Mặc dù tiềm lực kinh tế của phương Tây mạnh hơn Nga nhưng chỉ riêng tiền bạc không thể giải quyết được vấn đề năng lượng mà châu Âu đang đối mặt.
- Nga - Ukraine cáo buộc nhau nã pháo nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
- Cấm vận gặp nhiều rắc rối, châu Âu âm thầm nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga
Liệu các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang áp lên Nga có hiệu quả hay không? Liệu phương Tây có thể khiến Nga dừng chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraine? Trong những tuần qua, câu trả lời cho những câu hỏi này ngày càng trở nên cấp bách hơn. Mỗi ngày, trong khi những tổn thất trong cuộc xung đột ở Ukraine chỉ tăng thêm thì những rạn nứt trong lòng phương Tây cũng ngày càng lớn và cuộc chiến này có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Ảnh minh họa: Reuters
Hòa bình hay điều hòa?
Những nghi ngờ cũng ngày càng gia tăng về việc liệu châu Âu có sẵn sàng hy sinh các lợi ích kinh tế của mình.
"Chúng ta muốn hòa bình hay điều hòa", Thủ tướng Italy Mario Draghi đặt câu hỏi hồi tháng 4/2022.
Câu trả lời hiện nay dường như là vế sau.
Châu Âu đã quyết định chọn "điều hòa" và không áp lệnh cấm vận lên khí đốt Nga. Và khi mùa đông đến gần, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ trở nên thận trọng hơn trước việc duy trì hoạt động của các nhà máy điện trong khi cố gắng tránh nguy cơ phải áp dụng chế độ phân phối khí đốt. Họ cũng lo ngại tình trạng bất ổn xã hội do giá năng lượng tăng cao.
Ngay từ đầu, EU đã đặt ra những ngoại lệ trong việc áp trừng phạt Nga, theo đó cho phép những quốc gia nằm ngoài khối làm ăn với các thực thể bị trừng phạt, trong đó có các ngân hàng và công ty nhà nước của Nga như Rosneft. Theo Bloomberg, những ngoại lệ với các thực thể này "có vai trò quan trọng để vận chuyển lương thực, nông sản và dầu mỏ tới các nước thứ ba ngoài EU".
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi phản ứng mạnh mẽ hơn trước sự bất ổn kinh tế toàn cầu cũng như hành động quyết đoán hơn nhằm đối phó với Nga. Ngày 13/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp đang trong tình trạng "kinh tế thời chiến" để đối phó với những tác động từ cuộc chiến ở Ukraine và tăng cường sự tự tri chiến lược. Ngày 6/7, chính phủ Pháp thông báo sẽ quốc hữu hóa công ty điện hạt nhân Électricité de France (EDF).
Trong khi đó, ngày 22/7, chính phủ Đức đã phải cung cấp gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro cho công ty nhập khẩu năng lượng Uniper.
Trên thực tế, những biện pháp này chỉ phản ánh mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế châu Âu liên quan đến vấn đề năng lượng. Sau Mỹ và Trung Quốc, EU là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới. Nhiều nguồn cung năng lượng của EU đến từ các nước không phải là thành viên của liên minh, đáng chú ý nhất là Nga.
Mặc dù tiềm lực kinh tế của phương Tây mạnh hơn Nga nhưng chỉ riêng tiền bạc không thể giải quyết được vấn đề giảm nguồn cung năng lượng do các lệnh trừng phạt và những kế hoạch cắt giảm xuất khẩu năng lượng của điện Kremlin.
Chạy đua với thời gian
Châu Âu đang chạy đua với thời gian khi các nước này không chỉ cần những chiến thắng quan trọng của Ukraine trên chiến trường mà còn cả những kết quả nhanh chóng từ các lệnh trừng phạt Nga. Tuy nhiên, liệu các lệnh trừng phạt có hiệu quả hay không vẫn là một vấn đề cần tranh luận.
