40 năm trôi qua, song ám ảnh về vụ tàn sát 43 người dân trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 vẫn hằn in trong tâm trí những người ở lại.
Mỗi năm, cứ đến tháng 2, người dân TP Cao Bằng lại xót xa nhớ về vụ thảm sát do quân xâm lược Trung Quốc xuống tay với hàng chục người dân ở bản Tổng Chúp (xã Hưng Đạo).
| |
Bảng gỗ khắc ghi tội ác của quân Trung Quốc |
Ngày 9/3/1979, trên đường lui quân sau những âm mưu chiếm đánh các tỉnh phía Bắc Việt Nam bất thành, quân Trung Quốc đã ra tay sát hại 43 người dân.
Ông Đào Nguyên An (SN 1947), nguyên Giám đốc nông trường Cao Bằng, là người trực tiếp tổ chức cho công nhân đến nhận dạng và lượm 43 thi thể trên kể lại, trước ngày 17/2/1979, toàn bộ nông trường đã có nhiều cuộc họp quán triệt và tập dượt đề phòng khi có giặc sang xâm lược sẽ có cách phòng bị. Từng người trong các trại được phân công trực theo ca, phát hiện thấy kẻ thù sẽ đánh kẻng thật lớn để báo động.
Rạng sáng 17/2 mở màn bằng tiếng bom đạn chát chúa, từng đoàn quân Trung Quốc tràn qua biên giới, đánh chiếm các vị trí ở thị xã Cao Bằng, đi đến đâu chúng gieo chết chóc và điêu tàn đến đó.
Nhận tin dữ, tại nông trường Cao Bằng, các công nhân trại lợn Đức Chính được lệnh di tản. Nhưng trong quá trình chạy trốn, họ bị quân lính Trung Quốc phát hiện. Chúng sát hại 43 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, bằng búa và cọc tre. Thi thể các nạn nhân bị ném xuống một chiếc giếng ở bản Tổng Chúp.
| |
Ông Đào Nguyên An hồi tưởng quá khứ qua các bức ảnh tư liệu |
Ông An nghẹn ngào nhớ lại phút nhận dạng các đồng nghiệp bị sát hại: “Quanh chiếc giếng ấy tre mọc san sát, mùa này (tháng 3) lá tre rụng xuống phủ dày con đường. Giếng rộng khoảng 3m, sâu 7m nằm tại xã Hưng Đạo, ngày tôi đến, những gì hiện lên trước mắt tôi thật quá sức tưởng tượng”.
“Giếng tanh mùi máu, nước giếng nhuộm màu đen với những thi thể người đang phân hủy. Khi vớt lên, có những người bị rạch bụng. Trên cành tre đối diện giếng, tôi hoảng hồn khi thấy một chân người bị cắt ra, treo ngược lên”, ông An kể.
Theo ông An, tất cả mọi người đều sững sờ với những gì hiện ra trước mắt nhưng nén đau thương, ông và những người còn lại nghĩ cách vớt các thi thể lên để nhận dạng và đưa đi chôn cất.
| |
Giếng cổ đã bị lấp nhưng nỗi đau vẫn âm ỉ suốt 40 năm qua |
Thi thể mẹ địu con từ đáy giếng
Cũng như ông An, bà Nguyễn Thị Đào (SN 1957) vẫn chưa thôi ám ảnh về cuộc chiến tranh đã nằm lại sau lưng 40 năm. Hồi ấy, bà Đào mới bước sang tuổi 22, đảm nhận vị trí kho quỹ của trại nuôi lợn Đức Chính.
Ngày Trung Quốc tràn sang, bà là người gõ kẻng báo động đầu tiên để hô hoán mọi người ‘chạy Tàu”. Thế rồi, cũng chính bà là người được đơn vị cử đến để nhận dạng các đồng nghiệp trong vụ thảm sát đẫm máu ở Tổng Chúp.
“Tôi không dám nghĩ lại chuyện cũ. Vào tháng 2 hàng năm, tôi lại cố lừa dối bản thân mình tất cả chỉ là một cơn ác mộng để không phải nghĩ lại những giây phút đau đớn năm ấy. Nhưng tôi hiểu, những thứ thuộc về quá khứ, về lịch sử thì không thể thay đổi”, bà Đào mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm lắng.
Chưa một phút giây nào bà quên được khoảnh khắc chứng kiến những người bạn sớm tối có nhau nay nằm bất động dưới đáy giếng.
“Trước khi quân Trung Quốc sang, chị em chúng tôi suốt ngày cười đùa rồi tâm sự những câu chuyện về tình yêu, gia đình khi cùng lao động ở trại chăn nuôi lợn. Nhưng rồi một ngày, tôi phải lượm từng thi thể, rồi đưa họ đoạn đường cuối cùng để về với thế giới bên kia”, bà Đào tâm sự.
Trong những điều đã phải chứng kiến, bà ám ảnh nhất hình ảnh mẹ địu con được nhấc lên từ đáy giếng.
| |
Bà Nguyễn Thị Đào |
“Các cán bộ dùng 4 móc tự chế rồi kéo các thi thể lên. Tôi nhớ mãi hình ảnh một người chị em của mình vẫn đang địu trên lưng đứa con nhỏ khi được kéo lên”, bà Đào nghẹn ngào.
Trong số các nạn nhân, người dân nơi đây cũng không thể quên câu chuyện của gia đình ông Ất - Trưởng trại lợn Đức Chính, trong cuộc thảm sát đẫm máu ngày 9/3/1979.
Theo lời kể của ông Đào Nguyên An, quá trình chạy loạn, gia đình ông Ất bị lạc nhau, vợ cùng 2 người con nhỏ và một cháu bé còn trong bụng mẹ sa vào tay giặc và bị tàn sát. Qụy ngã trước thi thể vợ con, người đàn ông dân tộc Nùng khóc không thành tiếng, ông đau đớn đưa vợ con đi chôn cất. Đến nay, người đàn ông ấy cũng đã qua đời, nhưng câu chuyện bi thương của họ vẫn ám ảnh những người ở lại.
Cuộc chiến đã trôi qua 40 năm, giếng cổ năm nào nay nằm lặng lẽ dưới những rặng tre già. Con đường dẫn vào ngôi giếng nay rậm rạp cỏ cây, dòng suối nhỏ vẫn uốn quanh, thì thầm chảy lặng lẽ mỗi ngày như muốn ‘xoa dịu’ những uất ức chìm trong từng thớ đất.
Tấm biển bằng gỗ đặt trên gốc tre khắc sâu dòng chữ “Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo huyện Hòa An. Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước” - như một lời nhắc nhở về những nỗi đau mà cuộc chiến để lại. Những nén tâm nhang vẫn được thắp lên, sưởi ấm những phận người vô tội nơi lạnh lẽo, tang thương.
Cuộc chiến biên giới phía Bắc: Những điểm cao đau thương Đặc công và bộ binh của ta phải lần vách đá bò lên, trong khi chúng nã pháo ngày đêm đến mức như nung đá ... |
Chiến tranh biên giới phía Bắc và nơi lưu giữ tuổi xuân những người lính Điểm cao 468, nơi đặt đài hương tưởng niệm các liệt sĩ, nơi hội quân của Sư đoàn 356, nơi lưu giữ tuổi xuân của ... |