Ca khúc "Chiếc đèn ông sao" của nhạc sĩ Phạm Tuyên ngân vang khắp nẻo mỗi dịp Trung thu, từng đi vào sách giáo khoa của nước Đức. 

Trong ký ức của thế hệ 9x trở về trước, đêm trăng tròn, lũ trẻ cầm đèn tự chế từ hộp xà phòng, vỏ lon đi khắp xóm. Nhà nào sang hơn thì mua được đèn ông sao năm cánh, làm từ giấy kiếng lấp lánh. Đó là niềm mơ ước suốt tuổi thơ của nhiều người. Không có trống hội linh đình hay những điệu múa lân rồng, trung thu xưa vẫn náo nức mỗi khi một đoàn trẻ con đi ngang, miệng hào hứng hát: "Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh".

Chiếc đèn ông sao của nhạc sĩ Phạm Tuyên từ lâu đã đi vào đời sống của nhiều thế hệ theo cách giản dị như vậy, trở thành một phần không thể thiếu mỗi dịp Trung thu. Nhạc sĩ kể ca khúc ra đời năm 1956, khi ông đang dạy học tại Nam Ninh (Trung Quốc). Dịp Trung thu, nhìn các sinh viên ở học xá rước đèn, nhạc sĩ nhớ quê hương da diết, ông sáng tác Chiếc đèn ông sao để nguôi ngoai.

Trong ca khúc, món đồ chơi truyền thống của Việt Nam hiện lên mộc mạc, giản dị nhưng sinh động: "Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan!". Nhạc sĩ sử dụng những câu hát ngắn trên nền nhịp 2/4 với những phách mạnh - nhẹ đan xen, tạo cảm giác vui tươi, tựa như nhịp trống rộn ràng.

Từ chiếc đèn đồ chơi với "năm cánh tươi màu" ở đoạn một, nhạc sĩ liên tưởng đến chiếc đèn "năm cánh tươi vàng" trên lá cờ Tổ quốc ở đoạn hai: "Đây đèn ông sao sao năm cánh tươi vàng. Ánh sao sáng ngời chiếu miền non ngàn. Đây cầm đèn sao sao chiếu vô Nam. Đây ánh hòa bình đuổi xua loài xâm lăng!". Nhạc sĩ chia sẻ năm 1956, đất nước ở trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bị chia cắt. Hình ảnh "sao chiếu vô Nam", "ánh hòa bình đuổi xua loài xâm lăng" gửi gắm khao khát thống nhất quê hương.

Ngay sau khi ra đời, bài hát nhanh chóng phổ biến ở nhiều vùng miền qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, với phần thể hiện của nữ biên tập viên Tuấn Kỳ. Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm đắc ca khúc vì có nhiều kỷ niệm với nó. Năm 1967, nhạc sĩ Phạm Tuyên từng nhờ nhạc sĩ Dân Huyền mang máy ghi âm sang nhà để thu âm cho hai con gái. Trong căn nhà tập thể ở Đại La (Hà Nội), trên nền nhạc piano, chị Tuyền và Tuyến lanh lảnh hát Chiếc đèn ông sao. Sau đó, họ cùng nhau tự làm đèn, ăn bánh.

Năm 1972, khi nhạc sĩ Phạm Tuyên sang công tác ở Đức, giáo sư Hans Sandig ở thành phố Leipzig đã đến gặp gỡ ông, bày tỏ ngưỡng mộ ca khúc. Giáo sư cho biết dù không hiểu tiếng Việt, nhiều trẻ em Đức rất thích âm thanh rộn rã của bài hát, nhất là đoạn điệp khúc: "Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh". Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể họ thậm chí chuyển bài hát sang tiếng Đức. Tuy nhiên, sau nhiều năm, ông không còn giữ được bản ghi âm này. Tuy nhiên, trên kệ sách nhà ông vẫn giữ cuốn giáo khoa tiếng Đức in ca khúc, xuất bản năm 1971. 

Ở tuổi 89, nhạc sĩ đi lại khó khăn nên ở nhà thường xuyên. Một tháng nay, ông bồi hồi mỗi khi nghe lại bài Chiếc đèn ông sao trên tivi. Qua 63 năm, ca khúc trở thành bài hát thiếu nhi kinh điển, được nhiều người lớn và các em nhỏ thuộc lòng. "Hồi đó, thế hệ chúng tôi có nhiều dịp gần gũi với trẻ thơ nên sáng tác giản dị, không màu mè, được các em nhỏ yêu thích. Tôi nghĩ đó là lý do bài Chiếc đèn ông sao sống lâu trong lòng khán giả", nhạc sĩ Phạm Tuyên nói. 

Hà Thu

chiec den ong sao khuc ca dem ram Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu trong chiều Trung thu

Phố Hàng Mã trở thành một điểm đến mà bất cứ người Hà Nội đều muốn đến trong ngày Tết Trung thu.

chiec den ong sao khuc ca dem ram Những phong tục của người Việt trong Tết Trung thu

Các phong tục Tết trung thu giúp mọi người hiểu hơn phần nào về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ đoàn viên này.

/ vnexpress.net