Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp Trung ương lần này được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong ngày khai mạc là vấn đề tăng lương cho đội ngũ công chức, viên chức.

Đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Từ năm 2000 đến 2023, nước ta đã có 16 lần tăng lương, nhưng mỗi lần chỉ tăng từ vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn lương cơ sở. Lần này Trung ương bàn đến vấn đề căn cơ hơn là chính sách về tiền lương một cách khoa học, đảm bảo cho người hưởng lương có cuộc sống khá giả, ổn định hơn trên vị trí và hiệu quả công việc mà người hưởng lương đảm nhận.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, vấn đề tiền lương luôn được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh – xã hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hết sức quan tâm đặt câu hỏi cho các cơ quan liên quan cần phải trả lời, tìm giải pháp giải quyết.

Thực tế trong nhiều năm qua mức lương của công chức, viên chức quá thấp không đảm bảo đời sống đã kéo theo nhiều hệ lụy cho toàn bộ xã hội.

Từ mức lương thấp của công chức, viên chức chúng ta cũng buộc phải quy định mức lương tối thiểu thấp cho công nhân các doanh nghiệp, làm cho người lao động trong khối này cũng không hơn công chức, viên chức bao nhiêu. Trong khi đó chúng ta lại coi đây là lợi thế để kéo các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư vì ‘giá nhân công rẻ’ . Vì thế người lao động ở các doanh nghiệp dù phải làm việc từ 8 đến 10 giờ/ngày nhưng mức thu nhập lại không tương xứng với thời gian, công sức mà họ bỏ ra.

reference_exchange_rate_february_20

Còn công chức, viên chức vì lương thấp nên không toàn tâm, toàn lực cho công việc. Họ buộc phải tìm việc làm thêm để có thêm thu nhập. Xã hội gọi hiện tượng này là ‘chân trong chân ngoài’. Tệ hại hợn họ đã tìm cách thu lợi bất chính từ vị trí công tác, tùy theo cương vị mà xã hội gọi là ‘tham nhũng lớn’ và ‘tham nhũng vặt’.

Chưa dám so với thế giới mà chỉ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì mức lương của ta ở mức thấp nhất. Báo chí gần đây có đưa ra mức lương ở Campuchia nếu quy ra tiền Việt Nam là 17 triệu đồng/tháng, thì chúng ta mới chỉ bằng một nửa. Không chỉ người lao động mà mức lương của lãnh đạo cấp cao ở nước ta cũng thuộc hàng thấp nhất thế giới. Không nước nào mà lương của Chủ tịch nước – Tổng thống chỉ được chưa đến một nghìn đô một tháng.

Một vấn đề cần bàn đến là trong khi ngân sách còn hạn hẹp thì số người hưởng lương từ ngân sách lại quá đông. Lâu nay người ta hay đổ cho khối cơ quan hành chính nhà nước và tìm cách tinh giản biên chế, nhưng thực tế số người này không nhiều so với công việc mà họ phải thực thi. Chúng ta thắt chặt biên chế với ngành giáo dục trong khi theo luật định thì mỗi lớp học không được quá 40 học sinh. Hiện nay nhiều trường buộc phải bố trí từ 50 đến 55 học sinh/lớp.

Trong khi các cơ quan hành chính ở các bộ, ngành, địa phương liên tục tinh giản biên chế, thu gọn tổ chức, điển hình là công an và quân đội thì khối các đoàn thể, tổ chức xã hội lại quá đông. Sáu tổ chức chính trị - xã hội có tổ chức và biên chế từ Trung ương đến cơ sở. Rất nhiều hội thuộc liên hiệp văn học – nghệ thuật được bao cấp từ trụ sở, biên chế đến xe cộ. Phụ cấp chức vụ của người đứng đầu những hội này còn cao hơn cả phụ cấp của cục trưởng, vụ trưởng.

Chính sách tiền lương đã ở mức báo động, rất mong lần này, theo chỉ đạo của Đảng, các cơ quan chức năng cần bàn thảo về chính sách tiền lương thật sự toàn diện, thực tế và khoa học.

 

Hoàng Hữu Lượng / PetroTimes