Dự án đường sắt tốc độ cao có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, do vậy "phải được nghiên cứu thận trọng để tạo sự đồng thuận".
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Ông yêu cầu Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét kỹ sự cần thiết đầu tư, hiệu quả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của dự án.
Đồng thời, làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư dự án trong giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là cân nhắc nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình giao thông lớn (như đường bộ cao tốc, hệ thống cảng hàng không, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có và các hạ tầng giao thông khác) hoặc đề xuất đầu tư dự án giai đoạn sau năm 2030 để cân đối nguồn vốn; báo cáo Thủ tướng xem xét để trình các cấp thẩm quyền theo quy định.
Bộ Giao thông được giao tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và người dân; thu thập thêm kinh nghiệm các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao để có đủ cơ sở hoàn thiện dự án.
Tàu cao tốc ở Nhật Bản. Ảnh: Japan Railway. |
Theo Phó thủ tướng, đây là dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn và đi qua nhiều địa phương trên hành lang Bắc - Nam nên quá trình chuẩn bị đầu tư phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận cao của Chính phủ, Trung ương, Quốc hội và người dân.
Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải và các tổ chức tư vấn đã nỗ lực thực hiện việc nghiên cứu dự án; xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, đặc biệt là việc xác định giai đoạn đầu tư dự án.
Theo báo cáo tiền khả thi do Bộ Giao thông Vận tải lập, dự án đường sắt tốc độ dài 1.559 km đi qua 20 tỉnh thành từ Bắc vào Nam; dự kiến 60% chiều dài tuyến đi trên cầu cạn, 10% đi trong hầm, 30% đi trên nền đất.
Nếu chạy tàu với tốc độ 320 km/h, dừng mỗi ga 2 phút, đơn vị tư vấn tính toán thời gian chạy tàu đoạn Hà Nội - Vinh hết 1 giờ 20 phút, đoạn TP HCM - Nha Trang là 1 giờ 35 phút, đoạn Hà Nội - Đà Nẵng là 2 giờ 24 phút. Toàn tuyến từ Hà Nội đến TP HCM tàu vận hành khoảng 5 giờ 17 phút nếu đỗ ít ga và 6 giờ 50 phút nếu đỗ nhiều ga.
Bộ GTVT: Đi đường sắt tốc độ cao nhanh, rẻ hơn máy bay Khi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi vào hoạt động vận tải hàng không cự ly ngắn và trung bình không còn nữa ... |
Bộ Giao thông nghiên cứu hai phương án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam Bộ trưởng Giao thông yêu cầu nghiên cứu thêm phương án đầu tư hạ tầng toàn tuyến, khai thác bằng đầu máy diesel rồi từng ... |