Ba Thông tư quan trọng (Thông tư 06, 07, 08) do Bộ GD&ĐT ban hành liên quan đến giáo viên, học sinh thi tốt nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5/2023.
Thông tư 08 quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức dạy học trong các trường công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 30/5.
Xếp lương giáo viên
Thông tư 08 mới quy định, khi bổ nhiệm chức danh từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.
Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì tiếp tục giữ hạng cũ. Mã số và hệ số lương sẽ được xếp theo quy định cũ, không bổ nhiệm hạng thấp hơn. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm chức danh tương ứng, không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, để đưa ra được việc xếp lương mới này, Bộ đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, lấy ý kiến của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông.
Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.
Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00.
Giảm thời gian giữ chức danh
Thông tư 08 cũng điều chỉnh thời gian giữ chức giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm, tạo động lực phấn đấu và bám trụ với nghề cho các thầy cô.
Bộ GD&ĐT cũng tăng thời gian giữ chức danh giáo viên mầm non hạng II tăng từ 6 năm lên 9 năm, nhằm thống nhất với quy định thời gian giữ hạng với giáo viên bậc phổ thông.
Bỏ nhiều thủ tục cho giáo viên
Trước đây, khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh, một số địa phương yêu cầu giáo viên phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ gây khó khăn cho các thầy cô. Từng có thầy cô làm việc nhiều năm nhưng không thể cung cấp đủ minh chứng theo quy định nên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng, gây ra tâm lý chán nản, muốn bỏ nghề.
Để khắc phục tình trạng này, Thông tư 08 bổ sung quy định, khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng. Nếu những nhiệm vụ theo hạng chức danh chưa đủ đáp ứng xét nâng hạng thì giáo viên có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan.
Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đặc biệt không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện.
Ngoài ra, Thông tư 08 cũng hối thúc các địa phương nhanh chóng bổ nhiệm chức danh và xếp lương các trường hợp giáo viên được phân công dạy môn học mới, môn tích hợp. Bộ gia hạn cho các địa phương 6 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực phải hoàn thành việc này.
Đào tạo giáo viên mầm non
Thông tư số 07 quy định về đào tạo cao đẳng mầm non có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5. Bộ GD&ĐT công nhận 2 hình thức đào tạo hệ cao đẳng mầm non: chính quy, vừa làm vừa học.
Với đào tạo chính quy, các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại trường (trừ thực hành, thực tập). Thời gian tổ chức dạy đảm bảo 6 - 20 tiếng/tuần từ thứ 2 - 7.
Với đào tạo vừa làm vừa học, các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại trường hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo. Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.
Bộ yêu cầu các trường công khai chương trình đào tạo khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học, những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo cần công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT
Thông tư 06 áp dụng từ ngày 9/5 liên quan tới một số quy định trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023. Theo đó, thông tư mới quy định thí sinh chỉ được mang vào phòng thi “bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lý”.
Thông tư điều chỉnh quy định về hồ sơ đăng ký dự thi dành cho đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi.
Đáng chú ý, thông tư cũng bổ sung diện thí sinh được cộng 0,25 và 0,5 điểm ưu tiên, gồm: “Người Kinh (0,25 điểm) và người dân tộc thiểu số (0,5 điểm) thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 3 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định".