Ngày 23-3, cư dân tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định không khỏi xót xa trước cái chết của một cháu bé 2 tuổi bị sặc cháo khi đang được gửi ở nhà trẻ.
chết
Đáng nói, nhà trẻ này không đủ điều kiện hoạt động nên đã bị đóng cửa cách đây 1 năm.
Đây không phải là trường hợp cá biệt xảy ra trong thời gian qua. Nhiều đứa trẻ khác đã tử vong hoặc tổn thương nghiêm trọng khi được gửi ở những nhà trẻ kém chất lượng nhưng vẫn hoạt động ầm ào trước mắt các cơ quan địa phương. Sau sự vụ thì chúng ta lại nghe đại diện cơ quan chức năng, chính quyền sở tại phát ngôn kiểu "chúng tôi rất đáng tiếc...", "sẽ ra quân chấn chỉnh...", "tổng kiểm tra, quản lý chặt chẽ...". Đáng tiếc đến đâu, hô hào đến đâu cũng không thể làm nguôi ngoai được nỗi đau mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Và càng bức xúc hơn, sau các đợt ra quân, chấn chỉnh đó thì các nhà trẻ tệ hại vẫn luôn tồn tại và các quan chức lại tiếp tục đưa ra những lời hứa đầy chất đối phó.
Những câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở khắp các lĩnh vực khác. Điển hình là vụ cháy chung cư Carina Plaza tại quận 8, TP HCM làm 13 người chết và 46 người bị thương đang gây rúng động dư luận. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng nguyên nhân ban đầu được lãnh đạo Công an TP HCM công bố là hệ thống cửa ngăn cháy ở các tầng không đóng, khói độc bốc lên cao, dù lực lượng chữa cháy nhanh chóng đến hiện trường nhưng hậu quả vẫn rất nghiêm trọng.
Ngay sau đó, chúng ta lại nghe các cơ quan chức năng từ bộ, ngành tuyên bố tổng rà soát công tác PCCC các chung cư trên toàn quốc, tập trung lực lượng chấn chỉnh, tập huấn công tác PCCC... Nghe khí thế vậy nhưng không ít người vẫn hoài nghi. Việc rà soát, hô hào như thế từng diễn ra nhiều lần nhưng dường như chỉ sau một thời gian ngắn đều rơi vào quên lãng. Và hậu quả tang thương tiếp tục xảy ra.
Quản lý xã hội cần bắt đầu từ các chế định chặt chẽ, đủ hiệu lực ngăn ngừa những hậu quả. Không thể cứ mãi chạy theo từng sự vụ, để hậu quả xảy ra rồi loay hoay giải quyết. Thực ra, các quy định pháp luật để quản lý xã hội chúng ta đã có hầu như đầy đủ. Vấn đề còn lại chính là trách nhiệm của người thực thi đến đâu, tư duy làm việc như thế nào, ưu tiên giải quyết các sự vụ trong quyền hạn của mình ra sao.
Người dân không thiết tha với việc truy trách nhiệm sau các vụ việc như trên, bởi thế nào thì hậu quả cũng đã xảy ra. Cái họ muốn chính là sự phục vụ tận tâm của từng cán bộ, dù cấp thấp nhất, để phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Từ sự tận tâm này mới hy vọng đến cuộc sống no đủ, an vui.
Giá như nhà trẻ trên được kiểm tra từ sớm thì cháu bé kia có thể đã không mất đi. Giá như quyết tâm chấn chỉnh chung cư toàn quốc của Bộ Xây dựng được đặt ra sớm hơn, thường xuyên hơn thì những gia đình nạn nhân của vụ cháy đã không đau khổ đến vậy. Song, mỗi người dân không có nhiều hơn một mạng sống để trả giá cho những kinh nghiệm được rút ra sau những "giá như..." nêu trên.
Hồ Hiếu
ITC 15 năm + 1 = Carina Plaza và nỗi đau còn đó Năm ngoái 2017, những nạn nhân của vụ hỏa hoạn lịch sử làm chết 60 người tại tòa nhà ITC (quận 1, TP.HCM) đã gặp ... |
Hơn 1,6 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina Plaza Theo UBND quận 8, đến chiều 24/3, tổng số tiền hỗ trợ các hộ gia đình có người chết và bị thương trong vụ cháy ... |