Châu Á - lục địa lớn và đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt với tác động chết người của thời tiết mùa hè cực đoan. Chính phủ nhiều nước cảnh báo người dân chuẩn bị cho những điều tồi tệ hơn chưa tới.

Nóng thiêu đốt và mưa kỷ lục

Sóng nhiệt, mưa lũ, lở đất xảy ra ngày càng nhiều ở châu Á, đe dọa tính mạng và cuộc sống của hàng tỷ dân, đặc biệt là người nghèo. Trong tháng 7 này, mưa lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người và gây lũ quét, lở đất và mất điện. Ở Hàn Quốc, đợt mưa lũ lớn tại miền Trung và miền Nam nước này trong vài ngày gần đây đã khiến 44 người chết và 6 người mất tích, hàng nghìn người phải sơ tán. Đặc biệt hôm 15-7 vừa rồi, nước lũ làm ngập hầm đường bộ ở thành phố Cheongju khiến 17 chiếc xe đang lưu thông qua hầm không kịp chạy thoát, 14 người đã thiệt mạng.

Châu Á đối mặt với tác động chết người của thời tiết cực đoan ảnh 1

Người dân được sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng do mưa lớn ở Trùng Khánh, Trung Quốc

Tại Nhật Bản, mưa lớn kỷ lục ở khu vực Tây Nam đất nước tuần trước gây ra lũ lụt nghiêm trọng và khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Hiện tượng thời tiết cực đoan cũng được ghi nhận ở nhiều khu vực châu Á, từ Philippines và Campuchia ở phía Nam, nơi lũ lụt khiến giao thông gián đoạn ở các thành phố lớn như Manila và Phnom Penh, đến Ấn Độ ở phía Bắc, nơi lượng mưa kỷ lục gây tê liệt cuộc sống ở một số bang và cướp đi mạng sống của hàng chục người. Thủ đô New Delhi của Ấn Độ hôm 10-7 ghi nhận ngày tháng 7 mưa nhiều nhất trong hơn 40 năm. Mưa lớn đã khiến nhiều trường học phải đóng cửa và nhiều người không còn nơi ở.

Trong khi một số khu vực hứng chịu mưa lớn chết người, những nơi khác lại đối mặt với nắng nóng gay gắt. Ít nhất 5 trạm khí tượng ở Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ trên 50 độ C trong ngày 17-7, trong đó trạm ở vùng Đông Bắc ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 52,2 độ C. Bắc Kinh đã chứng kiến mùa hè nóng kỷ lục, với nhiệt độ đầu tháng 7 vượt 40 độ C, khiến giới chức phải ban hành cảnh báo đỏ trong hai tuần. Nắng nóng cũng tấn công nhiều khu vực ở Nhật Bản. Nhiệt độ sáng 17-7 đã tăng lên mức 39,7 độ C ở thành phố Kiryu, tỉnh Gunma trên Honshu, đảo lớn nhất và đông dân nhất Nhật Bản. Thị trấn Hatoyama, tỉnh Saitama, cũng ghi nhận mức nhiệt 39,6 độ C. Số trường hợp bị say nắng ngày càng tăng ở nhóm người cao tuổi Nhật Bản, đối tượng hiện chiếm 28% dân số.

Các nhà khoa học cảnh báo tần suất và cường độ thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Trong báo cáo khí hậu hàng năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, thế giới đang trên đà vượt ngưỡng báo động khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao so với mức tiền công nghiệp. Còn trong một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Communications Earth & Environment hồi cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã phân tích 4 bộ dữ liệu nhiệt độ được thu thập trên toàn bộ vòng Bắc Cực bởi các vệ tinh kể từ năm 1979. Họ kết luận rằng Bắc Cực đã ấm lên trung bình 0,75 độ C mỗi thập kỷ, nhanh hơn gần 4 lần so với phần còn lại của Trái đất.

Thậm chí hồi năm ngoái, từ điển tiếng Anh Collins đã chọn từ của năm là “permacrisis”, có nghĩa là “khủng hoảng kéo dài”, hàm ý về các cuộc khủng hoảng phức hợp bao gồm khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đại dịch Covid-19, chiến sự ở Ukraine và biến đổi khí hậu. Báo cáo của tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central thì cảnh báo trong năm 2022, có 7,6 tỷ người, tương đương 96% dân số thế giới, chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, từ nắng nóng cho tới lũ lụt.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Tiếc thay, những hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên diễn ra trong bối cảnh có sự giúp sức của con người khiến chúng trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Theo các nhà khoa học, không có nghi ngờ gì nữa nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng bất thường này là do biến đổi khí hậu và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi hành tinh ấm lên. Một nghiên cứu khoa học khí thải nhà kính của con người, đặc biệt là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đã làm tăng nhiệt độ Trái đất lên hơn 1,2 độ C (2,2 độ F) so với thời tiền công nghiệp. Trừ khi nhân loại thay đổi hoàn toàn cách con người đi lại, sử dụng năng lượng và sản xuất lương thực, nếu không nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng hơn 3 độ C (5,4 độ F), dẫn đến những thảm họa kinh thiên động địa.

 

Mạng lưới phân bổ thời tiết thế giới (WWA), một liên minh gồm các nhà khoa học chuyên tiến hành các phân tích nhanh để xác định biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến thời tiết khắc nghiệt, đã kêu gọi các quốc gia giảm một nửa lượng khí thải vào cuối thập niên này và loại bỏ triệt để ô nhiễm đang làm hành tinh nóng lên vào giữa thế kỷ 21. Theo WWA, con người chỉ được phép đưa thêm khoảng 500 gigaton CO2 vào bầu trời để giữ sự nóng lên dưới ngưỡng kiểm soát được. Tiếc rằng, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái trong khi nhiều chính phủ vẫn phê duyệt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới khiến thế giới không thể đạt được mục tiêu này.

Trong bối cảnh bức tranh khí hậu không mấy khả quan, có một điểm sáng là kết quả Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27), diễn ra tại Ai Cập tháng 11 năm ngoái. Hội nghị đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt, bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Vấn đề bồi thường khí hậu dù lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo chính thức nhưng đã đạt được bước tiến lịch sử và được coi là hy vọng mới trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Thỏa thuận cuối cùng của COP27 đã nhất trí thành lập quỹ “Tổn thất và thiệt hại”. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù chung, bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và nhiều hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Việc thành lập quỹ đền bù khí hậu đã cho thấy, tiếng nói của những nước đang phát triển bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu đang dần lớn hơn.

Trên quy mô toàn cầu, nhiều biện pháp chống biến đổi khí hậu đã được các quốc gia hưởng ứng. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện, năng lượng sinh học… Những nguồn năng lượng này không gây ra khí thải và không gây hại cho môi trường. Đồng thời, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo còn giúp giảm chi phí và làm tăng sự đa dạng trong nguồn cung cấp năng lượng. Nhiều chính phủ các nước đã đưa ra các chính sách khuyến khích mọi người tham gia vào việc giảm thiểu khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường sống.

Tuy nhiên, đây là cuộc chiến dài lâu, không thể một sớm, một chiều nên việc chủ động để thích ứng với biến đổi khí hậu là điều mà các nước cần quan tâm. Đó là việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất và sinh hoạt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, sinh thái mới; sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu mặn cao, các giống ngắn ngày tránh lũ; cũng như đảm bảo cơ sở hạ tầng để duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện thời tiết cực đoan.

https://www.anninhthudo.vn/chau-a-doi-mat-voi-tac-dong-chet-nguoi-cua-thoi-tiet-cuc-doan-post546350.antd

HOÀNG SƠN / ANTD