- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế sẵn sàng từ chức nếu “rừng bị phá có qui mô lớn như ở Quảng Nam”.
Liên quan đến tình trạng phá rừng phòng hộ qui mô lớn tại A Lưới, VietNamNet trao đổi với ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.
Ông thừa nhận có tình trạng phá rừng tại các tiểu khu mà VietNamNet phản ánh và cho biết đã có báo cáo gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
| |
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế |
“Dù các cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ không phải là gỗ quý, có giá trị kinh tế cao nhưng để xảy ra tình trạng phá rừng là điều đáng tiếc”, ông Tuấn nói.
Sau khi báo chí phản ánh, Chi cục đã chỉ đạo BQL rừng phòng hộ A Lưới và hạt kiểm lâm A Lưới rà soát, kiểm tra thực tế.
Đồng thời, cũng yêu cầu BQL rừng phòng hộ A Lưới kiểm điểm trách nhiệm của đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ theo hướng có tình có lí.
Ông Tuấn khẳng định, chắc chắn không có sự buông lỏng của cán bộ vì… gỗ đó không có giá trị kinh tế nhiều.
“Trước đó, tôi cũng nhận được phản ánh của người dân về việc xe chở gỗ ban đêm, ban ngày qua cổng nhưng sau khi Phòng Thanh tra - Pháp chế điều tra, sự thật không phải như vậy.
Những xe gỗ này là do cán bộ quản lí rừng, kiểm lâm đưa từ trong rừng ra sau khi phát hiện bị khai thác trái phép.
Tuy nhiên, quá trình chở gỗ ra, do lực lượng chức năng không thông báo cho chính quyền địa phương, người dân biết nên người dân nhìn vào đó cứ nghĩ là gỗ khai thác trái phép, lâm tặc vận chuyển ra”, ông Tuấn nói.
| |
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế và BQL rừng phòng hộ A Lưới trao đổi với PV |
Tại buổi làm việc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cũng nhắc đến trách nhiệm của chính quyền địa phương.
“Theo quyết định 07 của Chính phủ, chính quyền địa phương là cơ quan quản lí nhà nước về lâm nghiệp. Để xảy ra phá rừng, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước”, ông nhận định.
Về phương diện kiểm lâm, ông nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra tình trạng phá rừng như Quảng Nam, tôi sẵn sàng là người từ chức đầu tiên”.
Phát hiện 24 gốc bị chặt
Ông Văn Thân – Giám đốc BQL rừng phòng hộ thừa nhận, có tình trạng phá rừng tại các tiểu khu 297, 298, 311. Những tiểu khu này đều thuộc rừng phòng hộ do đơn vị quản lí.
| |
Hàng loạt cây gỗ tại rừng phòng hộ A Lưới bị lâm tặc đốn hạ |
“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức 3 đợt truy quét và thu giữ hơn 9,5 khối gỗ bị khai thác trái phép. Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã phối hợp với Hạt kiểm lâm A Lưới trực tiếp vào hiện trường để kiểm tra và phát hiện tình trạng khai thác gỗ trái phép tại các tiểu khu 297, 298.
Tại những khu vực này, lực lượng liên ngành phát hiện 24 cây bị lâm tặc đốn hạ. Các cây bị đốn hạ chủ yếu thuộc gỗ nhóm VI, nhóm VII như chò, chũa, quế rừng.
Chúng tôi tháo dỡ 1 lán trại và một số giá để máy tời của lâm tặc. Hiện tại còn 26 phách gỗ với khối lượng hơn 2,3 khối đang nằm lại trong khu vực này”, ông Thân cho biết.
Hiện trạng phá rừng tại tiểu khu 311, ông Thân cho rằng, lực lượng liên ngành của BQL rừng phòng hộ và kiểm lâm chưa đi kiểm tra.
Trong khi đó, với lí do “rừng diện tích lớn, nhân lực mỏng”, ông Lê Nhân Đức – Hạt trưởng hạt kiểm lâm A Lưới cho hay, “rất khó khăn trong công tác quản lí”.
“Tại các khu vực đó, chỉ có một kiểm lâm viên phụ trách nên tình trạng phá rừng không khỏi diễn ra”, ông Đức nói.
Nước mắt của rừng Gần đây, 28 ha rừng ở Đắk Nông chỉ cách trạm bảo vệ… 15m, luôn có người túc trực 24/24 cũng bị phá tan hoang... |
Đắk Lắk: Bộ Công an bắt vụ phá rừng lớn tại vườn Quốc gia Yok Đôn Các cán bộ chiến sĩ C49 (bộ Công an) đã phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk mật phục và bắt giữ được một ... |
PV báo Người Đưa Tin theo đoàn xe \'độ\' vào rừng bốc gỗ lậu Hàng chục chiếc xe công nông được "độ", chế nối đuôi nhau vào bãi khai thác gỗ tại khu vực đồi Chư Jú, xã Ia ... |