Vào dịp đầu năm mới, người dân lại đổ về các đền, chùa, phủ làm lễ dâng sao, giải hạn đông nghẹt với mong muốn một năm mới sức khoẻ, bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Cúng sao giải hạn có phải là “phép màu” xua đi rủi ro và nghi lễ này có bị biến tướng để một số người trục lợi hay không?

Vào dịp đầu năm mới, người dân lại đổ về các đền, chùa, phủ làm lễ dâng sao, giải hạn đông nghẹt với mong muốn một năm mới sức khoẻ, bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Họ quan niệm rằng, với mỗi người, mỗi năm có một chòm sao chiếu mệnh khác nhau, nếu sao tốt thì cả năm gặp may mắn, làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức, thi cử đỗ đạt, nếu sao xấu chiếu sẽ gặp rủi ro, mất tiền, bệnh tật, làm ăn thua lỗ… Nên dù đã qua rằm tháng Giêng, nhưng đợt cao điểm dâng sao, giải hạn vẫn chưa lắng xuống, nhiều người còn mời thầy về nhà làm lễ tốn kém, vàng mã chất đống. Cúng sao giải hạn có phải là “phép màu” xua đi rủi ro và nghi lễ này có bị biến tướng để một số người trục lợi hay không?

Thu tiền trực tiếp hoặc cho vào hòm công đức

Nam La Hầu, nữ Kế đô, nếu gặp sao Thái Bạch mất sạch cửa nhà… đây là những quan niệm truyền miệng trong dân gian, xuất phát từ những sao, hung tinh xấu cho từng mệnh nam và nữ, tuỳ theo từng năm. Vì thế, nhiều người tin rằng, nếu cúng sao, giải hạn sẽ hoá giải những điều xấu, tránh được điều kém may mắn.

Mang tâm lý này, chị Phạm Thị Thái (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) nhiều năm nay đều cúng sao, giải hạn ở ngôi chùa gần nhà. “Năm ngoái do dịch COVID-19 nên tôi không làm, trong gia đình có người ốm rất nặng, vì thế năm nay tôi đăng ký dâng sao, giải hạn từ sớm”.

Chen chân xin “phép màu” để xua đi rủi ro (Bài 1) -0
Nhiều người dâng sao, giải hạn thời điểm sau Tết Nguyên đán và tin rằng sẽ hoá giải được sao xấu.

Theo lời kể của chị Thái, nhà chùa cho đăng ký lễ dâng sao, giải hạn từ trước hoặc sau Tết; ngày làm lễ là mùng 6, mùng 8 và mùng 10 tháng Giêng. Các bà vãi phát cho mỗi gia đình 1 tờ đăng ký để ghi tên, tuổi ứng với chòm sao của từng người trong gia đình. Sau đó, các vãi ghi tên từng người vào sổ. “Năm nay giá tiền cúng sao, giải hạn tăng từ 300.000 đồng/gia đình lên 500.000 đồng. Nhà chùa không thu trực tiếp mà tiền bỏ vào hòm công đức ở ngay cạnh đó”, chị Thái chia sẻ.

Chị Thái kể, ngày mùng 8 Tết có 200 gia đình cúng sao, giải hạn ở chùa. Còn ngày mùng 6 Tết là 150 gia đình. Người ngồi chật kín cả trong và ngoài hiên, thầy đọc đến tên gia đình nào thì người của gia đình đó vái lạy. Nhiều người đến muộn ngồi tận phía ngoài vái vọng vào trong. Mỗi gia đình có một lá sớ được hoá sau lễ cúng sao, giải hạn, còn lá sớ cầu bình an hoá vào rằm tháng Giêng. “Tiền lễ  200 gia đình công đức là 100 triệu đồng. Gia đình tôi cũng có người phản đối việc cúng sao, giải hạn, nói là mê tín và tốn kém”, chị Thái nói.

Cũng ở quận Tây Hồ, nhiều gia đình lại nhờ thầy đến cúng sao, giải hạn tại một ngôi đền ở phường Bưởi. Chị Phạm Bích Thuỷ (Thuỵ Khuê, Tây Hồ) cho biết: “Tôi cúng sao, giải hạn ở đây vì gần nhà. Nhiều năm nay giá vẫn không đổi, thầy làm lễ cho cả gia đình là 300.000 đồng, nếu nhà ai có hình nhân thế mạng thì đóng thêm tiền”, chị Thuỷ nói.

