Mặc dù mức độ tác động của cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu đến các chính sách của Ủy ban Châu Âu tiếp theo hiện chưa rõ ràng, nhưng người ta có thể thấy rằng ngoài các vấn đề quan trọng khác, sự mơ hồ này cũng đang ảnh hưởng đến kế hoạch trung hòa khí hậu của khối vào năm 2050.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là điện từ các nguồn tái tạo sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu của châu Âu.

Phong năng vào mùa Đông, quang năng vào mùa Hè

Khi nói đến năng lượng xanh, mỗi nước châu Âu sở hữu những thế mạnh khác nhau. Ở các vùng phía Bắc và vùng biển Baltic, năng lượng gió (phong năng) tạo ra nhiều năng lượng hơn, trong khi đó, vùng phía Nam có nhiều nắng hơn lại là nơi lý tưởng cho năng lượng mặt trời (hay quang năng).

Châu Âu với bài toán mở rộng mạng lưới điện xanh -0
Khu vực Nam Âu có điều kiện lý tưởng để sản xuất năng lượng mặt trời.

Harald Bradke, người đứng đầu Trung tâm Công nghệ Năng lượng và Hệ thống năng lượng tại Viện Fraunhofer ở Karlsruhe, Đức, cho biết: “Năng lượng mặt trời và năng lượng gió bổ sung tốt cho nhau, trong đó quang năng chủ yếu có vào mùa Hè".

Các phương pháp lưu trữ điện tốt nhất cũng khác nhau tùy theo vị trí địa lý mỗi nước. Các cơ sở lưu trữ thủy điện bơm, có chức năng giống như những cục pin khổng lồ, là một lựa chọn tốt. Nếu có nhiều điện hơn mức tiêu thụ tại một thời điểm, nó sẽ được sử dụng để bơm nước vào một hồ chứa hoặc bơm lên núi. Khi cần điện, nước lại được xả ra để chạy các tua-bin sản xuất ra điện.

Cần thêm đường dây điện

Khả năng kết nối ngày càng tăng sẽ giúp việc cung cấp điện xanh hiệu quả hơn trên toàn EU. Bradke cho biết thêm: “Điện sẽ rẻ hơn khi nó được lấy từ nơi có thể sản xuất nó với giá thấp nhất”. Hơn nữa, ông nói thêm rằng sẽ không cần thiết phải “bật các trạm điện dự phòng đắt tiền” chỉ hoạt động vài trăm giờ một năm.

Các nhà máy điện dự phòng, chẳng hạn như các nhà máy chạy bằng khí đốt tự nhiên, hiện đang được sử dụng để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn cao điểm. Nhưng nếu châu Âu có lưới điện chung, nhu cầu này có thể được đáp ứng bằng cách chuyển nguồn điện trên khắp lục địa từ những nơi có giá đặc biệt rẻ vào thời điểm cần thiết. Như vậy, theo Bradke, “mọi người sẽ đều được hưởng lợi”.

Tuy nhiên, trước khi điều đó có thể xảy ra, các đường dây điện bổ sung phải được xây dựng - đặc biệt là ở những nơi như Đức. Rất nhiều điện được sản xuất bằng năng lượng gió ở phía Bắc đất nước này, nhưng nhu cầu lại cao hơn ở phía Nam, nơi có các khu trung tâm công nghiệp. Sự mất cân bằng đã được nhận thấy từ nhiều năm nay khi việc xây dựng các đường dây điện cần thiết để đưa điện đến các khách hàng ở phía Nam rất chậm.

Điều gì đang cản trở việc mở rộng lưới điện?

Tiền không phải là vấn đề duy nhất ở Đức. Nhiều người không muốn sống gần các tháp truyền điện vì sợ ảnh hưởng của đường dây điện đến tài sản hoặc sức khỏe của họ. Điều này đã khiến một số người phải thực hiện hành động pháp lý để ngăn chặn việc xây dựng các dự án mới.

