“Chi thường xuyên tăng cao một phần là do kỷ luật tài chính kém, chi cho hội họp, nghiên cứu nước ngoài mang lại hiệu quả gì?” - chuyên gia Lê Đăng Doanh thẳng thắn đặt vấn đề khi được hỏi về báo cáo đánh giá chi tiêu công tại Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới công bố ngày 3.10.

Tiết kiệm từng đồng vốn
Lạm phát họp
Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng cán cân tài chính hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro vì bội chi ngân sách hiện đang ở mức cao. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Càng tinh giản, biên chế càng tăng đẩy bội chi NSNN

Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam đưa ra những khuyến cáo quan trọng, trong đó cho rằng, một trong vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong những quốc gia có tỉ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua), cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khoá.

Theo đó, tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015, trong đó nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9% và nợ chính quyền địa phương khoảng 0,9%.

Theo báo cáo này, dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng cán cân tài chính hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn vì bội chi ngân sách hiện đang ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011-2015 là khoảng 5,6% GDP.

Lý giải về tình trạng bội chi ngân sách, báo cáo nhận định chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao và cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỉ trọng ngày càng lớn. Đáng chú ý là tình trạng tăng chi cho các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp, chi trả lãi cho các khoản vay.

Cụ thể, tốc độ tăng chi an sinh xã hội tăng bình quân 18%/năm, tốc độ tăng chi lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chi bình quân, nâng tỉ trọng quỹ lương lên 20% tổng chi ngân sách. Đặc biệt, số lượng công chức và viên chức tăng nhanh nhất là số lượng cán bộ ở địa phương (tăng 5,1%/năm từ 2009-2013, cao gần 5 lần tốc độ tăng trưởng dân số). Kết quả này cho thấy sự trái ngược với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế của Chính phủ. Ngoài ra, chi tiêu công cho giáo dục và y tế tăng cao so với bình quân và chiếm phần lớn chi ngân sách nhà nước.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng bên cạnh việc tăng nhanh biên chế, kỷ luật tài chính cũng là vấn đề đáng lưu tâm khi nhiều địa phương mạnh tay chi cho hội họp, đào tạo nghiên cứu ở nước ngoài một cách không thực chất. Đây cũng được cho là một trong những yếu tố khiến chi cho giáo dục đào tạo tăng. Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, thói quen “xài sang” của quan chức cũng đẩy các chi phí công lên.

“Ngân hàng Thế giới, các tổ chức thế giới quy định phải bay trên 8h mới được bay hạng thương gia, ở Việt Nam khi đi từ Hà Nội vào TPHCM, các đại sứ các nước cho mình vay tiền đi hạng phổ thông còn các quan chức ta vay tiền họ lại đi hạng thương gia. Rất kỳ quặc, cấp vụ trưởng cũng đòi đi thương gia” - chuyên gia này thẳng thắn nhận xét.

Hội nghị công bố báo cáo đánh giá chi tiêu công tại Việt Nam. Ảnh: K.H

Để “cứu” ngân sách, cần tinh giản bộ máy, củng cố tài khoá

Trong bối cảnh mức động viên thu ngân sách nhà nước so với GDP đang có xu hướng giảm, nhất là tỉ trọng thu từ thuế và phí, trong khi nhu cầu chi ngân sách thời gian qua tăng nhanh, đặc biệt là chi đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, các chuyên gia, Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng thế giới cho rằng để nâng cao hiệu suất chi tiêu cần tinh giản, cơ cấu lại bộ máy của khu vực công và giảm các chi phí đầu vào khác trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế như giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, nông nghiệp và giao thông.

Báo cáo đã đưa ra 68 khuyến nghị cho Chính phủ và chỉ ra rằng, cần xây dựng và thực hiện một lộ trình củng cố tình hình tài khóa, để đảm bảo sự bền vững tài khóa, song không hoặc ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có cam kết mạnh mẽ về giảm bội chi và duy trì nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép (65% GDP) và ngoài các biện pháp đồng bộ giảm bội chi ngân sách cũng cần tăng cường quản lý nợ công.

Các phương án củng cố tình hình tài khóa có thể được cân nhắc trên cơ sở phối hợp các biện pháp nhằm đẩy mạnh huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, quản lý nợ công và rủi ro tài khóa. Tái cơ cấu chi tiêu công cũng cần đảm bảo các khoản chi an sinh xã hội, đầu tư phát triển và dành dư địa cho các chi phí tái cấu trúc nền kinh tế (nếu phát sinh).

Ngoài ra, cần điều chỉnh lại việc phân bổ và chi tiêu NSNN trong từng ngành, bởi hiện nay công tác này còn chưa thực sự gắn kết với lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển của quốc gia và từng tiểu ngành. Tình trạng thiếu gắn kết giữa chi đầu tư xây dựng mới và chi hoạt động, duy tu, bảo dưỡng, đã tồn tại khá lâu ở hầu hết các ngành, song chưa có nhiều tiến triển trong những năm gần đây.

Hiện nay, dù Chính phủ đưa ra nguyên tắc tăng cường kỷ luật tài chính, không có trách nhiệm trả nợ cho DNNN thua lỗ nhưng trên thực tế Chính phủ vẫn có thể can thiệp nếu tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Vì vậy, báo cáo khuyến nghị công tác quản lý nợ của Chính phủ phải tính đến những rủi ro đó, đồng thời phải duy trì được dư địa ngân sách đủ để hấp thụ những cú sốc đó trong trường hợp xảy ra.

Cụ thể, các kế hoạch củng cố ngân sách theo các cam kết hiện nay của Chính phủ phải được triển khai một cách nhất quán để đảm bảo quỹ đạo nợ công quay lại lộ trình bền vững, đặc biệt trong bối cảnh yếu tố ưu đãi của nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm xuống.

https://laodong.vn/kinh-te/chi-tieu-cong-tang-cao-do-ky-luat-kem-hoi-hop-nghien-cuu-o-nuoc-ngoai-nhieu-568058.ldo

/ Khánh Hòa/Báo Lao động