Các quan chức cấp cao Ukraine thừa nhận, Kiev đang phải chạy đua với thời gian trong cuộc chiến này. Tuần trước, ông Andrii Yermak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, "sẽ là một sai lầm nếu để Nga kéo chúng ta sang mùa đông năm sau trong khi điều này phải được giải quyết trong năm 2022".
Ông và các cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống Zelensky đều ủng mạnh mẽ việc thực hiện các lệnh trừng phạt và cho rằng chúng đang phát huy hiệu quả.
"Tương lai của Ukraine phụ thuộc vào các lệnh trừng phạt", một quan chức Ukraine đánh giá.
"Nếu chúng ta nhìn vào những con số và dự báo trong năm nay, chúng ta sẽ thấy nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ giảm 10 - 15%", một quan chức khác bình luận.
Quan chức này liệt kê ra một loạt dẫn chứng: "Tỷ lệ thất nghiệp của Nga sẽ tăng tới 10%. Hơn 4 triệu người mất việc làm. Chúng ta sẽ chứng kiến thu nhập của người dân Nga giảm 7%, ít nhất là theo dự báo. Các doanh nghiệp quốc tế đã và đang rời Nga. Các lệnh trừng phạt sẽ hạn chế Nga tiếp cận các công nghệ mới, gây sức ép lớn cho toàn bộ nền kinh tế nước này".
Các quan chức Ukraine cũng thừa nhận các biện pháp trừng phạt sẽ phát huy hiệu quả lớn hơn nếu chúng được thắt chặt và những lỗ hổng được ngăn chặn.
"Nga đang thu về doanh thu cao hơn trước đó từ dầu mỏ và khí đốt bởi các giao dịch thương mại và những lỗ hổng trừng phạt", một quan chức Ukraine thừa nhận.
Một nghiên cứu được các nhà nghiên cứu Đại học Yale công bố vào tuần trước cho rằng nền kinh tế Nga đang bị tê liệt và bác bỏ những nhận định của Moscow rằng phương Tây đang tổn thất nhiều hơn trong cuộc chiến tiêu hao ở Ukraine. Theo nghiên cứu này, vị thế của Nga với tư cách là một nhà xuất khẩu hàng hóa đã bị suy giảm khi nước này buộc phải dịch chuyển từ những thị trường lớn ở châu Âu sang châu Á. Nghiên cứu cũng cho thấy, nhập khẩu của Nga gặp vô vàn khó khăn trong việc tìm kiếm những nguyên liệu đầu vào quan trọng.
Dù vậy, những dự đoán của nghiên cứu này đang bị đặt câu hỏi. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay theo hướng tích cực, từ mức giảm 8,5% xuống giảm 6%, đồng thời cho rằng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm không phải năng lượng "tốt hơn mong đợi". IMF cũng đánh giá, tiêu thụ trong nước của Nga vẫn "giữ ổn định" bất chấp các lệnh trừng phạt. Các nhà kinh tế học khác cũng dự đoán tỷ lệ sụt giảm của nền kinh tế Nga ở mức dưới 5% dường như là kịch bản khả thi hơn.
Mục đích cuối cùng trong các lệnh trừng phạt của phương Tây là khiến Nga phải dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ xảy ra. Trên thực tế, lịch sử của những lệnh trừng phạt tập thể không mang đến cho châu Âu nhiều hy vọng.
Các lệnh trừng phạt đã được sử dụng ngày càng tăng kể từ những năm 1920 với các kết quả khác nhau và thường có hiệu quả hơn với những nước nhỏ.
"Trong khi việc sử dụng các biện pháp trừng phạt tăng lên thì tỷ lệ thành công của chúng lại sụt giảm", nhà sử học Nicholas Mulder thuộc trường Đại học Cornell cho hay trong cuốn sách mới của ông.
Michael McFaul, một học giả tại Đại học Stanford, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ tại Nga cũng thừa nhận các biện pháp trừng phạt có thể mất nhiều năm để mang lại hiệu quả.
https://vtc.vn/chau-au-dang-chay-dua-voi-thoi-gian-trong-no-luc-trung-phat-nga-ar692933.html