France 24 ngày 27/8 đưa tin, lệnh báo động mức cao nhất vừa được chính quyền quân sự tại Niger ban hành đối với các lực lượng vũ trang nước này, trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) vừa tái khẳng định việc không loại trừ khả năng tiến hành biện pháp quân sự vào Niamey nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp.

Thông báo của chính quyền quân sự Niger cho hay, các lực lượng vũ trang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, với lý do mối đe dọa bị tấn công ngày càng gia tăng.

“Các mối đe dọa xâm lược lãnh thổ quốc gia đang ngày càng được cảm nhận rõ ràng”, thông báo nêu rõ. Theo đó, họ cho phép các lực lượng vũ trang phản ứng đầy đủ trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công nào xảy ra, tránh tình trạng bị động và bất ngờ. 

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ECOWAS vừa tái khẳng định việc không loại trừ khả năng tiến hành biện pháp quân sự vào Niamey nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp, dù Chủ tịch ECOWAS Omar Alieu Touray hôm 25/8 cho biết họ “quyết tâm lùi bước để đáp ứng các nỗ lực ngoại giao".

ng2-1693096988731
Tướng Abdourahamane Tchiani - người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, ra thông báo đặt các lực lượng vũ trang trong tình trạng báo động cao nhất. Ảnh: France24.

Trước đó, chính quyền quân sự Niger tuyên bố sẽ ủy quyền cho lực lượng vũ trang các nước láng giềng Mali và Burkina Faso can thiệp vào lãnh thổ Niger trong trường hợp nước này bị tấn công. Hiện Mali và Burkina Faso đã tuyên bố sẽ ủng hộ Niger nếu nổ ra một cuộc xung đột với ECOWAS.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, chính quyền quân sự Niger đã yêu cầu Đại sứ Pháp Sylvain Itte phải rời Niamey với lý do nhà ngoại giao này từ chối lời mời tham gia một cuộc đối thoại do chính quyền quân sự tổ chức và Chính phủ Pháp liên tục có những động thái làm tổn hại lợi ích của Niger. 

Phản ứng trước động thái này, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đã nhận được yêu cầu từ phía chính quyền quân sự Niger và bác bỏ đề nghị trên. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, Đại sứ Pháp tại Niger hiện nay đã được chấp nhận bởi chính phủ dân chủ do người dân Niger bầu ra và chính quyền quân sự hiện nay tại Niger không có đủ tính hợp hiến để đưa ra yêu cầu trục xuất. 

Được biết, Pháp đang duy trì khoảng 1.500 binh sỹ đồn trú tại một số căn cứ quân sự ở Niger theo thỏa thuận hợp tác đã ký với chính quyền Niger từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum đêm 26/7 vừa qua, chính quyền quân sự Niger tuyên bố hủy bỏ toàn bộ các thỏa thuận hợp tác quốc phòng đã ký với Pháp.

Kim Ngọc / CAND