Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12 về việc tổ chức Tết năm 2018. Chỉ thị nêu rõ: Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức không trong sáng. Tuy nhiên, để dẹp nạn biếu xén quà Tết là việc làm không dễ. Vì sao?
Ai cũng biết tặng quà là nét văn hóa ứng xử đẹp của con người từ xưa đến nay. Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa tặng quà cũng phát triển đa dạng, muôn màu, muôn vẻ nhưng tựu trung lại, việc tặng quà bản chất của nó là xuất phát từ tình cảm giữa người tặng và người nhận. Người ta tặng quà trước hết là vì tình thân, vì muốn kết nối quan hệ, vì sự ngưỡng mộ... Việc tặng quà có thể vào những dịp lễ tết, sinh nhật, kỷ niệm...
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tặng quà không còn giữ được tính chất trong sáng vô tư nữa. Nó đã bị cuốn theo vòng xoáy của cơ chế thị trường, biến chất và có thể xem là một dạng hối lộ núp bóng tặng quà.Người tặng dùng giá trị món quà (thường là rất lớn) để mưu lợi cá nhân. Người nhận bằng quyền lực và ảnh hưởng của mình tìm mọi cách đáp ứng yêu cầu mà người tặng đặt ra sao cho tương xứng với giá trị món quà đã nhận. Và thế là bắt đầu một qui trình tha hóa. Lợi ích nhóm hình thành, tiêu cực, tham nhũng có được mảnh đất màu mỡ để phát triển.
Nhận thấy hệ lụy nguy hiểm của việc tặng quà nhất là vào dịp Tết cho cấp trên nên hằng năm các ngành các cấp đều có công văn, chỉ thị nghiêm cấm. Những năm gần đây Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tiếp ban hành các chỉ thị, quy định chặn việc biến tướng của biếu quà Tết. Điều đáng nói, dù đã cấm cấp dưới tặng quà cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới nhưng tình trạng biếu xén vẫn còn diễn biến phức tạp.
Vì sao vấn nạn quà tết không giảm? Lý giải về vấn đề này nhiều ý kiến cho rằng: Trước đây, các cơ quan có trách nhiệm đã đưa ra những quy định về vấn đề quà biếu khá chặt chẽ để kiểm soát. Nhưng trên thực tế rất khó thực hiện vì không có cơ quan chuyên trách để theo dõi việc đó. Hơn nữa, ở đây cũng chứa đựng quan hệ tình cảm, quan hệ con người nên rất khó rành rọt để kiểm soát nên trên thực tế rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, lý do của mọi lý do khiến vấn nạn quà Tết không giảm nó nằm ở ý chí của người nhận quà. Từ chối hay nhận quà là do thái độ và bản lĩnh của mỗi người. Nếu cương quyết ngay từ đầu, người ta cũng chỉ dám đến một lần, hai lần, lần thứ ba sẽ không dám đến nữa. Nhưng từ chối mà cửa vẫn mở, vẫn lấp la lấp lửng thì lần này không được, lần sau họ lại đến. Mà đến lần sau, ai cũng hiểu là quà sẽ to hơn lần trước!
Làm thế nào để chặn biếu xén quà Tết, ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng: Để thực hiện được chủ trương của Ban Bí thư không biếu tặng quà Tết lãnh đạo không phải dễ vì hiện tượng biếu quà Tết lãnh đạo có rất nhiều biến tướng.
Vì vậy cần phải có những giải pháp đồng bộ, không chỉ có lời kêu gọi là làm được. Trước hết, phải đoạn tuyệt với cơ chế xin - cho. Vì còn cho thì sẽ có người xin bằng hình thức quà biếu và xin được thì phải có quà biếu tương xứng với cái cho mà nhận được, như xin dự án, xin lên chức… Nhà nước có cơ chế chặt chẽ để người muốn cho, muốn xin đều không làm được. Nếu người cho không đúng quy định sẽ bị xử phạt rất nghiêm minh. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát tài sản của người có chức, có quyền ở các cấp. Công khai tài sản với cơ quan quản lý cấp trên và cư dân nơi cư trú. Cơ quan quản lý, cấp trên phải giám sát việc kê khai sao cho đúng, chính xác và làm rõ khi tài sản tăng giảm bất thường, nếu có tiêu cực thì phải làm rõ và xử lý nghiêm. Muốn chủ trương chặn biếu xén quà được thực hiện nghiêm trong thực tế cần phải có sự giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Cơ quan lãnh đạo, cấp trên cần lắng nghe dư luận của nhân dân để có sự kiểm tra, xác minh đến nơi đến chốn các dư luận mà nhân dân cho là lệch chuẩn của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền để chấn chỉnh.
