Ngày 6/6/2023, Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ châu Âu về Việt Nam, do vợ chồng Hoàng Tiến Dũng - Lê Thị Huyến cầm đầu, thu giữ hơn 62kg ma túy các loại.
- Thủ đoạn mặc đồng phục "xe ôm" công nghệ vận chuyển ma túy
- Lực lượng công an phát hiện, khởi tố trên 13.000 vụ án liên quan đến ma túy
Đây chỉ là một trong số những vụ việc bị phát hiện vận chuyển qua đường hàng không. 5 tháng đầu năm 2023, số lượng ma túy thu giữ được trên tuyến đường hàng không tăng đột biến, lên tới hàng trăm kilogam mỗi vụ. Chỉ 3 tháng đầu năm, lượng ma túy thu giữ được đã lớn hơn của 5 năm trước cộng lại. Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã phải rất vất vả để đấu tranh với các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm với mục tiêu "chặn cung, giảm cầu".
Lật tẩy vỏ bọc ngụy trang
Hoàng Tiến Dũng (SN 1998, ở Thung Linh, Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) mở đại lý chuyên cung cấp nước tinh khiết tại thôn Thung Linh và nhận vận chuyển hàng đi các nơi làm vỏ bọc che giấu hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Ngoài ra, Dũng còn mở một quán ăn đêm mang tên "Dũng Huyến" tại thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho vợ bán bún, miến, cháo... để ngụy trang làm điểm giao dịch ma túy. Nguồn hàng của Dũng là từ châu Âu gửi về Việt Nam bằng đường chuyển phát bưu chính quốc tế. Ma túy khi gửi về nước sẽ được ngụy trang, cất giấu trong các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng.
Tiến hành phá án, Cơ quan CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nắm được thông tin trong 2 kiện hàng được gửi từ Hà Lan và Cộng hòa Séc về Việt Nam cho Hoàng Tiến Dũng qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đều chứa ma túy. Một kiện có khoảng 40kg ma túy (giấu trong các loại hàng hóa, thực phẩm, đồ uống), một kiện nữa gồm 10 thùng bia và 1 cây máy tính (đều chứa ma túy). Mặc dù thông tin ghi trên kiện hàng mỗi lần một tên tuổi, địa chỉ khác nhau và đều là địa chỉ "ma" nhưng thủ đoạn của các đối tượng vẫn bại lộ.
Thực hiện kế hoạch phá án, 16h25' ngày 4/5, tại khu vực xã Hưng Long, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cơ quan CSĐT bắt giữ Lê Thị Huyến, thu giữ 19,884kg ma túy tổng hợp (MTTH) các loại, được ngụy trang trong các vỏ lon bia và máy pha cà phê. Tiếp tục đấu tranh mở rộng, từ ngày 4/5 đến 7/5, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục bắt giữ các đối tượng: Hoàng Tiến Dũng, Trần Văn Tuấn (SN 2004, ở cùng xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), Đào Ngọc Long (SN 1988, ở chung cư Ruby2, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), thu giữ thêm 42,135kg MTTH các loại giấu trong trà sữa, cà phê. Khám xét quán ăn đêm mang tên "Dũng Huyến", cơ quan Công an thu giữ 0,13 gam MTTH cùng một số dụng cụ sử dụng ma túy.
Trước đó, liên quan vụ tìm thấy ma túy trong hành lý của 4 tiếp viên hàng không từ Pháp về TP Hồ Chí Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến ngày 3/6, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 57 vụ án, khoảng 200 bị can về tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm. Qua đó, triệt phá 20 đường dây ma túy liên quan trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Bình Dương; thu giữ gần 50kg MTTH các loại, 2 khẩu súng và nhiều tang vật liên quan. Điều tra bước đầu xác định, từ giữa năm 2022 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã mua bán hơn 109.000 viên thuốc lắc, 80kg ketamine, ma túy đá và 3.000 gói "nước vui" với tổng số tiền giao dịch khoảng hơn 52 tỷ đồng…
"Trùm cuối" điều hành từ nước ngoài
Một lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm ma túy đang ngày càng tinh vi. Những ông trùm thường ở nước ngoài, điều hành từ xa, không trực tiếp vận chuyển mà thuê người đi gửi và nhận hàng. Khi gửi hàng ở các công ty vận chuyển, luôn có mã vận đơn nên đối tượng có thể tra cứu được kiện hàng đi đến đâu hay đang ách tắc ở đâu, có bị nghi ngờ gì không? Sim điện thoại người nhận kiện hàng thường là sim rác, người nhận tên giả, địa chỉ giả. Nếu thấy không an toàn, các đối tượng sẵn sàng bỏ hàng, hoặc thuê xe ôm đến nhận thay.