Nhưng việc đặt đường dây điện dưới lòng đất cũng không phải là một giải pháp do chi phí lắp đặt đắt hơn nhiều và vì dây cáp điện ấm có thể làm khô đất, gây bất lợi cho nông nghiệp. Bradke cho biết điều đó có nghĩa là nông dân bị hạn chế bởi những gì họ có thể trồng gần đó.

Vấn đề này không chỉ của riêng nước Đức, mà nó còn cho thấy mức độ thách thức của một mạng lưới điện rộng khắp châu Âu. Theo Bradke, nếu ý tưởng là xây dựng cả một đường dây truyền tải điện đi qua Đức để truyền điện từ Pháp sang Ba Lan, thì khả năng chấp nhận của người dân địa phương còn thấp hơn so với việc chỉ nói đến vấn đề mở rộng mạng lưới điện bên trong nước Đức.

800 tỷ euro để xây dựng lưới điện vào năm 2030

Ủy viên năng lượng EU Simson cho biết tranh cãi về việc quốc gia nào sẽ là bên hưởng lợi lớn hơn đặc biệt có thể xảy ra khi thảo luận về các đường dây truyền tải xuyên biên giới. Bà cho biết giải pháp cho những tranh chấp như vậy thường là tài trợ cho các dự án này bằng nguồn vốn của EU. Do đó, các quy tắc xây dựng Mạng lưới Năng lượng xuyên châu Âu (TEN-E) đã được thay đổi để giúp tiếp cận vốn EU dễ dàng hơn và đẩy nhanh tiến độ công việc.

Một nghiên cứu được ủy quyền bởi tổ chức vận động hành lang Bàn tròn Công nghiệp châu Âu đã ước tính rằng cần phải đầu tư khoảng 800 tỷ euro (863 tỷ USD) vào lưới điện châu Âu cho đến năm 2030. Vào cuối năm 2023, chính Ủy ban Châu Âu đã thúc đẩy một kế hoạch hành động trong giai đoạn tương tự với chi phí ước tính khoảng 600 tỷ euro.

Simson nói rằng số tiền đó tuy có vẻ là rất nhiều, nhưng cần lưu ý rằng nguồn cung cấp năng lượng hiện tại cũng đắt đỏ. Bà nói: "Hãy nhớ rằng chỉ riêng trong năm 2022, người tiêu dùng châu Âu đã trả 600 tỷ euro để mua nhiên liệu hóa thạch từ các nước thứ ba. Vì vậy, đây có vẻ là một nhu cầu đầu tư lớn, nhưng nhiên liệu hóa thạch cũng không phải miễn phí".

Tiền sẽ đến từ đâu?

Bradke cho biết một số chi phí có thể được chi trả bởi các nhà đầu tư tư nhân, việc dẫn rằng việc khởi công xây dựng đường dây điện giữa Đức và Anh gần đây chỉ được tài trợ bằng vốn tư nhân.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, tiền không phải là điều quan trọng duy nhất khi tính đến việc mở rộng lưới điện. Điều quan trọng không kém là đánh giá chính xác nhu cầu thực tế, chẳng hạn như điều gì sẽ xảy ra nếu người dân sử dụng ít máy bơm nhiệt hoặc xe điện hơn kế hoạch? Và điều gì sẽ xảy ra nếu ôtô điện đóng vai trò là nơi lưu trữ năng lượng lớn và cung cấp điện vào lưới điện?

Khung tài chính hiện tại, vốn xác định ngân sách EU, có hiệu lực cho đến năm 2027. Mọi thứ sau đó đều nằm trong tay Ủy ban Châu Âu nhiệm kỳ tiếp theo và Nghị viện Châu Âu mới được bầu.

https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/chau-au-voi-bai-toan-mo-rong-mang-luoi-dien-xanh-i735234/

Ngọc Bích / CAND