Đó không còn là chuyện bí mật nữa, dù tài liệu này vẫn được đóng dấu "Tuyệt mật". Sau khi tờ The New York Times bất ngờ "phát pháo lệnh" vào ngày 20/8, tất cả các hãng truyền thông hàng đầu thế giới đều đã đua nhau lên bài về chuyện: Hồi tháng 3/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt một kế hoạch vũ khí hạt nhân, trong đó tái định hướng chiến lược răn đe của Mỹ, nhằm tập trung đối phó với nguy cơ kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngày càng được mở rộng, trở thành mối đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
"Chuyện không hẳn đã là như thế!"
Ngay lập tức, theo hãng tin Reuters, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Savett đã phải lên tiếng "làm rõ" rằng bản kế hoạch chiến lược hạt nhân vừa được đương kim Tổng thống Mỹ phê chuẩn ấy "không phải là phản ứng đối với một quốc gia hay mối đe dọa nào", và "mặc dù được xếp loại tuyệt mật, nhưng sự tồn tại của nó hoàn toàn không phải là bí mật".
Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (có trụ sở tại Mỹ) giải thích thêm: Họ hiểu rằng chiến lược và tình trạng vũ khí hạt nhân của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vẫn không thay đổi so với những gì được mô tả trong bản Báo cáo về tình trạng hạt nhân năm 2022, nghĩa là không có sự tái định hướng nào từ Nga sang Trung Quốc.
Ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, dẫn lại phát biểu hồi tháng 6 của Pranay Vaddi - Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về Kiểm soát Vũ khí, Giải trừ Quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân: Trong khi các nguồn tin tình báo Mỹ ước tính Trung Quốc có thể tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình từ 500 lên 1.000 đầu đạn vào năm 2030, thì hiện tại nước Nga đã có khoảng 4.000 đầu đạn hạt nhân, "và vẫn là động lực chính thúc đẩy chiến lược hạt nhân của nước Mỹ".
Theo những phát biểu đó, chiến lược của Mỹ vẫn là theo đuổi các biện pháp hạn chế vũ khí hạt nhân với Trung Quốc và Nga, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục triển khai quỹ đạo hiện tại, và nếu Nga vượt quá giới hạn của Hiệp ước START mới, thì tại một thời điểm nào đó trong tương lai, nước Mỹ có thể cần cân nhắc điều chỉnh quy mô và thành phần của lực lượng hạt nhân của chính mình, ông Kimball lập luận. "Tôi hiểu rằng thời điểm mà chính quyền hiện tại nghĩ rằng họ có thể muốn cân nhắc những thay đổi như vậy sẽ không xảy ra cho đến năm 2030, hoặc một thời gian sau đó", ông nói.
Những gì đang được lan truyền
Không phải ngẫu nhiên mà Nhà Trắng nỗ lực "chữa cháy" cấp tốc như vậy, bởi ngay sau khi tin tức được lan tỏa trên các mặt báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã lập tức phản ứng gay gắt khi bày tỏ rằng "Trung Quốc thực sự quan ngại về báo cáo liên quan", và "Bắc Kinh chỉ duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia, hoàn toàn không ngang bằng với Washington".
Bà cũng cáo buộc: Chính nước Mỹ là "tác nhân tạo ra nguy cơ chiến lược lớn nhất thế giới về mối đe dọa hạt nhân", khi áp dụng chính sách răn đe dựa trên việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu, đồng thời công khai nâng cấp bộ ba vũ khí hạt nhân (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền; tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm; và máy bay ném bom chiến lược) của mình. Trong khi đó, "Trung Quốc theo đuổi chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, và tuân thủ chiến lược tự vệ hạt nhân". Trung Quốc đã đề xuất năm cường quốc vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Nga, Pháp và Anh, thực hiện một thỏa thuận hoặc đưa ra tuyên bố về việc "cùng không sử dụng vũ khí hạt nhân trước".
Thực tế, liệu Nhà Trắng có lâm vào cảnh "tình ngay lý gian" hay không?
Thông tin về việc sửa đổi bản kế hoạch chiến lược vũ khí hạt nhân (mang tên "Hướng dẫn Sử dụng Hạt nhân") ấy chưa từng được công bố chính thức. Tài liệu này thường được sửa đổi 4 năm một lần, và vì tính chất nhạy cảm của nó, chỉ một nhóm rất nhỏ quan chức có phận sự mới được tiếp cận. Ngay cả các thành viên Quốc hội cũng không có toàn quyền tiếp cận các hướng dẫn nêu chi tiết về phản ứng của Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Theo The New York Times, không có bản sao điện tử nào của nó tồn tại, chỉ có một số bản cứng được phân phát cho các quan chức an ninh quốc gia và Lầu Năm Góc.
