Vụ hỏa hoạn mới xảy ra không phải là lần đầu tiên Nhà thờ Đức Bà Paris đối mặt với sự phá hủy
Hiện vẫn chưa thể xác định đầy đủ mức độ thiệt hại do trận hỏa hoạn gây ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris tối 15-4. Tuy nhiên, có thể nói tổn thất rất nặng nề bởi đám cháy đã phá hủy gần như toàn bộ một trong những cấu trúc bằng gỗ cổ xưa nhất ở Paris.
Từng bị phá hủy
Vụ hỏa hoạn đã làm phần mái và ngọn tháp cao hơn 90 m bằng gỗ sồi của nhà thờ đổ sụp. Sau khi ngọn lửa bị khống chế, nhà chức trách Pháp tiết lộ Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ bị phá hủy hoàn toàn nếu tiếp tục cháy khoảng 15-30 phút nữa.
Chuyên gia về bảo tàng Laurent Ferri nhận định thảm họa trên là tấn bi kịch tồi tệ nhất mà ngôi nhà thờ này trải qua kể từ Cách mạng Pháp. Trang History nhấn mạnh vụ hỏa hoạn mới xảy ra không phải là lần đầu tiên Nhà thờ Đức Bà Paris đối mặt với sự phá hủy.
Trong thời gian diễn ra Cách mạng Pháp vào những năm 1790, đám đông cuồng nộ đã gây ra cuộc tấn công đẫm máu ở nhà thờ có kiến trúc Gothic này nhằm tách rời mối quan hệ gần gũi của Pháp với Giáo hội Công giáo. Họ thậm chí tuyên bố đây không phải là nhà thờ nữa.
Nhà thờ Đức Bà Paris từ lâu đã là biểu tượng của chế độ quân chủ, là nơi đăng quang của các vị vua và nơi tổ chức các ngày lễ hội của nhà nước. Mặt tiền phía Tây nhà thờ có 28 bức tượng khắc họa các vị vua thuộc Vương quốc Judah trong Cựu Ước. Mùa thu năm 1793, người ta ra lệnh dời bỏ các bức tượng này đi bởi cho rằng chúng tượng trưng cho các vị vua nước Pháp. Thế là các bức tượng 500 năm tuổi này - vốn kết hợp chế độ quân chủ và tôn giáo - đã bị đưa ra quảng trường nhà thờ và bị chém đầu. Mãi đến năm 1977, các nhà khảo cổ tìm lại được thủ cấp của 21 bức tượng ở phía sau một bức tường trong một biệt thự cổ ở Paris. Sau đó, các bức tượng đã được phục hồi.
Chưa hết, khi đó, nhà thờ được đổi tên thành "Đền thờ lý trí". Gần như tất cả mọi thứ bên trong nhà thờ đều bị cướp sạch, ngoại trừ những quả chuông.
Bất chấp sự phá hoại đó, Nhà thờ Đức Bà Paris đã lấy lại được tính biểu tượng đầy quyền lực của mình. Sau khi bị cướp bóc trong thời gian diễn ra cuộc cách mạng như nói trên, ngôi nhà thờ đã hồi phục. Vào giữa thế kỷ XIX, nhà thờ đã trở lại vẻ lộng lẫy vốn có của mình.
Trước đó, vào thế kỷ XVI, một nhóm người Pháp theo đạo Tin Lành - được gọi là Huguenot - cũng đã làm hư hại một số bức tượng mà họ xem là mang tính chất sùng bái.
Theo tạp chí Time, ngọn tháp từ thời Trung Cổ vươn lên bên trên mái nhà thờ - mới đổ sụp hôm 15-4 - đã từng bị tháo bỏ vào năm 1786 vì nó không ổn định, sau đó đã được xây dựng lại vào những năm 1860, theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc dưới thời Napoleon III. Quyết định của ông Viollet-le-Duc thêm ngọn tháp vào cấu trúc của ngôi nhà thờ đã từng gây tranh cãi quyết liệt.
Những mảnh vỡ chồng chất bên trong nhà thờ sau vụ cháy Ảnh: REUTERS
Người dân cầu nguyện bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy Ảnh: REUTERS
Nhiều công trình bị cháy lúc trùng tu
Ngoài ra, thật đáng buồn khi biết Nhà thờ Đức Bà Paris chỉ là nạn nhân mới nhất (và có thể là to lớn nhất) của hỏa hoạn trong lúc diễn ra quá trình trùng tu. Năm 2018, tòa nhà Mackintosh tại Trường Nghệ thuật Glasgow ở Scotland đã bị hỏa hoạn phá hủy. Vụ cháy vẫn đang được điều tra trong khi giới phê bình chỉ ra rằng một hệ thống chữa cháy đáng tin cậy đã không được lắp đặt trước khi công cuộc trùng tu khởi sự. Trước đó, năm 2014, nguyên liệu trong một dự án nghệ thuật của sinh viên đã gây ra cháy ở tòa nhà này.
