này.
Đừng khắt khe nhưng cũng đừng đơn giản hóa chuyện tình cảm của trẻ - HOA NỮ
Học mẫu giáo đã có… "người yêu”
Câu chuyện của Nguyễn Thị Ngọc Lan (ở Thăng Bình, Quảng Nam) về cô con gái đang học mẫu giáo nhưng đã có “người yêu” khiến người viết ngạc nhiên.
Lan có con gái rất đáng yêu, lại múa đẹp, hát hay nên thường tham gia các chương trình biểu diễn văn nghệ của lớp, của trường, thế là nhiều bạn nam cùng lớp yêu mến.
Lan kể: “Mấy đứa nam trong lớp của con gái mình nhiều khi còn gây nhau chỉ vì không được Sơ Ri (con gái Lan) nhìn. Mới nhỏ thế đó chứ cũng đào hoa lắm, trai theo về nhà suốt à”.
Người viết thắc mắc: “theo về nhà?”, chị Lan gãy gọn: “đúng rồi, đi học về là đi theo về luôn”.
Nghe mẹ kể, Sơ Ri cũng nhanh nhảu nói: “Bạn con nói là muốn đưa con về đến tận nhà, nên lúc nào đi học về mấy bạn cũng đưa con về đến nhà. Lên lớp nhiều bạn nói thương con lắm ạ, bạn Hưng nói con đẹp gái nhất lớp và muốn cưới con làm vợ (cười kháu khỉnh)”.
“Thế con có thương bạn không?” chị Lan hỏi Sơ Ri, “Con không thương bạn Hưng, con thương bạn Hải Nam hơn vì bạn hiền và thường cho con kẹo. Hải Nam cũng nói con là người yêu của Hải Nam”, Sơ Ri hồn nhiên nói.
Cũng giống câu chuyện của chị Lan, chị Đoàn Thị Việt Anh (chung cư Bắc Rạch Chiếc, Q.9, TP.HCM) vô tư chỉ vào đứa con trai mới học mẫu giáo của mình và nói: “Nhìn thế nhưng có người yêu rồi đó”.
“Người yêu” mà chị Việt Anh nói là cô bạn nhỏ hơn một tuổi ở cùng khu chung cư. “Từ lúc chập chững đã chơi với nhau nên quý mến nhau, chưa bao giờ đánh hay chọc nhau khóc. Tụi nhỏ thương yêu nhau lắm. Lúc trước gửi cùng trường nên cứ sáng ra con nhỏ chạy qua gọi con mình đi học, hỏi thì nói con gọi \'người yêu\' con đi học”, chị Anh kể.
Con đã hôn má bạn “chụt chụt”
Chị Anh còn kể đứa cháu của chị năm nay học lớp 2 mà mỗi lần đi học về thấy mặt buồn là ba mẹ biết con bữa nay giận hờn bạn gái rồi.
“Ông anh mình kể vui lắm, có hôm vừa đón về đến nhà là con khóc nức nở, hỏi thì con nói bạn đó không chơi với con nữa, bạn đó bỏ con rồi, thậm chí có lúc còn không chịu ăn. Thế nhưng vài hôm sau về lại nói bữa nay con thích bạn khác rồi, bạn này dễ thương lắm, trong lớp cứ chống cằm ngồi nhìn con hoài”, chị Anh kể.
HOA NỮ |
Nói về chuyện chống cằm ngồi nhìn này, chị Lan cũng hài hước kể: “Sơ Ri cao nên thường được cô giáo xếp ngồi những dãy ghế dưới. Mà mấy bạn nam thương Sơ Ri lại thấp hơn nên cô xếp ngồi trên. Thế mà về khóc bù lu bù loa với phụ huynh để xin cho cô xếp ngồi gần Sơ Ri. Mà cô giáo kể ngồi gần Sơ Ri tụi nhỏ chỉ có chống cằm ngồi nhìn nên cô phải tách ra”.
Trần Thị Anh Thư (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) thì kể câu chuyện của cậu học trò mà Thư làm gia sư.
