Khi bạn chỉ ngón tay phán xét vào người đối diện, có tới ba ngón chỉ ngược về mình.

Mạng xã hội là môi trường kết nối những khoảnh khắc cuộc sống; là không gian mở để mọi người tự do phát biểu, chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình với người khác. Nhờ đó, chúng ta biết được nhiều hơn, học hỏi được nhiều hơn và cảm thông với nhau nhiều hơn. Nhưng nơi đó cũng có thể là một môi trường lan tỏa độc hại, khi người ta tự trao cho mình cái quyền nhưng lại thiếu trách nhiệm trong việc phán xét, chỉ trích người khác.

Thừa chỉ trích, thiếu trách nhiệm

Vào mạng xã hội, nhiều khi tôi cảm thấy ngột ngạt trong sự bủa vây của những chỉ trích. Ngày trước là mấy cái chữ; gần đây là mấy cái lu, cái lon; giữa đó là vô vàn thứ khác. Thiên hạ chưa bao giờ hết chuyện và hết người để chửi.

Có ai còn nhớ chuyện ông Bùi Hiền không? Giờ chuyện đó sao rồi? Thế mà mấy tháng ròng rã, người ta đã vận dụng gần như mọi tài năng viết lách, vẽ tranh, làm thơ, thuyết giảng, ghép nhạc, dựng phim… để chửi; không chỉ công trình nghiên cứu và sáng kiến của ông, mà chủ yếu là chính con người ông ấy. Thay vì phung phí thời gian để chửi, người ta sử dụng tài năng của mình để làm chuyện có ích thì tốt biết bao.

chi trich nguoi khac co gi hay
Minh họa: KHỀU

Nói vậy không có nghĩa chúng ta không phán xét. Con người được phú cho khả năng phán xét. Vấn đề là phán xét cái gì và phán xét như thế nào? Phán xét để xây dựng, hay để phá hoại? Và nếu cần thiết, chúng ta cũng chỉ nên phán xét ý kiến, quan điểm và hành vi của người khác trên tinh thần xây dựng, đừng phán xét chính con người họ. Chúng ta có thể chỉ ra (một cách vừa phải) những điểm không hợp lý, không thể áp dụng vào thực tế mấy cái chữ, cái lu… nhưng hãy tôn trọng người nghiên cứu, người phát biểu.

Đáng trách và cũng đáng buồn là một số người, để tạo ra làn sóng và xu thế cho người khác "đu" theo, họ cố tình bóp méo sự việc hoặc nhìn sự việc chỉ ở một góc cạnh phiến diện. Số người "đu" theo thì kiểu "nghe hơi nồi chõ" - nghe ngóng, hóng hớt qua loa mà không tìm hiểu rõ ngọn ngành sự việc. Chẳng hạn như chuyện cái "lon". Vấn đề ở đây là cụm từ "lon Việt Nam" thay vì "lon Coca-Cola". Thế nhưng, người ta cố tình tách riêng cái "lon" rồi suy diễn, số khác mới nghe "cái lon suy diễn" ấy là ngay lập tức "ném đá". Tương tự như mấy cái ô "tròn tròn, vuông vuông…"; nhiều người đã chế nhạc, làm clip, tấu hài… để chế giễu mà họ không biết hoặc cố tình không biết nguyên nhân và ứng dụng của chúng.

Hãy chọn là người tốt!

Nghĩ, cho rằng, chứng tỏ mình đúng là nhu cầu muôn thuở của cái tôi (bản ngã) trong mỗi con người. Để tôi là người đúng thì phải có ai đó hay cái gì đó sai. Qua hành động chỉ trích, hạ thấp giá trị và gây tổn thương cho người khác, cái tôi gia tăng hình ảnh về mình là người đúng, người biết, người vượt trội.

Cái tôi cũng có thói quen phê phán và phàn nàn. Hàm ý trong những lời phê phán, phàn nàn là tôi đúng, tôi quan trọng, tôi đặc biệt. Ngoài ra, cái tôi còn thích buôn chuyện, nói xấu sau lưng người khác. Trong buôn chuyện, cái tôi phán xét, kết tội và kèm theo đó là cảm giác thỏa mãn của bản thân trong việc chỉ ra cái sai của người khác trong khi lại không thấy điều tương tự ở mình. Có những việc tự mình làm thì không sao nhưng người khác làm thì cái tôi quy tội. Trong cuộc sống thường ngày nói chung và trong tranh luận nói riêng, khi nghe người khác gọi mình bằng những từ như "ngu", "sai"… là cái tôi cảm thấy bị mất mát, thế là chương trình phục hồi chức năng của cái tôi ngay lập tức tự động vận hành, bằng cách chê bai, tấn công, đáp lại bằng những từ ngữ tương tự, mà thường là nặng nề hơn; tranh luận trở nên căng thẳng, không ít trường hợp dẫn đến bạo lực.

Đừng chỉ trích cái tôi, đừng nghĩ rằng cái tôi là sai, vì nghĩ như vậy lại là câu chuyện và biểu hiện của cái tôi. Thay vào đó hãy nhận diện trước những biểu hiện của nó và từ chối nuông chiều theo. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu bạn có thể lựa chọn giữa là người đúng và là người tốt, hãy chọn là người tốt. Bởi chọn là người đúng là lựa chọn của cái tôi, của chia rẽ và mâu thuẫn; trong khi chọn là người tốt là lựa chọn của trái tim, của bình an và yêu thương.

Đứng trước một ý định chỉ trích người khác, bạn hãy tự hỏi: Điều này có mang lại bình yên trong tâm hồn và gia tăng hạnh phúc trong cuộc sống của ta hay không? Nếu không, tại sao ta lại phải chỉ trích?

Nguyễn Hồng Huấn

chi trich nguoi khac co gi hay Lý do bạn không nên cho người khác mượn tai nghe

Khi bạn chia sẻ tai nghe của mình, có bao giờ bạn nghĩ về việc vi khuẩn có thể bám đầy trên đó?

chi trich nguoi khac co gi hay 'Cảnh sát chính tả' dành cả thanh xuân để đi bắt lỗi người khác

Chỉnh chính tả mọi lúc mọi nơi, tra Google khi gặp từ khó... là thói quen của những người được gọi vui là "cảnh sát ...

chi trich nguoi khac co gi hay 6 dấu hiệu nhận biết người khác đang nói dối bạn

Người nói dối thường không tập trung, thực hiện loạt động tác vô nghĩa để bản thân tự tin hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ dễ ...

/ nld.com.vn