Con số tăng trưởng kinh tế âm rất sâu của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng trong quý III-2021 một lần nữa đặt ra yêu cầu bắt buộc phải mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhưng mở cửa như thế nào, có những biện pháp gì trước mắt và lâu dài để tránh những “cú sốc” trong tương lai, phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng để làm rõ hơn.
Hà Nội đang nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong quý IV-2021 |
- Phóng viên: Thưa ông, vừa rồi Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng kinh tế trong quý III-2021 với con số âm 6,17%. Với Hà Nội tăng trưởng cũng giảm tới 7,02% so cùng kỳ. Là người nhiều năm theo dõi về kinh tế của đất nước, ông đánh giá như thế nào về những con số này?
- Ông Nguyễn Đức Kiên: Đến thời điểm này có thể nói chúng ta đã thấy hậu quả nặng nề của dịch bệnh và giãn cách xã hội. Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế cả nước của chúng ta âm tới 6,17%, còn nặng nề hơn cả khủng hoảng tài chính châu Á năm 1996 - 1997, hay khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Bản thân chúng tôi cũng không lường trước được những thiệt hại lại lớn đến như vậy. Khi bắt đầu phong tỏa TP.HCM vào ngày 24-7, chúng tôi đã dự báo kinh tế quý III-2021 sẽ giảm từ 6,6% của quý II, xuống khoảng 3,5-4%.
Đến hết tháng 8, TP.HCM vẫn tiếp tục phong tỏa và Hà Nội cũng kéo dài phong tỏa, chúng tôi một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng xuống dưới 3%. Sau đó, kịch bản xấu nhất là xuống đến 0 hay âm vài phần trăm thôi, nhưng không nghĩ xuống tới âm 6,17%. Cái hậu quả nặng nề nhất mà chúng tôi đã không lường trước được là sự suy giảm của tổng mức bán lẻ, chúng tôi đã tính toán sẽ xuống thấp nhưng không nghĩ thấp đến vậy. Vì chỉ nghĩ người ta vẫn phải ăn, vẫn phải dùng điện, dùng nước...
Nhưng cuối cùng, người dân đã giảm tối đa tiêu dùng gia đình, kể cả ăn uống cũng rất hạn chế. Phần dịch vụ cũng tê liệt hoàn toàn. Tại Hà Nội và TP.HCM, dịch vụ đóng góp tới khoảng trên 40% GDP, mà suốt thời gian qua đóng cửa gần như hoàn toàn. Điều này đã kéo tăng trưởng kinh tế xuống âm sâu như vậy.
- Dù dịch chưa thể khống chế hoàn toàn nhưng Hà Nội đã bước đầu mở cửa trở lại để khôi phục dần hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ ngày 16-9. Ông đánh giá thế nào về tính thời điểm ở Hà Nội?
- Tới nay dịch Covid-19 đã đi qua nước ta được khoảng 20 tháng, công tác phòng chống dịch của 2 trung tâm lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM đều đã đạt những hiệu quả nhất định. Ở Hà Nội, sau trường hợp bệnh nhân số 17, chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm hơn, diện phong tỏa qua các đợt bùng phát dịch dần thu hẹp lại để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trong đợt 4 này, Hà Nội làm rất nhiều việc kiên quyết, như tiến hành đồng loạt 5 triệu lượt test cho toàn bộ cư dân thành phố, tiêm vaccine cho tất cả dân cư trong độ tuổi trong thời gian rất nhanh, hỗ trợ an sinh xã hội tương đối thành công.
Chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế là không có một phương án nào đạt được tối đa tất cả các mục tiêu mong muốn, mà phải chọn phương án tối ưu. Không có một chiến thắng nào mà không có sự hy sinh, trả giá. Nếu đòi hỏi an toàn tuyệt đối là phương án không tưởng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên |
Việc mở cửa trở lại cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là không thể chậm trễ hơn được nữa. Vì vừa rồi một số doanh nghiệp nhập khẩu lớn họ có động thái chuyển một số hợp đồng sản xuất 2021 sang nước thứ ba. Nếu bây giờ tiếp tục hạn chế giao thương kinh tế, không đảm bảo chuỗi cung ứng thì có thể họ sẽ không chỉ chuyển hợp đồng mà còn chuyển cả công việc sang các nước khác. Do đó, dưới góc độ kinh tế, tôi nghĩ Hà Nội cần phải nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế là không có một phương án nào đạt được tối đa tất cả các mục tiêu mong muốn, mà phải chọn phương án tối ưu. Không có một chiến thắng nào mà không có sự hy sinh, trả giá cả. Nếu đòi hỏi an toàn tuyệt đối thì là phương án không tưởng.