“Mình không dám tin luôn là cậu bé mới học lớp 2 mà ngày nào học cũng kể cho mình về cô bạn cùng lớp mà bé mến. Cậu bé bảo mình là thương và muốn cưới bạn làm vợ. Cậu bé bảo bạn gái của cậu dễ thương nhất lớp, lúc nào cũng cười và có mái tóc dài, hôm nào cũng được ba mẹ đưa đi học bằng ô tô”, Thư kể.
Điều khiến Thư ngạc nhiên nhất là cậu bé vô tư kể: “Con đã hôn má bạn chụt chụt và cầm tay bạn nữa”.
Đừng khắt khe nhưng cũng không đơn giản hóa vấn đề
Điều đặc biệt là chị Lan, chị Việt Anh hay nhiều bậc phụ huynh khác đều kể về những “câu chuyện tình trẻ con” này lúc có mặt con mình và thường đùa giỡn hay xem những câu chuyện này là chuyện vui, chuyện hài hước. Thế nhưng các bậc phụ huynh có nên đơn giản hóa vấn đề như vậy?
| |
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy |
Tiến sĩ xã hội học, chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy (Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM) cho rằng chuyện trẻ nhỏ thích bạn khác giới hoặc thích một chú, một bác nào lớn tuổi thì đó là yếu tố cảm xúc rất đơn thuần, trong sáng. Nên trong chuyện này thật sự chưa phải là chuyện yêu đương cũng vì thế mà nhiều cha mẹ thường chủ quan và nghĩ là không sao. Nhưng nếu cha mẹ đùa giỡn, cho rằng chuyện vui, chuyện cười khi trẻ nói về chuyện này thì sẽ làm trẻ hiểu không đúng về tình yêu.
Theo chị Thúy, trẻ có hai kiểu thích, một là cảm xúc thật sự rất trong sáng và hồn nhiên, nhưng những trường hợp các con học lại từ người lớn, từ phim ảnh và muốn bắt chước theo như thích làm đám cưới, thích hôn nhau,… thì đây là kiểu thích rất nguy hiểm.
Nên chị Thúy khuyên bố mẹ cần phân biệt là con thích theo kiểu gì, để định hướng con. Nếu con thích kiểu bắt chước thì bố mẹ phải điều chỉnh ngay và tuyệt đối không được chủ quan.
“Nhưng đặc biệt, nếu cha mẹ đùa giỡn hay ngược lại là kịch liệt ngăn cấm thì cả hai trường hợp đều không hay. Nếu gạt phắt đi và nói con không được thế này, không được thế kia thì sẽ khiến trẻ sợ, cảm thấy mình làm gì đó tội lỗi và sau này nếu con có thích một ai đó tương tự thì cũng giấu đi và không dám nói ra. Chính vì thế, nghiêm khắc và dọa nạt trẻ khi nghe trẻ nói về chuyện này là không nên tý nào. Cha mẹ đừng khắt khe nhưng cũng đừng đơn giản hóa vấn đề”, chị Thúy nhấn mạnh.
Theo chị Thúy trong những chuyện này, phụ huynh nên nhẹ nhàng hướng trẻ về tình bạn, về thích những bạn tốt để có được những tình bạn đẹp. Hãy giải thích cho các con biết là bố mẹ là những người lớn, trong bộ phim cô chú đó là người lớn và họ yêu nhau,… thì tình yêu đó là tình yêu nam nữ và đến khi lớn lên các con cũng như vậy. Để trẻ hiểu tuổi nào là yêu, tuổi nào là bạn.
Mẹo rèn kỷ luật cho trẻ nhỏ Thay vì la hét và nói "không" khi bắt gặp hành vi nào đó, bạn có thể đưa ra một số lựa chọn cho trẻ. |
Nghi vấn trẻ nhỏ nghịch lửa gây hỏa hoạn, hộ nghèo mất nhà trước Tết Căn nhà sàn lợp mái lá của một hộ dân nghèo ở Yên Bái bốc cháy dữ dội nghi do cháu bé nghịch lửa gây ... |