Những dòng người tuần hành này đã đi qua các khu phố Hồi giáo, trong đó một số người hô vang các khẩu hiệu phân biệt chủng tộc đối với người Palestine và người Arab, trước khi đến bức tường phía Tây trong khu phố Do Thái, nằm ở phía bên kia thành phố cổ. Và điều gì phải đến cũng đã đến. Đụng độ đã nổ ra khi người Palestine ném đồ vật từ trên các mái nhà vào đoàn diễu hành.

“Jerusalem, đền thờ Al-Aqsa và máu của người Palestine là giới hạn đỏ”. Đây là cảnh báo đối với Israel của người phát ngôn phong trào Hamas ở Dải Gaza Fawzi Barhum trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Palestine mới đây lại tiếp tục leo thang, khi một loạt các cuộc đụng độ xảy ra giữa hai bên ở khu vực Núi Đền, sau cuộc diễu hành của hàng chục nghìn người Do Thái Israel tại những con phố chính ở thành cổ Jerusalem nhân Ngày Jerusalem, một ngày lễ của Israel đánh dấu việc chiếm được thành phố cổ trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.

1.jpg -0
Hàng nghìn người Israel đổ về đền thờ Al-Aqsa để diễu hành và đụng độ với người Palestine. Nguồn: Reuters

Truyền thông quốc tế ngày 30/5 đưa tin, có ít nhất 50.000 người đã tham gia vào sự kiện kỷ niệm Ngày Jerusalem hôm 29/5 vừa qua. Những dòng người tuần hành này đã đi qua các khu phố Hồi giáo, trong đó một số người hô vang các khẩu hiệu phân biệt chủng tộc đối với người Palestine và người Arab, trước khi đến bức tường phía Tây trong khu phố Do Thái, nằm ở phía bên kia thành phố cổ. Và điều gì phải đến cũng đã đến. Đụng độ đã nổ ra khi người Palestine ném đồ vật từ trên các mái nhà vào đoàn diễu hành.

Trong khi đó, những người Israel xịt hơi cay để đáp trả. Hơn 2.000 cảnh sát Israel đã được huy động để bảo đảm an ninh cho sự kiện này và đến nay đã bắt giữ hơn 50 người do có hành vi gây rối trật tự. Cảnh sát cũng đã đuổi người Palestine ra khỏi khu vực vốn thường là con đường nhộn nhịp của người Palestine. The Guardian dẫn số liệu từ tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết, 62 người nước này đã bị thương trong đó có 23 người phải điều trị y tế. Về phía Israel, 5 sỹ quan cảnh sát đã bị thương.

Liên quan đến vụ việc này, người phát ngôn phong trào Hamas ở dải Gaza Fawzi Barhum cảnh báo, phong trào này sẽ không làm ngơ trước những hành vi lạm dụng của lực lượng Israel: “Jerusalem, đền thờ Al-Aqsa và máu của người Palestine là giới hạn đỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ Jerusalem và Al-Aqsa bằng tất cả lực lượng của mình”.

Còn ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cáo buộc chính quyền Israel đang "đùa với lửa” và bác bỏ nhận định của Thủ tướng Israel Naftali Bennett rằng Jerusalem là thành phố thống nhất mãi mãi. Ngoài ra, ông Rudeineh quả quyết: “Những nhận định của Israel không bao giờ đem lại tính hợp pháp cho việc chiếm đóng thành phố Jerusalem” và Mỹ cần phải chịu trách nhiệm “ngăn chặn các hành vi vi phạm của Israel, cũng như ngừng áp dụng các chính sách tiêu chuẩn kép”.

Diễn biến trong Ngày Jerusalem năm nay đã gợi nhớ lại hình ảnh ngày này vào năm ngoái khi các cuộc đụng độ giữa hai bên đã dẫn đến cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa phong trào Hamas và quân đội Israel khiến ít nhất 126 người Palestine ở dải Gaza (trong đó có 31 trẻ em) thiệt mạng và gần 1.000 người khác bị thương. Trước tình hình này, cộng đồng quốc tế đều lo ngại rằng nếu hai bên không thực hiện các biện pháp kiềm chế, xung đột có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, làm trầm trọng hơn những bất ổn an ninh tại khu vực.

Lý giải cho câu hỏi vì sao cuộc xung đột Israel-Palestine khó giải quyết, giới phân tích đưa ra ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, xung đột bắt nguồn từ những mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng từ xa xưa trong lịch sử liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa. Thứ hai, bản thân mâu thuẫn nội bộ của cả Israel lẫn Palestine luôn là rào cản đối với khả năng giải quyết xung đột. Thứ ba, toan tính của các nước khu vực và các nước có lợi ích liên quan là yếu tố chi phối và tác động lớn.

The Guardian dẫn lời giới chuyên gia nhận định, xung đột Israel - Palestine đã trở thành một vấn đề có tính chất dai dẳng và việc thiếu ý chí chính trị để thay đổi đường lối đã tạo cơ hội cho các phần tử cực đoan, đồng thời làm xói mòn nhận thức của người Palestine cũng như người dân Israel về việc có thể giải quyết được cuộc xung đột này. Do đó, các bên liên quan cần theo đuổi một cách tiếp cận có chiến lược.

Quan điểm này cũng trùng khớp với một phát ngôn gần đây của Đặc phái viên Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland. "Một mặt, những bước đi trước mắt để đảo ngược các xu hướng tiêu cực và ủng hộ người Palestine là cần thiết, nhưng mặt khác không thể thiếu cách tiếp cận chiến lược có tính phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các bên và cộng đồng quốc tế", ông Wennesland nói.

Theo đó, đặc phái viên Wennesland cho rằng cần mở rộng hoạt động cứu trợ kinh tế theo hướng bền vững hơn. Một khuôn khổ kháp lý về mối quan hệ kinh tế Israel-Palestine đã được thống nhất và cập nhật không chỉ có vai trò quan trọng giúp mang tới lợi ích kinh tế có ý nghĩa cho người Palestine mà còn bổ sung một quan điểm chính trị cụ thể cho các bước đi kinh tế này.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận như vậy còn cần phải được kết hợp với các bước đi chính trị và an ninh nhằm giải quyết các nguyên nhân cốt lõi dẫn tới xung đột. Cuối cùng, các bên phải hướng tới chấm dứt việc chiếm đóng cũng như đạt được giải pháp hai nhà nước như đã thương lượng.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chao-lua-trung-dong-lai-soi-suc-i655481/

Linh Đan / cand.com.vn