- Vậy sau hơn nửa tháng dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, theo ông, có những vấn đề gì mà Hà Nội cần phải xem xét, tính toán lại?
- Hà Nội đã có động thái đúng là chia vùng để đưa một số vùng như ngoại thành, sản xuất nông nghiệp, vùng an toàn được hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Nhưng cũng phải nói một cách rất thẳng thắn là Hà Nội đang hơi thận trọng trong khôi phục kinh tế. Đến thời điểm hiện nay là đầu tháng 10, Hà Nội vẫn còn dùng dằng giữa mở cửa và đóng cửa liên tỉnh, đóng cửa nhà ga, sân bay… Dưới góc độ kinh tế mà nói cần phải tính toán lại.
Hà Nội có khoảng 7,5 triệu dân, trong đó rất nhiều là lao động nhập cư. Chúng ta cho doanh nghiệp sản xuất bình thường, nhưng lao động ngoại tỉnh không đến được nhà máy, thì lấy ai để làm việc? Rồi sản xuất xong thì lưu thông thế nào? Không chở được hàng xuống cảng, ra sân bay thì làm sao doanh nghiệp xuất khẩu được. Thế nên, tôi nghĩ không còn cách nào khác, Hà Nội phải mở cửa hơn nữa.
Gặp dịch ở đâu, xử lý ở đấy. Ví dụ như chùm ca nhiễm ở Bệnh viện Việt Đức vừa rồi, chúng ta không vì thế mà đóng cửa cả bệnh viện, hay đóng cửa cả một phường. Chúng ta phải hành xử rất nhanh, chỉ đóng cửa để test PCR, tìm được F0, hạn chế F1, sau đó mở cửa hoạt động bình thường. Hơn nữa, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội đã tiêm hết mũi 1 và khoảng 1/4 cư dân trong độ tuổi được tiêm mũi 2. Vậy thì tư duy, hành xử phải khác, không thể tư duy như lúc chưa tiêm mũi vaccine nào.
Vấn đề bây giờ là doanh nghiệp phải hoạt động để không phá sản, để giữ được thị trường của mình. Mình dừng sản xuất là các nước khác họ không đợi mình. Người ta là nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào mình. Anh không bán được hàng cho họ thì họ đi mua của người khác. Và khi họ đi mua của người khác rồi thì khi anh sản xuất được, đem hàng đến người ta bảo tôi có bạn hàng mới rồi. Đấy là điều mà Hà Nội và các doanh nghiệp phải nhìn vào để có những quyết định phù hợp.
- Về dài hạn, sau đợt bùng phát dịch lần này, theo ông Hà Nội cần rút ra bài học gì để tránh những “cú sốc” cho các doanh nghiệp?
- Qua đợt dịch lần này, chúng ta phải nhìn lại thực trạng để đưa ra những chính sách dài hơi. Phải đặt những câu hỏi rằng: Hà Nội phát triển công nghiệp thời gian qua đã đúng chưa? Sự phối hợp giữa thành phố và các doanh nghiệp về thực hiện chính sách an sinh xã hội, trách nhiệm xã hội trên địa bàn đã được chưa? Tại sao cách đây 12 năm Chính phủ đã cho chủ trương tất cả các khu công nghiệp mở ra phải có chỗ ở cho người lao động?
Tiền xây chỗ ở cho người lao động được tính vào chi phí sản xuất, đất để xây nhà ở công nhân được giao không thu tiền sử dụng đất. Thế mà khi dịch xảy ra, chúng ta lại vẫn để xảy ra tình trạng người lao động phải về quê, doanh nghiệp không có lao động. Tại sao các nước khác thực hiện được 1 cung đường 2 điểm đến? Là bởi vì người ta có ký túc xá cho lao động, người ta quản lý được. Còn công nhân mình thì ở búa xua, 60% công nhân đi ở trọ, thì lúc dịch làm sao thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” được, giữ sản xuất thế nào được? Còn nói doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng như thế thì phải giảm số người tham gia lao động xuống chỉ còn 30-40% thôi. Tiền chi phí tăng gấp đôi, năng suất lao động lại chỉ bằng 1/3, tức là hiệu quả của doanh nghiệp giảm 6 lần so với bình thường, làm sao mà có lãi!
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
TP.HCM chính thức thực hiện Chỉ thị 18 về từng bước nới lỏng, phục hồi kinh tế Chiều 1/10, UBND TP.HCM chính thức ban hành Chỉ thị 18 về tiếp tục thực hiện kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước ... |
3 tháng cuối năm là thời gian vàng, thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định 3 tháng cuối năm là thời gian vàng và ... |