Những năm gần đây, mặc dù tình trạng lạm thu nhìn chung đã được chấn chỉnh khi năm nào báo chí cũng theo sát và các cơ quan chức năng liên tục đưa ra hàng loạt văn bản yêu cầu. Tuy vậy, không phải là không còn bất cập trong chuyện thu, chi đầu năm học khiến phụ huynh băn khoăn, bức xúc.
- Ban cha mẹ học sinh: Đại diện tiếng nói phụ huynh hay 'núp bóng' để lạm thu?
- Không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ mầm non
Mặc dù các khoản đóng góp trong nhà trường hiện nay đều là tự nguyện nhưng hiện vẫn có không ít phụ huynh băn khoăn về một số khoản đóng góp được ban đại diện huynh thu giúp. Trong đó, có những khoản chưa thật sự minh bạch hoặc không hợp lý.
Chẳng hạn như quỹ trường, mỗi năm học sinh phải đóng 2 lần vào đầu học kỳ I và học kỳ II, số tiền rơi vào khoảng 100 nghìn đồng/học sinh/học kỳ nhưng rất nhiều phụ huynh băn khoăn không biết nguồn quỹ này sẽ chi cho các hoạt động nào và việc chi tiêu liệu đã thực sự minh bạch? Thậm chí, một số nơi, cứ vào đầu năm lại vận động phụ huynh đóng góp tiền lắp điều hòa, máy chiếu.
Đành rằng, câu chuyện mua sắm điều hòa hay các trang thiết bị dạy học phục vụ học sinh trên lớp là chuyện cần làm vì bố mẹ nào cũng muốn con mình có điều kiện để được học tập tốt hơn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở cách trao đổi, cách mua, sử dụng qua từng năm và cách minh bạch các khoản thu đó; không ai chấp nhận được chuyện vào đầu năm học mới, phụ huynh lại phải è cổ đóng tiền điều hòa hay máy chiếu trong khi các lớp tốt nghiệp ra trường đều có cam kết tặng lại điều hòa cũ cho nhà trường…
Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, trước ngày khai giảng năm học mới 2023-2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn liên quan đến quản lý thu-chi đầu năm học để các nhà trường thực hiện cũng như phụ huynh có cơ sở để giám sát. Theo đó, 9 khoản tiền nhà trường được phép thu đầu năm học 2023-2024 gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; thu, chi học 2 buổi/ngày; thu, chi học phẩm; thu, chi nước uống học sinh; thu bảo hiểm y tế học sinh; thu chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; thu chi tài trợ; các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi các khoản thu khác phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.
Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng quy định 26 khoản thu trong năm học mới 2023-2024, các khoản thu này thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh. Mức thu được áp dụng với 2 nhóm học sinh, trong đó nhóm 1 đối với các trường ở khu vực nội thành và nhóm 2 đối với các huyện ngoại thành…
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Để tránh lạm thu đầu năm học, đối với khối giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Điều quan trọng là các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Cùng với đó, cố gắng xây dựng lộ trình tiến tới mọi khoản thu ở trường đều không dùng tiền mặt, qua đó góp phần khắc phục chuyện lạm thu. Đối với khối các trường đại học, cao đẳng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, Bộ GD&ĐT không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Tuy nhiên, các trường đại học khi có những khoản thu khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý trực tiếp các nhà trường có chức năng thanh tra, kiểm tra việc này. Riêng với các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường vi phạm.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân, giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh khó phân biệt, do đó việc xã hội hóa cần đảm bảo 3 yêu cầu: Đúng quy định, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, cơ quan chính quyền ở địa phương cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để có thể ngăn chặn kịp thời. Đối với cha mẹ học sinh, cần nắm rõ các quy định về các khoản được thu và không được thu trong nhà trường để từ đó thực hiện tốt vai trò phản biện và giám sát.
https://cand.com.vn/giao-duc/chan-chinh-tinh-trang-lam-thu-trong-truong-hoc-i706750/