Cái câu “rơm lên đống, thóc vào cót” nay không còn thể hiện đúng không khí nhà quê sau vụ gặt. Tôi về làng những ngày nắng xém mặt đê thấy làng quê yên ả. Không thấy những cây rơm to ngần ngật. Không thấy cót thóc quây căng ních góc nhà.
Vậy mà hỏi chuyện được biết vụ chiêm xuân năm 2020 nông dân Hà Nam được mùa lớn. Ông anh tôi tuổi 70, một mình cáng đáng bảy sào ruộng. Bà lên Hà Nội trông cháu. Vậy mà nom ông vẫn đàng hoàng, thư thái lắm, áo sơ mi trắng “cắm thùng”, chân dận dép da. Ông bảo: Giờ gặt hái nhàn tênh chú ạ. Anh thuê con Kubota (máy gặt) làm đúng một đêm. Sáng ra đầu bờ khuân thóc về. Giá mà có máy sấy thì còn nhàn nữa, chả lo chuyện phơi thóc. Năm nay lúa tốt, năng suất chòm chèm 1,8 tạ/sào. Lúa thuần chất lượng cao, bán ra được khoảng 7.000 đ/kg. Thế là trừ chi phí đi rồi cũng lãi được một nửa.
Cách đây quãng 30 năm tôi vào công tác vùng Đồng Tháp Mười, theo chân mấy bác ở Viện Quy hoạch, Bộ Nông nghiệp ra tận vùng sâu huyện Vĩnh Hưng, Long An, giáp biên giới Campuchia, thấy có hộ nông dân một vụ thu được 70 tấn lúa, nể quá! Vậy mà bây giờ về đồng bằng sông Hồng cũng thấy có hộ thu được 30-40 tấn. Điều đáng nói hơn là được mùa được giá. Nông dân lại đỡ vất vả hơn vì đã có máy gặt, còn máy cấy thì đã làm được khoảng một phần tư diện tích. Làm ra lúa để bán. Đó là tư duy của người sản xuất hàng hóa, khác về chất so với lối làm ăn manh mún, tự cấp, tự túc thời trước. Vẫn là ông nông dân suy nghĩ trên luống cày, nhưng là nông dân cổ cồn, là luống cày thời kinh tế số. Đêm nằm vắt tay lên trán, tập thở bụng, quán hơi thở nơi huyệt đan điền, nghĩ mưu sao cho con gà đẻ trứng vàng. Đúng như câu nói mộc mạc của ông anh tôi: “Anh chỉ giữ lại độ ba tạ thóc, đủ ăn, còn bán tuốt ngay đầu bờ. Quan trọng là để đồng tiền nó quay vòng. Ngày xưa tích trữ thóc để làm giàu. Ngày nay là phải nghĩ cách mà liên doanh, liên kết”.
Câu chuyện này gợi một ý rất hay về việc liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa. Muốn năng suất cao, chi phí rẻ, lúa được giá chỉ có cách duy nhất là liên kết. Tại một hội thảo mới đây, chúng tôi được nghe ý kiến của một vị chủ nhiệm hợp tác xã. Ông bảo: giá lúa bình thường ở địa phương ông dao động từ 6.500 – 7.000 đồng/kg. Nhưng đối với lúa chất lượng cao, lúa liên kết với doanh nghiệp thì lên tới 8 - 9.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu liên kết với doanh nghiệp, nhà nông được vay phân bón và giống, lúc thu hoạch sẽ khấu trừ. Việc trồng và chăm sóc lúa được hướng dẫn kỹ thuật rất tỉ mỉ. Các hộ nông dân làm ăn lớn, liên kết với công ty được mua vật tư đầu vào giá thấp, các khâu từ trồng đến thu hoạch đều được cơ giới hóa, vì thế mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vậy là, vừa xong vụ gặt chiêm, nông dân ta đã nghĩ đến những mùa sau, với tư duy tích cực - sản xuất lúa chất lượng cao, không chỉ hướng tới tăng năng suất, mà chú ý tính toán về hiệu quả kinh tế. Đó là sự thay đổi rất lớn trong tư duy của người sản xuất hàng hóa.
Liên kết với doanh nghiệp cũng là thực hiện chủ trương “Liên kết bốn nhà”. Vấn đề ở chỗ, phải có chủ trương, biện pháp cụ thể, bước đi phù hợp, không để tự phát, không để liên kết một cách hình thức. Chỉ nhìn qua việc liên kết trồng lúa của nông dân với doanh nghiệp đã thấy biểu hiện chưa bền vững, bởi chưa rõ cơ chế chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro. Việc liên kết chủ yếu vẫn theo hình thức thương thảo thuận mua, vừa bán, một cái tặc lưỡi mất nửa túi tiền. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian, cho nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại bờ ruộng. Còn đối với người tiêu dùng vẫn thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín. Ở các đô thị lớn mấy bà nội trợ chả làm sao phân biệt được đâu là các loại gạo Đài thơm 8, Thơm RVT, Thái xuyên 111, BTR225, nếp Hương, Thiên ưu 8, Khang dân đột biến ... Cho nên loại gạo ST25 (Sóc Trăng 25) của Việt Nam đạt danh hiệu ngon nhất thế giới trong Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) mới bị gian thương làm giả để kiếm lời.
Còn nhiều chuyện đáng bàn về liên kết trong nông nghiệp. Cho đến nay vẫn còn tình trạng liên kết một cách hình thức. Vẫn còn những vị quan chức nói thao thao bất tuyệt về “liên kết bốn nhà” nhưng không hiểu đúng, hoặc hiểu mà không muốn làm. Cho nên mọi chuyện đều phó mặc cho địa phương, cho cơ sở lo. Đó là nguyên nhân dẫn đến bệnh thành tích chủ nghĩa, khi vui thì vỗ tay vào, khi thất bại thì trăm thứ tội đều đổ lên đầu “tập thể”. Cái câu “chịu trách nhiệm tập thể” là cái hầm trú ẩn trốn tội dễ nhất./.
Trần Quang