Dư luận đặt ra nhiều khi ngờ khi 2 vụ cháy tại Trường Nghệ thuật Glasgow và Nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra trong lúc trùng tu và cách nhau không lâu. Nhưng xâu chuỗi các dẫn chứng cho biết thêm không chỉ 2 công trình kiến trúc này xảy ra hỏa hoạn lúc trùng tu, bị nghi ngờ có sự phá hoại. Năm 1992, phần lớn lâu đài Windsor ở Anh đã bị thiêu rụi trong lúc được phục hồi. Người ta đổ lỗi cho tia lửa đã bắt vào bức màn cửa trong ngôi nhà nguyện riêng của Nữ hoàng Victoria. Thế nhưng, giới xây dựng đồn đại rằng ngọn lửa đã bùng lên từ một mẩu thuốc lá.
Đến năm 1996, nhà hát nhạc kịch La Fenice ở Venice - Ý bị thiêu thành tro và nhiều người bị cáo buộc tội cố ý phóng hỏa. Thuyết âm mưu cho rằng có ai đó trong số các nhà thầu lo sợ bị phạt vì chậm tiến độ nên đã để mafia ra tay.
Năm 2007, con thuyền cao tốc Cutty Sark của Anh đã bốc cháy do một chiếc máy hút bụi đã bị bỏ quên vào cuối tuần. Trong khi đó, hơn nửa thế kỷ trước, sự kém cỏi đã gây ra một vụ cháy trên tàu biển Normandie của Pháp. Vào năm 1942, trong khi chuyển đổi con tàu sang trọng thành phương tiện chuyển quân, các công nhân đã sơ ý làm ngọn lửa bùng lên. Cuối cùng, con tàu đã được kéo đi và cắt ra để lấy phế liệu.
Điều đáng chú ý ở đây là các công trình bị cháy lúc trùng tu đều nhanh chóng được phục hồi sau hỏa hoạn. Lâu đài Windsor đã được mở cửa trở lại năm 1997. Nhà hát La Fenice vươn lên từ đống tro tàn vào năm 2003. Còn con thuyền Cutty Sark chào đón du khách vào năm 2012 và đã đóng cửa một thời gian ngắn năm 2014 vì một đám cháy nhỏ hơn.
Điều tra kéo dài, phức tạp Khó phục dựng như nguyên bản 880 triệu euro (tương đương 995 triệu USD) được quyên góp từ khắp nơi trên thế giới để xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 2 ngày xảy ra vụ cháy, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn phục dựng công trình hơn 850 tuổi này trong vòng 5 năm. Phát biểu trên Đài Truyền hình France-Info (Pháp) vào ngày 17-4, ông Stephane Bern, đặc phái viên về di sản văn hóa của tổng thống, đưa ra thông tin trên. Còn theo hãng tin AP, số tiền thu được đến từ nhiều đối tượng và bất kể khoảng cách địa lý, từ dân thường đến các tập đoàn lớn. Trong đó, chỉ riêng 3 gia đình tỉ phú sở hữu các tập đoàn lớn của Pháp gồm Kering, LVMH và L’Oréal đã cam kết tài trợ 500 triệu euro (hơn 560 triệu USD). Trong khi đó, ông Bertrand de Feydeau, Phó Chủ tịch Quỹ Di sản Pháp, cho rằng phần mái vòm của Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ không thể được phục dựng chính xác như nguyên bản. Theo ông Feydeau, hiện tại trên lãnh thổ Pháp không còn những cây gỗ sồi với kích cỡ tương đương những cây từng được chặt vào thế kỷ XII và XIII dùng để làm mái vòm nhà thờ. Chuyên gia này nhận định quá trình phục dựng nhà thờ sau hỏa hoạn sẽ phải sử dụng tới những công nghệ mới để làm lại phần mái bị phá hủy. Vấn đề nan giải là các kỹ sư và nhà bảo tồn làm thế nào để kết hợp công nghệ hoàn toàn mới ở thế kỷ XXI với kỹ thuật thủ công cổ xưa trong quá trình phục dựng kiến trúc độc đáo được xây vào thế kỷ XII. Theo báo Guardian (Anh), giới chức trách Pháp hôm 16-4 tiết lộ Nhà thờ Đức Bà Paris chỉ còn cầm cự được khoảng 15 đến 30 phút trước khi lực lượng cứu hỏa ngăn được ngọn lửa lan đến các tháp chuông. Tiết lộ nói trên cho thấy Pháp suýt mất công trình nổi tiếng nhất của nước này. 23 phút trước khi Nhà thờ Đức Bà Paris bùng cháy dữ dội, đã có báo động nhưng giới chức trách không tìm thấy dấu hiệu nào của đám cháy. Trong khi đó, công tố viên Paris Remy Heitz cho biết chỉ đến khi báo động cháy thứ hai vang lên, đám cháy mới được phát hiện; đồng thời khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy vụ hỏa hoạn xuất phát từ hành động cố ý. Các nhà điều tra đã thẩm vấn 30 người, trong đó có các công nhân của 5 công ty tham gia hoạt động trùng tu nhà thờ.. |
Nơi 'ẩn náu' của 16 bức tượng thánh trước vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris Khi ngọn lửa thiêu rụi mái vòm Nhà thờ Đức Bà đêm 15/4, 16 tượng thánh nổi tiếng trên mái nhà thờ đang an toàn ... |
Cháy nhà thờ Đức Bà Paris: Nỗi đau khôn nguôi Những phần bị thiêu hủy của ngôi nhà thờ rồi sẽ được tái thiết nhưng con tim của chúng ta sẽ mãi bị tổn thương |