Sau khi hàng loạt bệnh viện lên tiếng việc thiếu trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất khiến người bệnh phải khốn khổ, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tập trung tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm, đầu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế để bảo đảm yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đã hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ. Trong 2 ngày vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định, Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn về thanh toán BHYT, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Theo Bộ Y tế, khi triển khai các văn bản này, sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang rất cấp bách hiện nay.

Giảm ca mổ, chuyển người bệnh sang viện khác

Trước sức “nóng” của việc thiếu trang thiết bị y tế, cạn kiệt vật tư hoá chất, khiến nhiều bệnh viện phải chuyển bệnh nhân đi nơi khác, hoặc phải hạn chế mổ phiên… khiến người bệnh lâm vào cảnh khốn khổ, Báo CAND đã có 2 bài phản ánh về tình trạng này. Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức sau 3 ngày hạn chế mổ phiên, chúng tôi được biết, nhiều bệnh nhân rất lo lắng.

334099466_234188828956764_366786-1678061302517
Người bệnh mong ngóng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế sớm được tháo gỡ.

Theo một bác sĩ, trên lịch mổ chính đã được sắp xếp vào trước ngày 1/3, anh mổ 19 bệnh nhân, nhưng đến nay chỉ đủ vật tư, hoá chất mổ cho 9 bệnh nhân. Hiện có 3 nhóm bệnh nhân: Nhóm bệnh nhân cấp cứu không thể trì hoãn buộc phải mổ cấp cứu ngay; nhóm 2 là bệnh nhân nặng càng mổ sớm càng tốt; nhóm bệnh nhân có thể trì hoãn được. Với nhóm 1, các bác sĩ phải mổ cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong, nên được ưu tiên hàng đầu. Nhóm thứ 2, xét từng trường hợp các bác sĩ sẽ cân nhắc vì bệnh nhân nặng sẽ phải làm xét nghiệm sau mổ rất nhiều lần, vật tư tiêu tốn bằng 3-4 lần bệnh nhân nhẹ. Tuy nhiên, hiện các hoá chất để làm các xét nghiệm sau mổ cũng rất hạn chế, nên những trường hợp này cũng phải chậm lại. Còn nhóm bệnh nhân có thể trì hoãn được thuộc nhóm gây tê tuỷ sống, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc khác hoặc dùng gây tê thần kinh để tiến hành mổ, nhưng con số này cũng rất hạn chế.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Bệnh viện vẫn làm việc bình thường, giảm ca mổ là tuỳ thuộc vào vật tư nào thiếu thì mới dừng mổ. Chúng tôi vẫn cố gắng phục vụ người bệnh”.

Bệnh viện K hiện cũng thiếu máy xạ trị trầm trọng. Người bệnh phải chờ đến 2-3h sáng mới tới lượt xạ trị. Cả bệnh viện có 6 máy xạ trị, trong đó 3 máy của liên doanh, 3 máy do nhà nước đầu tư. Riêng 3 máy nhà nước đầu tư thì có 2 máy hỏng, hiện chỉ còn 1 máy hoạt động với công suất 240-250 bệnh nhân/24 giờ. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân chờ xạ trì đông hơn nhiều so với công suất máy, vì thế người bệnh phải xếp hàng chờ, thậm chí là xạ vào lúc nửa đêm về sáng. Các bác sĩ Khoa Xạ trị cho biết, họ phải làm 3 ca, không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Một số bệnh nhân phải điều trị 5 buổi/tuần, bác sĩ phải làm cả thứ Bảy, Chủ nhật. Mỗi ngày Bệnh viện K có 2.000 đến 2.300 bệnh nhân ung thư có nhu cầu điều trị, nếu cả 6 máy hoạt động tốt cũng chưa đủ phục vụ đủ nhu cầu.

Thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người bệnh khốn khổ suốt thời gian qua, trong khi nhiều bệnh viện không dám đấu thầu, mua sắm vật tư vì liên quan đến quy định 3 báo giá. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã khẩn trương giải quyết 4 vấn đề lớn nhằm gỡ khó tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, trang thiết bị trong các bệnh viện.

Thứ nhất, Bộ Y tế tham mưu, đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết 80 cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024 để phần nào giải quyết trình trạng thiếu thuốc, thuốc đến hạn.

Thứ hai, Bộ đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định 98 sửa đổi. Khi Nghị định này ban hành sẽ giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế như các bệnh viện lớn Việt Đức, Chợ Rẫy, Bạch Mai... đang gặp phải.

Thứ ba, Bộ Y tế dự thảo Nghị định 146 sửa đổi về thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và rà soát các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, với yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng có mặt hàng không thể lấy đủ 3 báo giá, đó là những mặt hàng đặc chủng, trên thị trường chỉ có 1 loại máy và 1 giấy báo giá thì đề xuất chỉ được phép 1 báo giá; còn máy nào đủ điều kiện 3 báo giá thì phải đảm bảo đủ.

Ngày 3/3, Chính phủ đã ký và ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế để giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế thời gian vừa qua. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, Nghị định 07 cơ bản giải quyết được vấn đề thông quan, nhập khẩu trang thiết bị y tế, tạo nguồn cung cho các bệnh viện thực hiện mua sắm trang thiết bị.

Còn trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, Nghị định 07 mới chỉ khắc phục được cơ bản của việc thiếu trang thiết bị y tế hiện nay. Để giải quyết được tình trạng này còn nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến các bộ, ngành khác, mà Bộ Y tế còn phải tiếp tục họp bàn, rà soát, đề xuất với Chính phủ để đưa vào nội dung sửa đổi Nghị quyết 144 ngày 5/11/2022 về đảm bảo trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT. Thứ trưởng Tuyên cho biết, nhiều cơ sở y tế “mong ngóng” được Chính phủ ban hành, bổ sung sửa đổi và tiếp tục kéo dài Nghị quyết 144.

Giải quyết cấp bách các vấn đề “nóng”

Sau rất nhiều mong ngóng, ngày 4/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Nói về hiệu quả của Nghị quyết 30, Bộ Y tế cho biết, Nghị quyết có hiệu lực ngay khi ban hành, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, kịp thời mở ra cơ chế đáp ứng nguồn cung cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất… bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay.

Bộ Y tế cũng đánh giá, Nghị quyết số 30 là căn cứ để các bộ, ngành, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ các bên, góp phần đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo Bộ Y tế, Nghị quyết 30 tiếp tục cho thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất. Nghị quyết cũng quy định nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ BHYT thanh toán. Đồng thời, cho phép áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Nghị quyết cũng cho phép sử dụng các trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ BHYT thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này vàđược sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Nghị quyết 30 được ban hành, các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai cơ bản được tháo gỡ một loạt vướng mắc trong thời gian vừa qua như máy xã hội hoá, máy hỏng chưa đấu thầu mua sắm được thiết bị thay thế... Hiện, bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các phương án để tiếp nhận sự tháo gỡ này. Tương tự, các bệnh viện như Việt Đức, Chợ Rẫy… cũng sẽ khắc phục được tình trạng thiếu vật tư, hoá chất và nguy cơ tạm ngừng hoạt động… Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện và ban hành các văn bản hướng dẫn để thống nhất thực hiện Nghị quyết 30 trong toàn ngành theo đúng quy định của Chính phủ.

 

Trần Hằng / CAND