Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 5-3 đã có báo cáo công khai kết quả rà soát GS, PGS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Theo đó, đến ngày 5-3, có 1.131 hồ sơ ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2017 bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, không có đơn thư tố cáo. Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) sẽ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 đối với các ứng viên này.

Rút tên trưởng khoa "đạo" luận văn

Như vậy, ngoài 94 trường hợp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã báo cáo với Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 2, đến nay HĐCDGSNN bổ sung thêm 1 trường hợp "không đạt chuẩn" trong số 1.226 hồ sơ đã được thông báo trước đó. Đó là ứng viên ở Trường ĐH Công nghiệp TP HCM bị tố cáo sao chép luận văn.

HĐCDGSNN cũng cho hay đối với số hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, cần xác minh thêm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, hội đồng đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan liên quan cung cấp tài liệu, bằng chứng. Hội đồng cũng đã giao tổ công tác làm việc trực tiếp với cơ quan liên quan để xác minh thêm. Những ứng viên có đơn thư khiếu nại, tố cáo được xem xét theo quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

chinh khach khong nhat thiet la giao su

Giáo sư, phó giáo sư nên là những người chỉ chuyên làm công tác giảng dạy chứ không nên là chính khách

"Thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ tịch HĐCDGSNN và HĐCDGSNN đã nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc vì còn có hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, cần xác minh thêm trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017" - báo cáo nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN giao thanh tra bộ chủ trì xác minh làm rõ thông tin các trường hợp mà hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, cần xác minh thêm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, sớm công bố kết quả xác minh.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới để thay thế và áp dụng ngay từ đợt xét công nhận GS, PGS mới.

Không nên để chính khách tham gia giảng dạy

Việc rà soát GS, PGS đã đặt ra vấn đề nóng là các quan chức, các lãnh đạo quản lý nhà nước có nhất thiết là GS, PGS hay không? Chia sẻ với báo chí, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng nếu đã làm công tác quản lý, đặc biệt đã là bộ trưởng thì đừng đặt vấn đề làm GS, PGS. "Tôi khẳng định bộ trưởng không bao giờ đủ thời gian để làm đủ tiêu chuẩn của GS, PGS. Chính khách mà làm GS, PGS thì đều là trường hợp có vấn đề cả. Vì giờ giảng, giờ nghiên cứu lấy đâu ra? Nếu công khai tất cả điều đó ra thì tôi khẳng định sẽ lộ hết" - ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cũng cho rằng đã đến lúc pháp luật có quy định không nên để chính khách tham gia giảng dạy ở trường đại học, đứng tên chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nào hay làm GS, PGS. "Còn nếu muốn làm GS, PGS thì không nên làm chính khách nữa. Nếu chính khách toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ thì họ còn chẳng đủ thời gian điều hành công việc nữa chứ đừng nói đến việc làm GS, PGS" - ông Nhưỡng nói.

"Trang trí" cho cán bộ lãnh đạo

Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, cho rằng công việc chính của quan chức nói chung, bộ trưởng nói riêng, là làm hành chính, chính sách; chức danh GS, PGS chỉ nên dành cho những người giảng dạy tại các cơ sở đại học. Khi quan chức đi liền với chức danh GS, dù có thanh minh thế nào cũng thể hiện tính háo danh.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng khẳng định GS là chức danh dành cho cán bộ giảng dạy. Quan chức nhà nước phải là người khởi xướng chính sách, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách chứ không giảng dạy, đào tạo. Ông Vân cũng thẳng thắn cho rằng chỉ có ở Việt Nam, chức danh GS được coi như một "tiêu chuẩn trang trí" để "làm đẹp" thêm cho cán bộ lãnh đạo xuất phát từ thói háo danh.

Rút kinh nghiệm sâu sắc!

Văn phòng Chính phủ chiều 5-3 đã thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đợt năm 2017.

Theo đó, Thường trực Chính phủ đã thống nhất kết luận: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN và hội đồng chức danh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm một cách sâu sắc vì để tình trạng còn nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, cần phải xác minh thêm trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đợt năm 2017.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ tịch HĐCDGSNN xem xét và quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đối với những ứng viên đã bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định và chịu trách nhiệm về các hồ sơ này. Đối với các trường hợp mà hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, cần xác minh thêm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo rà soát lại kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận và rà soát lại.

Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận tới.

Bài và ảnh: HOÀNG LAN ANH

chinh khach khong nhat thiet la giao su Lãnh đạo quản lý có nên “làm” giáo sư?

Tranh luận về vấn đề lãnh đạo quản lý, bộ trưởng các bộ, ban, ngành có nên làm hồ sơ công nhận chức danh giáo ...

chinh khach khong nhat thiet la giao su Bộ trưởng Bộ GDĐT phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc xét duyệt GS, PGS

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và Hội đồng chức danh ...

/ https://nld.com.vn