Trước “cơn bão” tăng học phí trong năm học 2022- 2023, nhiều trường đại học đã có các chính sách học bổng, miễn giảm học phí cùng cơ chế hỗ trợ tài chính hấp dẫn để thu hút người học. Bên cạnh đó, tín dụng của Nhà nước cho sinh viên nghèo vay vốn cũng được điều chỉnh tăng lên từ 2,5 triệu lên 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cả quỹ học bổng lẫn quỹ tín dụng cho sinh viên nghèo vay vốn không thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế và không phải đối tượng nào cũng có thể tiếp cận được.

Nhiều đại học thu hút học sinh giỏi bằng chính sách học bổng

Năm 2022, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) sẽ dành kinh phí 9 tỷ đồng để trao tặng học bổng nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Trong đó, thí sinh đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn khoa học tự nhiên Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực sẽ được trao học bổng toàn phần trị giá tối đa 187 triệu đồng/suất, riêng với ngành Kỹ thuật hàng không, mức học bổng toàn phần lên tới 340 triệu đồng/suất. Các thí sinh đoạt giải Nhì, Ba và Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn khoa học tự nhiên sẽ nhận được mức học bổng lần lượt là 30 triệu, 20 triệu và 10 triệu/năm học, cho toàn khóa học 3 năm hoặc 4 năm.

Ngoài ra, USTH cũng có chính sách học bổng đa dạng cho các thí sinh có kết quả học tập xuất sắc ở bậc THPT, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có thành tích học tập xuất sắc trong năm học liền trước tại USTH với các mức học bổng từ 10 triệu đến 45 triệu đồng/năm học.

PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Kinh phí học bổng của USTH được trích từ nguồn thu học phí và được điều chỉnh hàng năm tương ứng với quy mô phát triển của Trường nhằm thu hút sinh viên đầu vào giỏi và động viên, khuyến khích những sinh viên xuất sắc trong suốt quá trình học tập. Trong đợt xét học bổng lần 1 năm học 2022-2023, có 223 thí sinh được xét nhận học bổng, đợt xét học bổng lần 2 sẽ diễn ra vào tháng 10/2022.

Chính sách học bổng có thực sự hỗ trợ được sinh viên trước “cơn bão” tăng học phí? -0
Gánh nặng học phí vẫn là rào cản đối với nhiều học sinh nghèo trong hành trình thực hiện giấc mơ vào đại học.

Nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định triển khai Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022-2023. Theo quyết định này, có 18 ngành triển khai chương trình học bổng. Mỗi ngành sẽ có tối thiểu 5 suất học bổng trong một khóa học. Số suất học bổng hàng năm do hiệu trưởng quyết định tùy thuộc vào số lượng và chất lượng hồ sơ ứng tuyển. Mức học bổng bao gồm miễn học phí và bố trí chỗ ở trong ký túc xá cho cả khóa học (4 năm học), hỗ trợ sinh hoạt phí tối thiểu 2 triệu đồng/tháng trong năm thứ nhất và các năm tiếp theo nếu duy trì được học lực loại giỏi trở lên.

Đối với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, bên cạnh quỹ tín dụng vay vốn học tập lãi suất 0%, trường còn có nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp như học bổng tài năng, học bổng doanh nghiệp. Năm học 2022-2023, sinh viên thuộc 6 ngành nhóm khoa học xã hội và nhân văn được trường này hỗ trợ 35% học phí; nhóm ngành ngôn ngữ cũng được hỗ trợ 35%. Năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tiếp tục dành khoảng 60-70 tỷ đồng làm quỹ học bổng khuyến khích học tập cho những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Học bổng được xét theo học kỳ dựa trên kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên.

Ngoài ra, nhà trường còn có học bổng hỗ trợ học tập Trần Đại Nghĩa xét cấp cho sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; học bổng tài trợ từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân. Ngoài học bổng của các trường, chính sách miễn giảm học phí, sinh viên còn có thể vay tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về tín dụng cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, chỉ có sinh viên thuộc các hộ nghèo, cận nghèo hoặc có mức sống trung bình mới được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để học tập trong suốt thời gian học đại học.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả thực hiện chương trình tín dụng học sinh, sinh viên giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, có trên 3,6 triệu người học được vay vốn để trang trải học tập. Trong khi đó, lệ học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn chiếm từ 10-15% số lượng nhập học hằng năm.

Sinh viên nghèo không dễ tiếp cận học bổng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, học bổng hiện có 3 loại: Học bổng cho sinh viên giỏi, học bổng dành cho sinh viên một số ngành đào tạo đặc thù và học bổng dành cho sinh viên nghèo. Trong đó, cả loại 1 và loại 2 không phải học sinh nghèo nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận. Riêng đối với học bổng dành cho sinh viên nghèo, kết quả học tập không cần phải giỏi nhưng cũng đừng tệ quá. Tuy nhiên, khổ nỗi là nhà nghèo, lo đi làm thêm kiếm tiền nên kết quả học tập của sinh viên nghèo nhiều lúc cũng không “đủ đẹp” để nhận được học bổng này. Bên cạnh đó, số lượng học bổng này cũng rất hạn chế so với nhu cầu thực tế.

“Gần 20 năm nay, mình đi xin tiền từ các cựu sinh viên và người quen để giúp cho những sinh viên nghèo, chỉ gói gọn cho sinh viên trong khoa của mình. Học bổng này chủ yếu dành riêng cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mà do gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai nên không còn nhiều thời gian cho việc học, vì vậy không có cơ hội nhận được các nguồn học bổng khác vốn thường dành cho sinh viên giỏi. Tuy nhiên, công sức của mình cũng chỉ như muối bỏ biển. Gần đây Hội cựu sinh viên cũng có thêm nhiều nguồn học bổng nữa nhưng thật sự cũng chỉ giúp được một phần. Mình biết có những bạn ngày mai thi hay đến hạn nộp đồ án mà tối nay vẫn lật đật chạy đi làm thêm. Mình biết có những bạn triền miên sống bằng mì gói”, giảng viên một trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, học bổng hiện nay chủ yếu để khuyến khích người học vào một số ngành nghề Nhà nước có nhu cầu; học bổng cho sinh viên xuất sắc, học bổng khuyến khích sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, quỹ học bổng này chỉ dành cho một số rất ít sinh viên nên so với nhu cầu chung vẫn chỉ như “muối bỏ biển”.

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp kiểm soát việc tăng học phí chứ không thể thả nổi cho các trường. Bởi nếu học phí tăng vượt quá khả năng của nhiều gia đình thì dù đam mê đến mấy, người học cũng không gánh nổi học phí. Như vậy sẽ không đảm bảo công bằng xã hội.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người cũng cho rằng: Khi trường đại học nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ dựa vào học phí thì không ổn. Học phí dù được các trường điều chỉnh tăng theo lộ trình, theo Nghị định của Chính phủ nhưng cũng cần có sự kiểm soát, phải đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng của giáo dục để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

 https://cand.com.vn/giao-duc/chinh-sach-hoc-bong-co-thuc-su-ho-tro-duoc-sinh-vien-truoc-con-bao-tang-hoc-phi--i665647/

Huyền Thanh / Công an nhân dân