Chuyên gia cảnh báo, đây là giai đoạn dịch có nguy cơ cao lây lan ra cộng đồng, vì vậy tất cả người dân cần thực hiện giãn cách xã hội triệt để.
Chuyên gia cảnh báo, người dân chen chúc đi siêu thị thời điểm này vô cùng nguy hiểm, nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.
Thủ tướng vừa công bố Chỉ thị 16 yêu cầu cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc kể từ 0h đêm 1/4.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phạm vi rộng như vậy để phòng chống dịch bệnh.
Hình ảnh người dân chen chúc mua đồ tại các siêu thị ở Hà Nội
Tuy nhiên, ngay khi có thông tin này, rất đông người dân đã đổ dồn đến các siêu thị để tích trữ lương thực, thực phẩm, gây ra tình trạng ùn ứ, chen chúc tại các điểm mua sắm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cảnh báo, việc người dân vẫn chen chúc tại các siêu thị thời điểm này vô cùng nguy hiểm.
Theo PGS Phu, giờ dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, nguy cơ lây ra cộng đồng cực kỳ cao, nhiều ổ dịch hiện đã không thể xác định được ca mắc bệnh ban đầu như tại BV Bạch Mai.
Dịch Covid-19 lây qua các giọt bắn do tiếp xúc gần, vì vậy, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc gần, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, thường xuyên khử khuẩn các bề mặt kết hợp rửa tay, đeo khẩu trang.
Tại Anh, siêu thị hạn chế số lượng vào mua, tất cả những người khác phải xếp hàng phía ngoài, đảm bảo khoảng cách 2m
Việc tuân thủ tốt các nguyên tắc này sẽ hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, không bùng phát các ổ dịch lớn, giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế.
“Do đó, trong thời điểm hiện nay, người dân không nên đổ dồn đến siêu thị để mua đồ. Nhu cầu mua nhu yếu phẩm là chính đáng như không nên hoang mang, ùn ùn mua để tích trữ”. PGS Phu khuyến cáo.
Theo PGS Phu, có 3 lý do người dân không cần và không nên chen chúc tích trữ:
Thứ nhất, việc tụ tập quá đông chính là nguy cơ rất cao lây nhiễm Covid-19 khi dịch đã lây lan trong cộng đồng. Nếu cứ chen chúc mua hàng, có thể chưa chết đói vì thiếu lương thực đã bị nhiễm Covid.
Thứ hai, mua sắm ồ ạt sẽ tạo nên cơn sốt hàng ảo, thiếu ảo khiến nhiều người khác cần mua nhưng không có hàng. Bài học sau vụ xuất hiện ca bệnh thứ 17 vẫn còn nguyên.
Thứ ba, nhà nước luôn đảm bảo nhu yếu phẩm một cách thường xuyên, hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm vẫn diễn ra bình thường.
Chỉ các nước phụ thuộc nhập khẩu lương thực thực phẩm nhiều mới lo, Việt Nam sản xuất được rau củ quả, gạo, thịt rất nhiều nên không sợ thiếu.
Vì vậy, PGS Phu khuyên tất cả người dân nếu thực sự phải đi siêu thị mua đồ những ngày này, có thể mua nhiều hơn một chút để hạn chế số lần di chuyển nhưng không nên mua quá nhiều.
Khi đi siêu thị, đảm bảo phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào siêu thị. Việc nhiều người cùng nắm, sờ vào cùng một đồ vật có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Khi vào siêu thị, mỗi người mua phải đảm báo giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m. Chủ các siêu thị cần có quy định cụ thể để hướng dẫn người mua, kiểm soát người ra vào,
“Ở nước ngoài, tại các siêu thị có lực lượng kiểm soát người vào mua, đảm bảo lượng người trong siêu thị không quá đông. Ngay tại Ấn Độ, họ còn khoanh vòng tròn cho từng người đứng để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m”, PGS Phu dẫn chứng.
Siêu thị tăng 300-500% nguồn hàng chặn ‘bão giá\' |
Sau ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng, loạt chuỗi siêu thị ra sức phòng chống dịch |
Siêu thị, chợ “ngập” hàng, người mua thưa thớt |