Không ai biết, bằng cách nào The New York Times đã tiếp cận được những thông tin này. Song, thật ra, trong thời gian gần đây, cũng đã có những quan chức cấp cao công khai đề cập tới những thay đổi trong bản kế hoạch đang gây sóng gió này. Đơn cử, hồi tháng 6, ông Pranay Vaddi nhấn mạnh: Chiến lược mới tầm quan trọng của khả năng răn đe các đối thủ của Mỹ trong cùng một thời điểm (mà cụ thể là Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Iran).
Trước đây, khả năng các địch thủ của Mỹ phối hợp tạo ra các mối đe dọa hạt nhân để vượt qua sức mạnh tổng thể kho vũ khí hạt nhân mà nước Mỹ sở hữu là khá xa vời. Nhưng, các diễn biến địa chính trị trong quá khứ gần, trên quỹ đạo tái định hình trật tự thế giới đang tạo nên những thay đổi rất đáng lưu tâm. Do đó, ông tiết lộ: Washington đang xem xét mở rộng kho vũ khí của mình để chống lại khả năng tấn công của đối thủ. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ tiến hành các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm kho dự trữ hạt nhân toàn cầu.
Hoặc, đầu tháng 8/2024 này, ông Vipin Narang, cựu quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách không gian, hé lộ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden "gần đây đã ban hành Hướng dẫn sử dụng vũ khí hạt nhân bản cập nhật, nhằm ứng phó với nhiều đối thủ có vũ khí hạt nhân, mà đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về quy mô và sự đa dạng của kho vũ khí hạt nhân mà Trung Quốc đang nắm giữ".
Giữa "đúng" và "sai"
Từ lập trường của người đang nắm trọng trách lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới, việc lên kế hoạch sẵn sàng để chuẩn bị trước cho mọi biến cố có thể ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia là điều hợp lý. Ở góc nhìn ấy, bản Hướng dẫn Sử dụng Hạt nhân cập nhật này có thể xem là một lời nhắc nhở rõ ràng, về việc bất cứ ai tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025 tới đây cũng đều sẽ phải đối mặt với một bối cảnh bất ổn và khó dự liệu hơn nhiều so với trước đây. Đó sẽ là một di sản hoàn toàn không dễ tiếp nhận và xử lý.
Tuy nhiên, hơn thế, việc để rò rỉ những thông tin (đúng ra là phải được bảo vệ ở mức "Tuyệt mật" đích thực) đó lại xảy ra không hề đúng thời điểm. Như bình luận từ Newsweek, bài báo của The New York Times xuất hiện khi căng thẳng về các mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng từ các đối thủ của Mỹ, như Trung Quốc và Nga, đang tiếp tục gia tăng (chưa kể tới các mâu thuẫn địa chính trị, cạnh tranh quyền lực hay xung đột về lợi ích kinh tế).
Chuyện chiến lược hạt nhân sửa đổi của Mỹ bị tiết lộ, vì thế, lại càng có vẻ đi ngược với lời khuyên từ giới nghiên cứu, thí dụ như chuyên gia Lyle Goldstein thuộc tổ chức nghiên cứu Defense Priorities, cựu giáo sư Học viện Hải quân Mỹ: "Washington nên tránh kích động, áp dụng chủ nghĩa thực dụng và cần phải kiềm chế đối với nhiều tình huống khó xử trong chính sách đối ngoại, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác trong tương lai giữa các cường quốc, bao gồm cả việc tái tham gia kiểm soát vũ khí". Bởi, theo ông, cho tới nay, Bắc Kinh, Moscow và Bình Nhưỡng "đã hành động với mức độ kiềm chế hợp lý, trong việc chính thức hóa khả năng phối hợp quân sự và chiến lược của họ".
Vấn đề là, cách mà ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm tiếp cận vấn đề thông qua việc ký phê duyệt bản kế hoạch cập nhật này, lại khá tương đồng với quan điểm của… cựu Tổng thống Donald Trump - người luôn nhấn mạnh những thách thức vừa được tô đậm thêm một lần nữa. Và cũng vì vậy, kể cả khía cạnh này lẫn những hệ lụy lâu dài trên bình diện ngoại giao, trong mối quan hệ với các "kình địch" đã được "điểm mặt chỉ tên", người tiếp nhiệm của Tổng thống Joe Biden hẳn cũng sẽ còn phải trải qua rất nhiều đợt lao tâm khổ tứ…