Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong điều trị rối loại mỡ máu để ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành với các nguyên tắc sau.
 

Giảm lượng chất béo (lipid) ăn vào

Tuỳ theo BMI, chất béo chỉ nên chiếm 15 - 20% tổng năng lượng với tỉ lệ sau: chất béo no chiếm 1/3 tổng số chất béo, 1/3 là axit béo chưa no nhiều nối đôi và 1/3 còn lại là axit béo chưa no một nối đôi.

Nên dùng dầu lạc, dầu olive, dầu đỗ tương thay cho mỡ và nên ăn các hạt có dầu như: vừng, lạc, hạt dẻ, hạt bí ngô để cung cấp các acid béo không no có nhiều nối đôi Omega-3, Omega-6. Nếu có điều kiện nên bổ sung dầu cá thiên nhiên vì chứa nhiều axit béo chưa no.

Loại bỏ bớt những loại thức ăn nhiều axit béo no như bơ, mỡ, nước luộc thịt

Giảm các chất béo

Giảm lượng cholesterol ăn vào xuống dưới 250 mg/ngày bằng cách không ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: não (2.500mg%), bầu dục bò (400mg%), bầu dục lợn (375mg), gan lợn (300mg%), gan gà (440mg%). Hạn chế các thức ăn này góp phần làm giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn. Lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol, nhưng đồng thời có nhiều lecithin (một chất điều hoà chuyển hoá cholesterol trong cơ thể). Do đó, ở những người có cholesterol máu cao, không nhất thiết phải kiêng hẳn trứng mà chỉ nên ăn trứng 1 - 2 lần/tuần, mỗi lần ăn 1 quả.

Tăng lượng đạm (protein)

Dùng thịt ít béo như thịt gà nạc bỏ da, thịt bò nạc, thịt lợn thăn, nên dùng cá, đậu đỗ. Nên ăn các sản phẩm được chế biến từ đậu tương: sữa đậu tương, đậu phụ, tào phớ, bột đậu tương, sữa chua đậu tương,... Thực phẩm làm từ đậu tương có hàm lượng estrogen thực vật hoặc isoflavon cao làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LĐL) và triglycerid (là những thành phần làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch).

Cơ quan FDA của Mỹ đã đưa ra khuyến cáo: Để giảm các nguy cơ của bệnh tim mạch, nên tiêu thụ ít thất 25g đậu tương/ngày dưới bất cứ hình thức nào. Ngoài ra, lượng đạm cũng không nên dùng quá nhiều so với bình thường vì sẽ dẫn đến các rối loạn chuyển hóa khác, chỉ nên ăn tăng thêm khoảng 1/6 (15%) so với bình thường.

Giảm tổng lượng năng lượng trong ngày

Hãy giảm năng lượng của khẩu phần ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 30 kcal so với khẩu phần ăn của bệnh nhân cho đến khi đạt năng lượng tương ứng với mức BMI. Cần theo dõi BMI và cân nặng để điều chỉnh tổng lượng calo hàng tháng hoặc hàng quý đề phòng giảm cân quá nhanh hoặc quá nhiều. Khi giảm cân quá nhanh và quá nhiều sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, suy nhược có thể còn nguy hiểm tới sức khỏe.

Vai trò của chất xơ

Chất xơ được ví như là cái chổi quét ra khỏi cơ thể cholesterol và các chất độc hại. Bữa ăn hàng ngày nhất thiết phải có rau, quả tươi. Nên ăn đa dạng phối hợp nhiều loại rau, củ, quả. Khi bị tăng huyết áp hay cholesterol cao, nên ăn nhiều rau, quả tươi hơn để bổ sung các vitamin, đặc biệt là kali giúp làm hạ huyết áp và chất xơ giúp làm giảm cholesterol máu.

Vai trò của các axit béo chưa no có nhiều nối đôi

Trong những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu và chứng minh về vai trò tích cực của các loại axit béo Omega-3 và Omega-6 đối với việc giảm cholesterol máu và phòng chống những bệnh về tim mạch. Các loại cá, dầu cá chứa nhiều axit béo Omega-3 như EPA (Eicosapentaenoic), DHA (Docosahessaenoic), các dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu ngô, dầu vừng) giàu axit béo Omega-6.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các axit béo trên không những làm giảm cholesterol mà còn có tác dụng tốt để phòng chứng loạn nhịp tim, huyết khối và góp phần điều chỉnh huyết áp. Do đó, để giảm cholesterol trong máu, nên ăn cá 2 - 3 lần/tuần, sử dụng dầu thực vật dưới dạng trộn xa lát hay xào thức ăn (cho dầu vào đảo đều trước khi bắc nồi thức ăn ra khỏi bếp).

Trên đây là chế độ dinh dưỡng cho người bị rối loạn mỡ máu tham khảo để cải thiện tình trạng bệnh.

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/che-do-dinh-duong-cho-nguoi-bi-roi-loan-mo-mau-397471.html

/ Theo PV/Vietnamnet