Chia sẻ với PV Lao Động, chính những người phát đi các cuộc gọi ấy cũng cảm thấy chẳng sung sướng gì, bởi họ phải áp lực công việc, chỉ tiêu doanh số bán hàng...

Theo tìm hiểu, một nhân viên telesale (quảng cáo, bán hàng qua điện thoại), mỗi ngày phải thực hiện từ vài chục đến cả trăm cuộc gọi tư vấn. Hầu hết trong số đó, kết quả nhận lại đều là sự từ chối phũ phàng.

Phải mất nhiều lần thuyết phục, nhóm PV mới hẹn gặp được trực tiếp chị Ánh - nhân viên môi giới bất động sản của Cty A.P Land. Theo chia sẻ của nhân viên này, ngày nào đến công ty, việc đầu tiên cũng là rà soát một lượt liên hệ của khách hàng và gọi điện. “Mỗi ngày tôi phải gọi ít nhất là 50 cuộc điện thoại. Mà gọi cho khách hàng gặp người niềm nở thì không sao, đa phần mình chưa kịp nói hết câu chào họ đã dập máy đến “rụp”. Như mình làm môi giới nhà đất, ít nhất mỗi tháng phải bán được 1 căn mà kiếm mỏi mắt không lấy đâu ra khách” - chị Ánh cho biết.

Còn chị Ánh Hồng - nhân viên môi giới thuộc Cty DKRS tại TPHCM - cho biết, chị đảm nhận công việc “salephone”, mỗi ngày phải thực hiện gần cả trăm cuộc gọi, nhắn tin giới thiệu sản phẩm. Người tốt họ từ chối nhẹ nhàng nhưng cũng có người chửi mắng. Tuy nhiên, hầu như nhân viên môi giới hiện nay phải bỏ tiền mua data và thuê telesales để “săn” khách hàng tiềm năng. Bởi dẫu sao thì con đường này là cách nhanh nhất tiếp cận “con mồi”.

Một trường hợp khác, Tuấn Anh - nhân viên một Cty tư vấn bảo hiểm - cho biết: “Mỗi ngày trung bình tôi gọi phải tới 200 cuộc. Cũng đa phần trong đó là bị từ chối thẳng thừng. Người nhẹ nhàng thì “Không có nhu cầu đâu em”. Có lúc gặp người nóng tính thì bị chửi thẳng: “Gọi gì lắm thế”, “Lừa đảo hả”.

Khi PV đặt câu hỏi làm sao mà có được nhiều số điện thoại đến vậy để liên hệ, chị Ánh Hồng, nhân viên môi giới thuộc Cty DKR, để mua được các dữ liệu này thì các nhân viên môi giới cũng đã phải chi một số tiền kha khá. Thường thì đây là các dữ liệu thông tin về khách hàng từ các ngân hàng, các dự án cũ đã bàn giao, đã đi vào sử dụng. Phí mua data cũng tùy mức độ hot của các dự án. Thông thường sẽ dao động trong khoảng từ 5 - 20 triệu đồng/bộ (tùy theo loại khách hàng thường hay VIP).

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc mua bán thông tin cá nhân đã vi phạm quy định tại điều 38 Bộ luật Dân sự về quyền bí mật đời tư. “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc mua bán thông tin cá nhân là bất hợp pháp, gây nguy hại cho xã hội nên cần xử lý hành vi này” - luật sư Lực nhấn mạnh.

Khóa 2 chiều hơn 2,1 triệu sim

Trả lời việc xử lý sim rác trong phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hiện tượng này mới xuất hiện cách đây 1-2 năm. Cách đây hơn 1 tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng và tìm ra biện pháp xử lý, thí điểm công cụ kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác trong năm 2019 giống như công cụ ngăn chặn tin nhắn rác, trước khi có thể áp dụng đại trà năm 2020. “Tuy nhiên, 80% các cuộc gọi này xuất phát từ sim rác, vì thế gốc vẫn là xử lý sim rác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bắt đầu từ ngày 1.10.2019, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh tra việc xử lý sim rác trên diện rộng với sự tham gia của các Sở Thông tin và Truyền thông. Vị này cũng thông tin, tới đầu tháng 9, các nhà mạng đã khóa 2 chiều hơn 2,1 triệu sim trong tổng số hơn 9 triệu sim khóa 1 chiều thuộc tập sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Số sim còn lại bao gồm các trường hợp khách hàng đã đến cập nhật lại thông tin, hoặc bị hủy do quá thời hạn sử dụng gói cước.

Đánh trực tiếp vào lợi ích nhà mạng nếu không xử lý sim rác

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện đã ra được một cơ chế mới về quản lý sim rác. Cơ chế quản lý mới sẽ đánh trực tiếp lợi ích các nhà mạng. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gắn trách nhiệm trong việc xử lý sim rác với Chủ tịch và Tổng Giám đốc các nhà mạng. Đến lần vi phạm thứ 3, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý hành chính đối với lãnh đạo các nhà mạng. Ngoài ra, nếu không xử lý được SIM rác, sẽ không cấp phép dịch vụ mới cho các nhà mạng, đặc biệt là với dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money). T.CHÍ

chia se cua nhan vien telesale goi dien vi ap luc chi tieu doanh so Thịt lợn đắt đỏ, doanh nghiệp TQ dùng làm phần thưởng nhân viên
chia se cua nhan vien telesale goi dien vi ap luc chi tieu doanh so Hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me đã vô hiệu
chia se cua nhan vien telesale goi dien vi ap luc chi tieu doanh so Cận cảnh những người làm phiền 'muốn vay không ạ' và những câu chửi sấp mặt

/ laodong.vn