Để tránh sự theo dõi, kiểm soát, các ông trùm thường chủ động, bí mật đặt trước lịch trình chuyến bay, điểm hẹn, sử dụng mạng xã hội Zalo, Viber, Telegram, Facebook... để điều hành người vận chuyển đi lòng vòng các nước khác nhau nhằm xoá đi nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa có giấu ma túy. Tại Việt Nam, đối tượng thuê shipper nhưng quá trình di chuyển vẫn cử người đi theo và thay shipper liên tục đến khi nào thấy an toàn mới nhận hàng. Vì vậy, việc bắt giữ các vụ ma túy này thường chỉ bắt được shipper, người nhận hàng, chứ rất khó bắt giữ được các ông trùm.
Theo lý giải của lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, tình hình tội phạm ma túy hoạt động trên tuyến hàng không diễn biến ngày càng phức tạp có nguyên nhân từ 4 trung tâm sản xuất ma túy của thế giới, đặc biệt là châu Âu, hiện được xem là trung tâm sản xuất MTTH. Với máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, độ tinh khiết, độ "phê" cao, giá thành lại rẻ và các tuyến bay từ châu Âu về Việt Nam rất thuận tiện. Bởi vậy, tội phạm ma túy thường lợi dụng vận chuyển hàng về 2 cảng hàng không là sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng ma túy ở trong nước rất lớn với hơn 200.000 người nghiện và gần 60.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong thực tế, con số này còn lớn hơn rất nhiều.
Một nguyên nhân khiến tình hình phức tạp là lợi nhuận. Ở châu Âu giá ma túy cực rẻ, khi về tới Việt Nam, giá đã tăng lên gấp 5-10 lần. Ngoài ra, hình phạt dành cho tội vận chuyển ma túy ở châu Âu nhẹ, không như quy định của pháp luật Việt Nam nên công tác phối hợp quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm ma túy còn chưa kịp thời, triệt để, khiến các ông trùm thường lợi dụng để vận chuyển ma túy vào Việt Nam kiếm lời. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật của các công ty dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, nhận thức của khách đi máy bay còn đơn giản, nghĩ rằng xách hàng hộ nếu không biết thì không có tội. Do vậy, tội phạm ma túy trên tuyến này ngày càng gia tăng.
Nhận diện thủ đoạn mới
Xác định thời gian tới, tuyến hàng không, bưu điện sẽ là địa bàn trọng điểm mà các đối tượng tội phạm ma túy "ưu tiên" hoạt động, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt sẽ quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện hoạt động trên tuyến để phòng ngừa, ngăn chặn. Cơ quan Công an cùng lực lượng Hải quan, Cảng hàng không, Bưu chính viễn thông thành lập các Tổ công tác liên ngành để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của loại tội phạm nguy hiểm này. Bộ Công an cũng đang đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương quản lý chặt chẽ và có chế tài nghiêm khắc đối với các công ty để đối tượng lợi dụng vận chuyển ma túy như thu hồi giấy phép kinh doanh, thu giữ toàn bộ hàng hóa liên quan tới hàng có chứa ma túy…
Một thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng, đó là thông qua mạng xã hội để kết bạn với phụ nữ có hoàn cảnh éo le, sau đó đưa đi nước ngoài "du lịch miễn phí còn được thêm tiền". Trên đường đi, chúng sẽ giao vali, hàng hóa có ma túy để họ vận chuyển. Đương nhiên, khi bị bắt, với tang chứng, vật chứng đầy đủ, người phải lãnh án chính là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin đó. Các đối tượng còn lợi dụng sinh viên, học sinh đi du học, hay người Việt Nam sang lao động nước ngoài về nước để mua suất hành lý ký gửi. Trong hành lý có chứa ma túy, nhưng khi bị cơ quan chức năng phát hiện, chính hành khách cũng không biết hàng của ai bởi chúng rất tinh vi, luôn xóa dấu vết khi gửi hàng. Tội phạm cũng lợi dụng lòng tốt của những người mới đi máy bay, thiếu kinh nghiệm hay người già, người tàn tật, người có con nhỏ, nhờ trông, xách hộ hành lý chứa ma túy để qua mặt lực lượng chức năng…
Cơ quan Công an khuyến cáo, trong bất kỳ trường hợp nào, khi người lạ nhờ cầm, trông hộ hành lý nên từ chối; khi bán suất hành lý ký gửi cũng phải biết người gửi là ai, ở đâu và nên cùng đóng gói để xác định hàng hóa có chứa chất cấm hay không. Khi các đối tượng giả danh người có hoàn cảnh gửi đồ, cần liên hệ nhân viên sân bay để hỗ trợ và xử lý.