Một điểm nữa cũng rất quan trọng đó là có giải pháp giáo dục cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giáo dục, quản lý đối với người đứng đầu, lãnh đạo các cấp. Cấp trên gương mẫu không nhận thì cấp dưới không thể đến được.
Khẳng định việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng chỉ đạo không chúc Tết lãnh đạo, không quà cáp biếu xén là một trong những biện pháp để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và việc này cũng được nhắc từ nhiều năm trước, nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng không khỏi băn khoăn: “Nói rồi thì mọi người có làm không, có ai giám sát không?
Các khóa trước cũng có chỉ thị yêu cầu cấm quà cáp, biếu xén cấp trên, nhưng không “lôi” ra được ai sai phạm cả.
Sau Tết Nguyên đán phải xem từ cấp Trung ương đến các cấp ủy tỉnh đã “lôi” ra được bao nhiêu bộ ngành và cá nhân nhận quà biếu?
Phải công khai cho dân biết và xử lý nghiêm túc chứ không thể để tình trạng chỉ thị rất nghiêm nhưng tổng kết các cơ quan chức năng lại thông tin “cả nước chưa phát hiện trường hợp sử dụng tiền, tài sản công, tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết vừa qua” thì dân khó mà tin được.
Thật vậy, đã là quy định thì phải có chế tài. Nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể chế tài cho hợp lý. Chẳng hạn biếu xén nếu có hiện vật khi phát hiện ra thì sẽ có hình thức xử lý như thế nào?
Tùy theo mức độ có hình thức xử lý khác nhau như: Từ phê bình đến khiển trách, cảnh cáo…hay công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Hoặc lập đường dây nóng để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi giám sát mới hiệu quả.
Tất nhiên, không thể đòi hỏi ngay một lúc mà loại bỏ được hoàn toàn những tiêu cực trong chuyện quà cáp, nhưng phải từng bước làm giảm dần, làm lành mạnh hóa quan hệ này.
Trong quá trình thực hiện điều quan trọng nhất nằm ở bản thân mỗi cán bộ phải thực sự gương mẫu. Bởi khi cấp trên đã kiên quyết từ chối, kiên quyết làm đúng quy định và không vì những món quà của cấp dưới để cho ra đời những quyết định không khách quan thì cấp dưới dần dần cũng chẳng dám biếu tặng quà nhiều đến như vậy.
Vì sao vấn nạn quà Tết không giảm? Một số ý kiến cho rằng, trước đây các cơ quan có trách nhiệm đã đưa ra những quy định về vấn đề quà biếu khá chặt chẽ để kiểm soát. Nhưng trên thực tế rất khó thực hiện vì không có cơ quan chuyên trách để theo dõi việc đó. Hơn nữa, ở đây cũng chứa đựng quan hệ tình cảm, quan hệ con người nên khó rành rọt để kiểm soát. Tuy nhiên, lý do của mọi lý do khiến vấn nạn quà Tết không giảm nó nằm ở ý chí của người nhận quà. Từ chối hay nhận quà là do thái độ và bản lĩnh của mỗi người. Nếu cương quyết ngay từ đầu, người ta cũng chỉ dám đến một lần, hai lần, lần thứ ba sẽ không dám đến nữa. Nhưng từ chối mà cửa vẫn mở, vẫn lấp la lấp lửng thì lần này không được, lần sau họ lại đến. Mà đến lần sau, ai cũng hiểu là quà sẽ to hơn lần trước! |
Mở 3 đường dây nóng tiếp nhận tố cáo tặng quà Tết Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, cho biết đã mở 3 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tham nhũng, ... |
Dẹp nạn “lấy miền xuôi nuôi miền ngược” Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử ... |