Giống như chị Thái, chị Thuỷ, nhiều người cho rằng, để hoá giải những sao chiếu mệnh xấu, trước rằm tháng Giêng, họ đến đình, đền, chùa để đăng ký dâng sao, giải hạn. Nhiều chùa, đền đã tổ chức lễ cầu an, cúng sao, giải hạn rầm rộ, người chật kín như nêm.

Những năm trước, người đến chùa Phúc Khánh, ở 128 phố Sơn Tây, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa (Hà Nội) dâng sao, giải hạn đông đến mức chen lấn chật kín ra cả vỉa hè, lòng đường, thậm chí còn đứng “nhờ” nhà dân xung quanh, hoặc đứng trên cầu vượt để… vái vọng. Để đăng ký dâng sao tại chùa Phúc Khánh, người dân sẽ phải đến đăng ký và chuẩn bị lễ vật. Chùa Phúc Khánh sẽ bố trí nhiều bàn đăng ký, phục vụ người dân đăng ký dự lễ cả trong và ngoài chùa. Phí đăng ký lễ cầu an cho đại gia đình là 150.000 đồng, lễ giải sao La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô là 150.000 đồng/người. Với cả nghìn người làm lễ cúng sao, giải hạn, số tiền thu được lên đến hàng tỷ đồng.

Giải hạn tại gia, tiêu tốn bạc triệu

Không chỉ dâng sao, giải hạn tại đền, chùa, qua rằm tháng Giêng, nhiều người mời thầy về làm lễ cúng sao, giải hạn tại nhà. Theo chị Nguyễn Thanh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội), những năm trước, gia đình chị hay cúng sao, giải hạn ở một ngôi chùa tại quận Hai Bà Trưng. Tiền lễ cho cả gia đình 5 người là hơn 1 triệu đồng, đóng tiền trực tiếp, ghi tên, tuổi, địa chỉ, tới ngày làm lễ đến cũng được, không đến cũng được. “Tôi thấy không quy củ, còn lộn xộn nên năm nay không làm mà mời thầy về làm tại nhà”, chị Phương cho biết.

Nhiều gia đình, nhất là những người kinh doanh, buôn bán lại chọn mời thầy về lễ dâng sao, giải hạn, cầu bình an tại nhà. “Nhà tôi vừa làm lễ dâng sao giải hạn tại nhà, thầy cúng hơn 2 tiếng mới xong. Cả tiền thầy và tiền lễ hết khoảng chục triệu đồng”, chị Phạm Thị Dung (Vĩnh Phúc) cho biết. Đại gia đình chị Dung đa số làm kinh doanh, năm nào cũng làm lễ cầu bình an, giải sao xấu tại nhà. “Vàng mã nhiều đến mức nhà tôi phải chia nhau ra nhiều chỗ đốt mới xong”, chị Dung nói.

Theo chị Phương, nếu làm lễ ở nhà, tiền thầy cao hơn, nhưng lễ được chu đáo hơn. “Tôi nhờ thầy sắm đồ mã hộ, không ngờ thầy mang đến nhiều thế, chỉ riêng việc hoá vàng cũng khiến cả gia đình vất vả đốt 2 đêm mới xong”. Hiện nay, nhiều “thầy” lạm dụng việc dâng cúng đồ mã mà yêu cầu gia chủ phải sắm quá nhiều, hoặc tự thầy sắm hộ cho các gia đình, khi thanh toán lên tới tiền triệu. Mỗi năm, lãng phí từ việc đốt vàng mã lên tới hàng trăm tỷ đồng, gây ô nhiễm môi trường.

Mưu cầu may mắn, thuận lợi, hanh thông, sức khoẻ bình an là tâm lý dễ hiểu của mỗi người, nhưng ở đâu đó, vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ, cùng tâm lý đám đông đã khiến một bộ phận người dân tin vào việc cầu, cúng để xoá đi xui xẻo. Nhiều người cho biết, họ tham gia nghi lễ cúng sao, giải hạn vì làm theo người khác hoặc không thực sự tin, nhưng thấy người khác mách thì cũng làm cho yên tâm.

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, việc dâng sao giải hạn là niềm tin không có cơ sở khoa học, nếu không muốn nói là niềm tin mù quáng. Còn tại khoản 1 và 2 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tư tưởng niềm tin và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hoá, đạo đức xã hội.

https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/chen-chan-xin-phep-mau-de-xua-di-rui-ro-bai-1--i683050/

Nhật Anh / cand.com.vn